Thuỷ lôi Thổ Nhĩ Kỳ

HQVN -

Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã có những tiến bộ đáng kể, nhất là về lĩnh vực máy bay không người lái. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hàng hải nói chung, hải quân nói riêng họ cũng có nhiều sản phẩm đáng quan tâm với những ý tưởng khá mới và độc đáo.

Mới đây tại Triển lãm Công nghiệp quốc phòng châu Á (Defence Services Asia 2024-DSA-2024) diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia 6-9/5/2024), Công ty Thổ Nhĩ Kỳ Koç Savunma (một thành viên của tập đoàn tư nhân Koç) đã giới thiệu một loại thủy lôi mới có tên gọi Malaman được phát triển theo yêu cầu của lực lượng hải quân nước này.

 

Maket thủy lôi Malaman của Thổ Nhĩ Kỳ trưng bày tại DSA-2024

Malaman là thủy lôi đáy không tiếp xúc có khối lượng khoảng 600kg, dài hơn 1.800mm, đường kính thân 533mm, độ sâu thả (hoạt động) trên 100m. Điểm mới của loại thủy lôi này là nó có ngòi nổ phức hợp, cảm nhận và kích nổ nhờ các trường vật lý: Từ trường, thủy âm, thủy động lực và rung động cơ học. Ngoài ra, bộ xử lý tín hiệu của thủy lôi Malaman có khả năng phân biệt địch - ta với những thuật toán phức tạp được lập trình và đưa vào cho các cảm biến thủy âm “địch - ta” cũng như bộ định lần.

Điểm đặc biệt nhất của Malaman nằm ở chỗ nó còn có thể được “mặc” một “chiếc áo” đặc biệt nhằm ngụy trang cho lẫn với môi trường cả về thủy âm và thị giác. Chưa rõ “chiếc áo” này được chế tạo bằng vật liệu gì cũng như nếu sử dụng tàu ngầm để thả thì “chiếc áo” đó có được “mặc” cho loại thủy lôi này hay không vì nó sẽ làm thay đổi đường kính thủy lôi, dẫn đến không bố trí trong ống phóng ngư lôi tàu ngầm được nữa.

Mô đun điều chỉnh đường bay thủy lôi Malaman

Thông tin sơ bộ cho thấy thủy lôi đáy Malaman mặc dù là sản phẩm của công ty Koç Savunma nhưng còn có sự tham gia của một viện nghiên cứu có tên TUBITAK SAGE và công ty MKE trong việc nghiên cứu và sản xuất phần thiết bị nổ của thủy lôi. Về phương tiện mang thả, Malaman có thể được thả từ tàu mặt nước sử dụng các xe đẩy trên boong, tàu ngầm (từ ống phóng ngư lôi 533mm) và máy bay. Một điểm khác cũng khá mạnh của Malaman là khi thả từ máy bay thủy lôi còn có thể được gắn vào mô đun điều chỉnh đường bay theo lập trình tương tự như các loại mô đun của Nga hay Mỹ. Thực chất, các mô đun này chính là các bộ thiết bị lượn có cánh “cắp” thủy lôi/bom bay theo quỹ đạo điều chỉnh được. Những thành tựu của công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy mô đun của họ cũng sẽ có tính hiệu quả.

Như vậy, điểm mới đáng chú ý của thủy lôi đáy Malaman ngoài tính phức tạp, khó rà phá ra thì đó là khả năng gắn vào mô đun điều chỉnh đường bay và đặc biệt nhất chính là ý tưởng “mặc áo ngụy trang cả về thủy âm và thị giác” cho loại thủy lôi này.

Minh Ngọc

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn