Quy luật vừa chiến đấu, vừa xây dựng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp của nhân dân cả nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ chứng minh rằng sức mạnh quân sự của nhân dân ta vừa biểu hiện ở sức mạnh của bản thân lực lượng vũ trang, vừa biểu hiện ở sức mạnh mà lực lượng vũ trang dựa vào.

Đó là sức mạnh của hậu phương, nhân tố thắng lợi thường xuyên của chiến tranh. Bên nào có hậu phương vững mạnh, hùng hậu thì bên đó thắng. Đó là chân lý đơn giản mà bất cứ nhà chiến lược, nhà chỉ huy quân sự nào cũng biết. Tổng kết kinh nghiệm lịch sử, Lênin chỉ ra rằng thắng lợi của chiến tranh chủ yếu là do chế độ bên trong của nước tham chiến quyết định. Chế độ xã hội tiến bộ động viên được cao nhất sức người, sức của, ý chí và trí tuệ của quốc gia cho cuộc chiến đấu. Chế độ phản động thì ngược lại, hạn chế việc động viên lực lượng chiến tranh, cuối cùng dẫn đến thất bại không tránh khỏi. 

Sức mạnh đó không phải ngẫu nhiên mà có. Sức mạnh đó bắt nguồn từ việc Đảng ta sớm nhận thức về vai trò của hậu phương, của chế độ mới trong chiến tranh. Nhận thức ấy được kết tinh trong đường lối "vừa chiến đấu, vừa xây dựng" của Đảng.

Quy luật vừa chiến đấu, vừa xây dựng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Các đơn vị bộ đội băng rừng, lội suối tiến vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta bùng nổ trong điều kiện chưa có hậu phương để bảo đảm cho cuộc chiến tranh lớn với những đòi hỏi của nó. Thực tiễn kháng chiến chứng minh rằng, xây dựng hậu phương là xây dựng lực lượng kháng chiến về mọi mặt. Sức mạnh của hậu phương là xây dựng chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân. Cái ta có thể và cần làm là xây dựng nền kinh tế dân tộc dân chủ nhân dân, với quy mô hợp lý, dựa trên cơ sở quyền làm chủ đất nước của nhân dân, với mục tiêu cơ bản là bảo đảm "ăn no, đánh thắng".

Những cải cách dân chủ đầu tiên do Nhà nước ta ban hành sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến làm cho công nhân và nông dân bước đầu hiểu được vị trí làm chủ của mình trong chế độ mới khi giải quyết quyền sử dụng cho nông dân lao động, tạm cấp ruộng công, ruộng vắng chủ, ruộng bỏ hoang, trên một nửa diện tích ruộng đất của địa chủ. Những chính sách đó với chính sách cải cách ruộng đất ở một số vùng tự do đã làm cho nông dân thấy chế độ mới thực chất là chế độ của người lao động. Thực hiện tốt chính sách ruộng đất trong kháng chiến tức là vừa động viên, vừa bồi dưỡng sức dân, làm cho cuộc kháng chiến càng đánh càng mạnh.

Những cải cách lớn về văn hóa, xã hội, giáo dục càng nâng cao thêm ý thức làm chủ của nhân dân, tha thiết với chế độ mới và quyết tâm bảo vệ nó đến cùng là vì chế độ mới làm cho mọi người biết chữ, có thêm hiểu biết, thêm văn minh, thêm sức khỏe, và có nền văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc mình. Nhân dân hiểu rõ kháng chiến để làm gì và quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Bởi chế độ mới bảo đảm cho họ tạm đủ ăn, đủ mặc và đủ sống để kiên trì kháng chiến.

Nếu như về kinh tế, nhân dân chưa hoàn toàn làm chủ, thì về chính trị nhân dân đã hoàn toàn làm chủ Nhà nước, làm chủ thôn xóm. Trong kháng chiến, lợi ích của đất nước và lợi ích của bản thân, gia đình là một.

Quy luật vừa chiến đấu, vừa xây dựng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Xe đạp thồ, dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hậu phương ta được củng cố và có nguồn dự trữ dồi dào, chính là vì chế độ mới đã được xây dựng về mọi mặt từ kiến trúc thượng tầng đến cơ sở hạ tầng. Chế độ mới đã biểu hiện rõ nét ở các vùng tự do và cả ở vùng căn cứ du kích. Nền tảng của chế độ mới là nền kinh tế dân chủ nhân dân có nhân tố xã hội chủ nghĩa đã ra đời.

Có thể nói rằng thực dân Pháp thua trận, suy cho cùng tức là chế độ thuộc địa đã thua chế độ dân chủ nhân dân. Nhân dân ta thắng trận, suy cho cùng là chế độ dân chủ nhân dân đã thắng chế độ thuộc địa.

Quy luật vừa chiến đấu vừa xây dựng, còn thể hiện ở đường lối vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng chiến đấu. Quy luật đó được quán triệt từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến. Trước khi bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, bộ đội ta đã được củng cố tổ chức và biên chế, bổ sung quân số, vũ khí đạn dược, được học tập cách đánh tập đoàn cứ điểm, được nâng cao trình độ chính trị. Quá trình vừa chiến đấu, vừa xây dựng diễn ra ngay trong chiến cuộc Đông Xuân và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nghệ thuật quân sự, phương thức tác chiến luôn luôn được rút kinh nghiệm, bổ sung và phát triển cho phù hợp với tình hình, luôn luôn chủ động, cơ động và linh hoạt.

Trước khi bước vào cuộc tổng tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong tháng 4, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã cho triển khai đợt sinh hoạt chính trị nhằm nâng cao hơn nữa ý chí quyết chiến quyết thắng, khắc phục những hiện tượng mỏi mệt, cầm chừng. Nhờ thế, quân đội ta có cả sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất, và tuy ít hơn địch về tổng quân số, kém hơn địch về vũ khí, phương tiện chiến tranh, nhưng lại có sức chiến đấu với hiệu quả cao hơn quân địch.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn