Tri ân quá khứ, tiếp nối lịch sử, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo

HQ Online -

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Hải quân cùng đồng bào cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ-những người đã hiến dâng tuổi thanh xuân và xương máu để bảo vệ từng tấc đất, sải biển của quê hương. Các hoạt động không chỉ giáo dục truyền thống mà còn truyền lửa về lòng tự hào dân tộc, hun đúc ý chí bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, hằng năm, Quân chủng Hải quân đã tổ chức đưa đón các đoàn đại biểu ra thăm huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Tại vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, các đoàn công tác đều tổ chức lễ tưởng niệm tri ân các anh hùng, liệt sĩ.

Giữa biển trời bao la, trong thời khắc trọng thể, thiêng liêng, các đại biểu đều xúc động, bồi hồi tưởng nhớ anh linh các anh hùng, liệt sĩ-những người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng đời mình cho biển, đảo, vun bồi thêm sự vững chắc cho thềm lục địa Tổ quốc. Ai cũng mong các anh yên nghỉ trong lòng biển, đảo quê hương, phù độ cho biển trời được hòa bình, đất nước mãi phồn vinh.

Chị Trần Thu Hằng, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Tôi và các chị em cùng phòng đã gấp những con hạc để thả xuống biển gửi cho các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh ở vùng biển này. Khi nhìn những con hạc bay theo gió đến với các anh thì tôi không kìm được nước mắt. Tôi rất xúc động, hi vọng rằng sự hi sinh của các anh sẽ được an ủi phần nào và cũng là động lực để chúng tôi phấn đấu nhiều hơn nữa, trở thành người công dân tốt, đóng góp nhiều hơn cho đất nước”.

Các đoàn đại biểu ra thăm Trường Sa đều tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hi sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc

Tại thị trấn Trường Sa, các đoàn công tác đã làm lễ tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong không khí thành kính, trang nghiêm ấy, mỗi đại biểu lại tự nhắc nhở mình, càng phải ra sức cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục lan tỏa nhiệt huyết, tình yêu biển, đảo đến với mọi người bằng chính những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể.

Thượng uý QNCN Trần Thị Thủy là Nhân viên văn thư bảo mật của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Chị là người con duy nhất của Thiếu úy, liệt sĩ, anh hùng LLVTND Trần Văn Phương, nguyên Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Chị Trần Thị Thủy sinh ra khi người cha đã đi xa nhưng với chị cha cùng các đồng đội của ông luôn sống mãi và là động lực để chị tiếp bước con đường mà cha mình đã lựa chọn.

Tại vùng biển Gạc Ma, đưa khăn lau những giọt nước mắt, Thượng uý QNCN Trần Thị Thủy nghẹn ngào: “Nhìn về phía Gạc Ma tôi rất đau lòng, nơi đấy có xương máu của bố tôi và các đồng đội đã đổ xuống. Trong tôi xen lẫn sự bồi hồi xúc động và cả sự tự hào. Tôi hứa với lòng mình, hứa trước vong linh của bố và đồng đội, tôi sẽ sống xứng đáng với sự hi sinh của cha anh, sẽ tiếp bước cha, góp phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Trước mỗi hải trình đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1, các đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm liệt sĩ tù chính trị Cam Ranh và Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, nơi thờ vọng 64 anh hùng, liệt sĩ trong sự kiện ngày 14/3/1988. Tại đây, câu chuyện về sự hi sinh can trường của các anh hùng, liệt sĩ được ôn lại, như nhắc nhở mỗi người phải sống, học tập, cống hiến xứng đáng với những thành quả mà cha ông đã xây dựng và gìn giữ.

Sau khi thắp hương tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã hi sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân chia sẻ: “Chúng ta hết sức cảm phục những tấm gương hi sinh vô cùng anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự trường tồn của biển, đảo Tổ quốc. Tất cả những người con đất Việt nói chung và cán bộ, chiến sĩ Hải quân nói riêng luôn thấu suốt điều đó trong hành trang của mình. Đó là điểm tựa để chúng tôi vươn lên, phấn đấu học tập công tác tốt, làm chủ VKTBKT hiện đại, xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày càng phát triển, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc.

Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, biển, đảo luôn là một phần thiêng liêng không thể chia cắt, đó là xương máu, là ý chí và khát vọng của tổ tiên ta. Thời gian trôi qua, sóng biển có thể xóa nhòa đi nhiều thứ nhưng sự hi sinh, tận hiến của những người lính Hải quân luôn sống mãi trong trái tim người Việt, mãi trường tồn cùng biển, đảo linh thiêng. Thành kính khắc ghi và tri ân quá khứ, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân cùng các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ tiếp nối lịch sử, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Bài, ảnh: Hoàng Triệu

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn