Chuyện ở điểm đầu tuyến đường bí mật

HQVN -

Bến K15 Đồ Sơn, Hải Phòng là một trong những điểm đầu của tuyến đường vận tải chiến lược hết sức bí mật của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Để giữ tuyệt đối bí mật mọi hoạt động của Đoàn tàu Không số, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, một “Ban chỉ đạo bảo vệ bí mật quân sự” ở khu vực Hải Phòng đã ra đời. Thành viên chủ chốt của Ban chỉ đạo là: Sở Công an TP.Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Quân khu 3, Sư đoàn 350, Sư đoàn 363.

Giữ bí mật cho cầu tàu mở tuyến

Đại tá Bùi Quang Hải, Phó Trưởng phòng Công binh Hải quân, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 83 Công binh Hải quân cho chúng tôi biết: Đơn vị xây dựng cầu tàu K.15 Đồ Sơn năm 1963 là Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83, khi ấy trực thuộc Quân khu 5.

Nhiệm vụ Tiểu đoàn được giao là thi công cầu tàu K.15 Đồ Sơn với tốc độ nhanh, bảo đảm kỹ thuật và tuyệt đối bí mật. Cầu tàu được thiết kế hình chữ T có chiều dài 60 m, chiều rộng 6 m, có thể chịu tải 10 tấn. Kết cấu cầu tàu là cọc bằng bê tông ghép khung dầm. Ngày 15-4-1963, Tiểu đoàn 3 khởi công xây dựng cầu tàu. Một đại đội sản xuất cấu kiện bê tông. Một đại đội vận chuyển vật liệu đến chân công trình. Một đại đội làm nhiệm vụ bắc cầu tàu. Mặc dù vị trí xây dựng hết sức kín đáo nhưng để thi công kịp tiến độ và giữ được bí mật, đơn vị phải tổ chức theo ca để làm việc cả ngày lẫn đêm.

Đại tá Hoàng Xuân Lâm (người ngồi giữa đeo kính) kể lại chuyện Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Thùy Liên

Cầu tàu nằm gần Thung lũng Xanh, dưới chân nhà nghỉ Lepiont, sau gọi là khách sạn Vạn Hoa, còn bây giờ là Casino, đối diện với bãi tắm Khu 3. Đại tá Hoàng Xuân Lâm, nguyên Giám đốc Công an TP.Hải Phòng hồi đó là Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng được giao nhiệm vụ chỉ đạo công tác bảo vệ khu vực Đồ Sơn và mọi hoạt động của Bến K.15. Ông cho chúng tôi biết: Ngày ấy (năm 1963) khách du lịch đến Đồ Sơn đã rất nhiều rồi. Giữ bí mật cho bến tàu như thế nào là một bài toán khó. Công an Hải Phòng đã biệt phái cán bộ sang làm giám đốc Công ty Du lịch Hải Phòng và Công ty Du lịch Khu 3 Đồ Sơn... để quản lý nhân viên du lịch, không để gián điệp trà trộn vào trong đội ngũ.

Toàn bộ Khu 2 và Khu 3 Đồ Sơn được kiểm soát rất chặt chẽ. Các tập thể hay cá nhân ra vào đều phải được cơ quan an ninh cấp giấy phép. Các cơ sở của ta ở khu vực này liên tục giám sát, quan sát để tin tức về việc xây dựng cầu tàu không lọt ra ngoài. Sự phối hợp ấy đã tạo thế trận vững chắc để địch không thể phát hiện được Bến tàu Không số nằm ở đây. Đúng 1 tháng sau, cầu tàu K.14 được thử tải và ngay sau đó, các tàu của Đoàn 125 bí mật vào nhận hàng.

Bảo đảm an ninh cho những “chuyến hàng”

Có thể nói, chưa bao giờ công tác bảo vệ an toàn suốt từ ki-lô-mét 21 của Quốc lộ 5 đến tận Đồ Sơn được siết chặt như thời kỳ đó. Tại Sở Công an TP.Hải Phòng luôn có mặt 2 cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân và Quân khu 3 làm nhiệm vụ thông báo mỗi khi có lệnh chuyển quân hay vận tải vũ khí để các lực lượng phối hợp bảo vệ.

Chuyển “hàng”-có lúc là những đoàn xe chuyên chở vũ khí trong đêm. Bến K15 cũng chính là “tổng kho” tiếp nhận “hàng” lớn nhất lúc bấy giờ để đưa vào chiến trường. Tất cả các con tàu Không số ém mình từ các khu rừng ngập mặn thuộc Hải Phòng, Kiến An và cửa sông Bạch Đằng đều dồn về đây nhận “hàng” trước khi xuất phát. Các xe vận tải lớn chở “hàng” vào tận nơi rất khó ngụy trang.

Đây cũng là giai đoạn mà địch thường xuyên tung gián điệp biệt kích ra phá hoại miền Bắc nên công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát, công an nhân dân vũ trang, dân quân, du kích và một số ngành chức năng trên các tuyến sông, biển được tổ chức rất gắt gao.

Thời gian đầu, đối với những con tàu Không số có kiểu dáng Nam Bộ, thủy thủ lại nói “đặc sệt” giọng Nam Bộ mỗi khi phải giao tiếp ở vùng sông biển miền Bắc nên rất khó khăn cho việc giữ bí mật. Do không thể giải thích mọi việc với các lực lượng tuần tra đường biển và để bảo đảm tuyệt đối bí mật, nhất là tránh sự phát hiện của tình báo, gián điệp địch, Đại tá Hoàng Xuân Lâm đã phải trực tiếp ký, đóng dấu những “giấy phép đặc biệt” cho từng con tàu. Nội dung của “giấy phép” là: “Gửi tất cả các đồn, trạm kiểm soát ven biển, tàu này đi làm nhiệm vụ đặc biệt, đề nghị các đồn, trạm tạo điều kiện giúp đỡ cho tàu đi qua, không được giữ, không được kiểm soát”.

Những “giấy phép” này có giá trị đi qua tất cả các tỉnh từ Duyên hải Bắc Bộ đến Vĩ tuyến 17.

Triệt phá ổ gián điệp ngay tại cảng

Công an TP.Hải Phòng còn phá một chuyên án gián điệp của Mỹ cài vào Cảng Hải Phòng mang bí danh ED69. Đây là một tổ chức chuyên thu thập, chuyển các thông tin về tình hình vận tải chi viện chiến trường miền Nam của ta cho Trung tâm chỉ huy địch ở Hồng Kông-một mắt xích quan trọng của Mỹ để dò xét hoạt động của Đoàn tàu Không số tại Hải Phòng.

Kết quả, ta đã thu giữ nhiều tài liệu tình báo, vô hiệu hoá và trục xuất đầu mối chính Lam Ping Nam (quốc tịch nước ngoài) ra khỏi Việt Nam, bắt đối tượng chủ chốt Âu Trạch Niên là công nhân cảng cùng vợ là Âu Nguyệt Mi và con gái là Âu Cần Tiên-liên lạc viên của tổ chức gián điệp trên.

ED69, rồi C30, đó là những chuyên án mà Công an TP.Hải Phòng bóc tách các nội gián, vô hiệu hóa và triệt phá tốt để lập thành rào chắn không cho đối phương biết việc ta mở bến tàu, tập kết hàng, vũ khí vào Nam từ Bến K.15 Đồ Sơn này.

Có lần thuyền trưởng một tàu của Ba Lan chỉ huy tàu chở hàng viện trợ cập cảng Hải Phòng đã đến Sở Công an TP.Hải Phòng xin cho 2 vợ chồng ông ta được nghỉ tại Khu 3 Đồ Sơn. Nhưng khi họ đi nghỉ lại có thêm một cặp vợ chồng thuyền trưởng khác có quốc tịch ở một quốc gia thân Mỹ đi cùng.

Đại tá Hoàng Xuân Lâm đã chỉ đạo Giám đốc Công ty Du lịch Khu 3 Đồ Sơn (người của công an biệt phái sang) bố trí cho khách nghỉ theo nguyện vọng nhưng chọn phòng sao cho họ không thể quan sát được Bến K.15. Gần tối, các ông lại phải khéo léo tạo lý do để khách quay về Cảng Hải Phòng. Để tiếp ngay sau đó là vũ khí, trang bị từ Bến K.15 lại khẩn trương được vận chuyển xuống tàu Không số…

Câu chuyện mà Đại tá Hoàng Xuân Lâm kể cho chúng tôi là câu chuyện không được nhiều người biết, ngay cả trong ngành của ông, ngay cả bây giờ. Lịch sử luôn cất giấu những bí mật bất ngờ. Phải chăng, đó chính là lý do để Đường Hồ Chí Minh trên biển và Đoàn tàu Không số là những câu chuyện mãi kỳ bí giống như huyền thoại.

Nguyễn Toàn, Thùy Liên

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn