Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 11/4/1954, hai bên ra sức củng cố trận địa

Điện Biên Phủ: Ngày 11/4, chỉ diễn ra những cuộc chiến lẻ tẻ. Cả quân địch và quân ta đều phải dồn mọi nỗ lực vào việc củng cố chỗ đứng chân trên trái đồi, bom đạn đã hủy diệt toàn bộ các công sự chiến đấu cũng như chỗ ẩn náu.

Về phía địch: Để phá các trận địa pháo cao xạ và các đường hào giao thông của ta đang tiến dần đến các cứ điểm, quân địch đã dùng nhiều tốp máy bay thay nhau ném bom, bắn phá suốt ngày đêm.

Về phía ta: Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam có thư gửi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9.

Trong cuốn Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết: Ngày 11/4, chỉ diễn ra những cuộc chiến lẻ tẻ. Cả quân địch và quân ta đều phải dồn mọi nỗ lực vào việc củng cố chỗ đứng chân trên trái đồi mà bom đạn đã hủy diệt toàn bộ các công sự chiến đấu cũng như chỗ ẩn náu. Địch phải đưa đại đội thứ ba của Tiểu đoàn Lê dương dù 2 vừa chân ướt chân ráo tới Mường Thanh, thay thế cho lực lượng chiến đấu suốt đêm qua đã quá rệu rã.

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 11-4-1954, hai bên ra sức củng cố trận địa

Bộ đội ta đào hào trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Trung đoàn 98 làm nhiệm vụ phòng ngự tại C1 được tăng cường Tiểu đoàn 888 thuộc Trung đoàn 176. Tiểu đoàn này trước đó chuyên làm nhiệm vụ tiểu phỉ và nhiều lần gây khó khăn cho những tiểu đoàn dù trên đỉnh Pu San hồi đầu chiến dịch.

Chiều ngày 11/4, Đại đội 811, Tiểu đoàn 888, do Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ chỉ huy, được đưa ra phòng ngự tại C1 thay cho các đơn vị đã chiến đấu suốt hai ngày rút về phía sau. Những người mới tới kinh hoàng vì mùi hôi thối của những thi thể bắt đầu phân hủy, những đám ruồi nhặng đen đặc. Những xác chết này hoặc khô đen, hoặc rữa nát, nhưng lại có những bộ quần áo rất bền chắc, những chiếc áo giáp chống đạn, mà họ không còn cách nào hơn là di chuyển đi chỗ khác. Những chiếc khẩu trang bịt chặt không thể ngăn chặn mùi ô nhiễm ngấm vào đất, đã bám vào áo quần và thân thể họ. Họ phải xây dựng những đường hào, ụ súng, hầm ngủ rồi lấy dây thép gai và mìn của địch để xác định ranh giới giữa ta với địch.

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 11-4-1954, hai bên ra sức củng cố trận địa

Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ giữa hai trận đánh. Tuy gian khổ, khốc liệt nhưng các cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Những lá thư nhà đọc cho đồng đội nghe trong chiến hào là nguồn cổ vũ tinh thần mãnh liệt, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững tâm vượt qua khó khăn để chiến đấu. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Trận đánh ngày 10 và 11 tháng 4 là cuộc phản kích lớn cuối cùng của Bigeard lên những trái đồi phía Đông. Địch buộc phải luân phiên đưa từng đại đội lên phòng ngự ở phần đồi phía trong. Ta và địch đã quá hiểu nhau, chấp nhận tạm thời giữ nguyên trạng. Thỉnh thoảng có những trái lựu đạn, những loạt liên thanh qua lại, những luồng súng phun lửa, những cuộc đột kích chớp nhoáng.

Trung đoàn trưởng Vũ Lăng lên thăm trận địa ngạc nhiên khi thấy trên trái đồi đã bị bom đạn làm biến dạng, cách địch 20m, các chiến sĩ ta vẫn có một cuộc sống đàng hoàng trong những căn hầm lót vải dù, đọc sách, chỉ có mùi ô nhiễm thì không có cách nào khắc phục được. Đại đội 811 tổ chức phòng ngự tại C1 hai mươi ngày liền, cho tới lúc ta hoàn toàn tiêu diệt cứ điểm này vào cuối tháng 4.

Theo QĐND điện tử

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010.

2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007.

3. Chiến dịch Điện Biên Phủ-Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.

4. Điện Biên Phủ-nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.

5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn