Vòng tròn chỉ huy (Phần 1): Lịch sử mờ ảo

HQ Online -

Khi nhắc đến hình ảnh chiếc mỏ neo, rất nhiều người sẽ biết đó là biểu tượng của tàu thuyền. Khi nhắc đến hải quân, chắc chắn nhiều người cũng sẽ hình dung ra mỏ neo nhưng hải quân thế giới còn có một biểu tượng khác – vòng tròn chỉ huy trên ống tay áo của các sĩ quan trong lực lượng này.

Hình ảnh biểu trưng này phổ biến đến mức hiện nay trên toàn thế giới, hải quân của 52 quốc gia ở cả 5 châu lục đều sử dụng vòng tròn chỉ huy và vòng dây vàng để thể hiện cấp hiệu cho các sĩ quan hải quân của họ.

Một số nước, cấp hiệu thay vì vòng tròn chỉ huy có thể là ngôi sao lớn, một loại hoa năm cánh hoặc biểu tượng khác nhưng tựu trung lại thì ý nghĩa và cách thể hiện thực ra cũng xuất phát từ vòng tròn chỉ huy mà cải biến đi.

Sự ra đời của vòng tròn chỉ huy rất khó truy tìm nguồn gốc và thường là được giải thích đơn giản là hải quân vốn như vậy. Lịch sử ra đời của chi tiết nhỏ trên ống tay áo này cũng mờ mờ ảo ảo, như đi biển trong sương mù vậy, là một thứ gì đó khó giải thích và "rất hải quân".

Cũng như nhiều truyền thống khác, cả vật chất và phi vật chất, với hải quân của nhiều nước, vòng tròn chỉ huy cũng có gốc gác từ Hải quân Anh và chính người Anh bình thường cũng không biết tại sao trên ống tay áo khoác mùa đông của sĩ quan Hải quân Anh lại có cái vòng tròn chỉ huy mà họ gọi là Executive Curl.

Thời xa xưa, khoảng từ thế kỷ XVII, sĩ quan quân đội nói chung, trong đó có sĩ quan hải quân ở Anh vốn là những nhà quý tộc và họ vẫn mặc y nguyên trang phục quý tộc khi tại ngũ, đội tóc giả, mặc áo chẽn dài có nhiều dây ngù trang trí, đeo huân chương (nhưng lại mặc quần đùi) (Hình 1).

Hình 1: Một bức tranh mô tả sĩ quan hải quân thời xưa

Việc phân biệt cấp bậc lúc đấy cũng không cần thiết lắm, vì như ở trên tàu thì chỉ có thuyền trưởng (Captain) và vài người làm phó hoặc đang học làm thuyền trưởng (các Lieutenant) là sĩ quan và cũng chỉ có hai cấp bậc đồng thời cũng là chức vụ là CaptainLieutenant, nguyên nghĩa là Đại uýTrung uý mà thôi. Trên bờ, ở bộ tư lệnh hải quân (Admiralty) cũng chỉ có vài Sea Lord (Chúa biển) làm chỉ huy (ngày nay, chức vụ Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh vẫn được gọi bằng cái tên rất cổ kính có từ thời phong kiến là The First Sea Lord – Đệ nhất Chúa biển).

Sang khoảng thế kỷ XVIII, trong khi hải quân các nước khác đã quy định quân phục thì hải quân Anh thì vẫn ai thích gì thì mặc nấy, phải đến tận năm 1760 họ mới quy định quân phục mà ngày nay người đọc chắc sẽ cười ngất: “một cái mũ ba sừng bẹp, một áo va-rơi, một cái quần ống què bằng vải buồm nhưng không được giống váy, đi tất dài bó, đi giầy có khoá bằng vàng giả”. Đại khái trông giống như nhân vật Captain Jack Sparrow trong phim “Cướp biển vùng Caribe”. Cho đến tận lúc đó cũng không rõ họ quy định như thế nào để phân biệt cấp bậc hay chức vụ cho sĩ quan hải quân của mình.

Đến năm 1783, mới thấy có quy định rằng các đô đốc có những dây ruy-băng vàng may vào ống tay áo va-rơi thành một vòng tròn khép kín gọi là vòng vàng (Gold ring).

Sang đến thế kỷ XIX, vào năm 1856 quy định này được mở rộng thành một hình thức cấp hiệu ở ống tay áo cho tất cả các sĩ quan nhánh chỉ huy (Executive Branch). Lần này thì thấy có quy định rằng dây ruy-băng trên cùng được may cuộn lại thành một vòng tròn nhỏ như ngày nay ta thấy (Hình 2) và được gọi là Excutive Curl (Vòng tròn chỉ huy).

Hình 2: Vòng tròn chỉ huy và các vòng dây vàng thời xưa và thời nay

Muộn hơn nữa, cấp hiệu ở ống tay áo có vòng tròn chỉ huy này được mở rộng cho toàn bộ đội ngũ sĩ quan của hải quân Anh và dần dần hải quân nhiều nước cũng phỏng theo.

Đức Thắng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn