Đế quốc Mỹ cúi đầu thực hiện Hiệp định Pa-ri

Kỷ niệm 45 năm chiến công chống đế quốc Mỹ phong toả sông, biển miền Bắc bằng thuỷ lôi và bom từ trường (6-1973-6-2018)

HQVN -

Theo Hiệp định Pa-ri, Mỹ phải có trách nhiệm đưa lực lượng và cung cấp phương tiện để rà phá hết thủy lôi, bom mìn đã phong tỏa ở miền Bắc Việt Nam. Đầu tháng 2-1973, Thượng tá Hoàng Hữu Thái, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam đã họp bàn cùng với Chuẩn đô đốc Mắc-cao-ly, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Mỹ về tổ chức rà phá thủy lôi ở miền Bắc nước ta. Với sự đấu tranh khôn khéo và kiên quyết của ta, buộc phía Mỹ phải nhanh chóng tổ chức lực lượng đặc nhiệm để "kéo cày trả nợ".

Cùng với việc tập trung lực lượng rà quét, giải quyết hậu quả thủy lôi của địch, Quân chủng Hải quân còn được giao nhiệm vụ bố trí một bộ phận cán bộ, chiến sĩ kiểm tra, giám sát lực lượng Hải quân Mỹ tiến hành rà quét thủy lôi, bom mìn mà chúng đã thả ở miền Bắc. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn và Bộ Tư lệnh 350 kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của biên đội tàu Mỹ ở khu vực Hải Phòng.

Ngày 6-2-1973, Lữ đoàn đặc nhiệm mang phiên hiệu “Biên đội đặc nhiệm 78” gồm 5.003 sĩ quan, binh lính Mỹ với 44 tàu chiến và tàu quét mìn, 45 máy bay lên thẳng cùng nhiều phương tiện kỹ thuật khác do Chuẩn Đô đốc Mắc-cao-ly chỉ huy đã đến vùng biển Hải Phòng. Với dã tâm phá hoại Hiệp định Pa-ri, phía Mỹ đã tỏ thái độ thiếu thiện chí, chậm trễ trong việc thực hiện trách nhiệm cung cấp cho ta những phương tiện, khí tài dò tìm và phá hủy thủy lôi, bom mìn. Biên đội đặc nhiệm của họ chỉ thực hiện rà phá ở phía ngoài biển, lẩn tránh việc phá gỡ thủy lôi, bom mìn ở các luồng sông trong nội địa miền Bắc.

Tàu thuộc biên đội đặc nhiệm 78 của Mỹ rà quét thủy lôi và bom từ trường tại vùng biển Việt Nam. Ảnh: TL

Ngày 28-2-1973, họ tự ý di chuyển biên đội đặc nhiệm từ Long Châu xuống vùng biển Sầm Sơn, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) mà không báo trước cho đoàn đại diện của Chính phủ ta. Phía Mỹ còn lợi dụng việc đưa lực lượng, phương tiện kỹ thuật vào rà phá thủy lôi để tiến hành các hoạt động tình báo. Một số nhân viên tình báo Mỹ núp dưới danh nghĩa phiên dịch, nhân viên đánh máy và điện đài... đã lợi dụng việc ta cho phép đi lại ra vào TP.Hải Phòng để tìm cách tiếp cận các mục tiêu, chụp ảnh, thu thập tin tức về quân sự, kinh tế của ta ở các vùng ven biển, bờ biển và sâu trong nội địa. Tuy nhiên, mọi hành động đó của phía Mỹ đều đã bị quân, dân ta phát hiện, tố cáo, ngăn chặn kịp thời.

Trước sự đấu tranh kiên quyết và kiên trì giữ vững nguyên tắc của ta, ngày 6-3-1973, phía Mỹ mới bắt đầu thực hiện việc rà quét ở khu vực Hải Phòng. Nhưng đến ngày 17-4-1973, họ lại lấy cớ lực lượng ta ở miền Nam đánh chiếm vùng giải phóng để đình chỉ thực hiện theo thỏa thuận, rút biên đội đặc nhiệm của họ từ cảng Hải Phòng về cảng Su-bíc (Philippin) hòng trốn tránh trách nhiệm, cố tình trì hoãn, kéo dài hậu quả việc phong tỏa sông biển bằng thủy lôi và bom mìn để gây khó khăn cho ta.

Tháng 6-1973, đại diện Chính phủ ta gặp đại diện Chính phủ Mỹ tại Pa-ri để đấu tranh đòi Mỹ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo thỏa thuận trong Hiệp định. Cuối cùng họ buộc phải ra thông báo: 1-Chấm dứt ngay hoàn toàn và không thời hạn việc trinh sát trên không trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 2-Tiến hành trở lại việc quét mìn và hoàn thành tốt trong vòng 30 ngày; phía Mỹ phải ra thông cáo mỗi khi làm việc xong ở từng luồng lạch và ra thông báo cuối cùng khi đã hoàn thành toàn bộ công việc rà quét thủy lôi, bom mìn ở miền Bắc.

Ngày 18-6-1973, biên đội đặc nhiệm 78 của Mỹ trở lại vùng biển Hải Phòng. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn có thái độ thiếu thiện chí, đưa ra những yêu sách ngang ngược. Mỹ từ chối cấp thêm phương tiện rà phá cho ta theo thỏa thuận. Chúng ta đã kiên quyết đấu tranh, cực lực lên án và phản đối thái độ, hành động bất hợp tác của họ, cuối cùng phía Mỹ buộc phải tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm rà quét ở vùng biển Hải Phòng. Tiếp đó, họ rà quét ở các luồng thuộc vùng biển các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Song với hơn nửa vạn quân và những phương tiện khí tài hiện đại gồm: Tàu chiến, tàu quét lôi, máy bay rà thủy lôi, máy phá thủy lôi bằng âm thanh, từ tính… nhưng trong 5 tháng, phía Mỹ chỉ phá nổ được 3 quả thủy lôi ở ngoài luồng Nam Triệu, nơi chúng ta chưa rà quét tới.

Trong khi đó, họ đã bị tổn thất khá nặng: 1 lính bị chết và 9 lính bị thương, cháy 1 tàu quét mìn MSO, rơi và hỏng 4 máy bay lên thẳng CH-53, 1 xe trượt MK-105 và nhiều khí tài, dụng cụ rà phá bom mìn khác bị hỏng. Với ý định đưa lực lượng vào rà phá thủy lôi, bom mìn ở miền Bắc Việt Nam để phô trương thanh thế, khoe khoang kỹ thuật hiện đại của Mỹ nhưng kết quả càng làm cho họ thất bại nhục nhã hơn.

Tháng 6-1973, Quân chủng Hải quân đưa hai tàu V412 và V416 phóng từ cực mạnh đi rà quét kiểm tra từ vùng biển Thanh Hóa vào đến Quảng Bình nhưng không có thủy lôi, bom, mìn phát nổ.

Việc nhanh chóng giải phóng luồng lạch chứng minh Hải quân nhân dân Việt Nam cùng quân, dân miền Bắc phá được tất cả các loại thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ thả xuống các vùng sông, biển, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa lần thứ hai của Mỹ trên miền Bắc, góp phần làm nên thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc Mỹ phải thua đau và rút khỏi Việt Nam.

HQVN (còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn