Trò chuyện đầu xuân: Những câu chuyện về biển, đảo mang tầm nhìn chiến lược thiên tài của Bác Hồ

HQVN -

Những ngày cuối năm, trời Hà Nội mưa, lạnh. Chúng tôi gặp Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Hoàng Chí Bảo tại nhà riêng. GS, TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh-người đã 50 năm nghiên cứu chuyên sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh. Những câu chuyện về Bác Hồ-nhà thiên tài quân sự qua lời kể của giáo sư thật hấp dẫn, cuốn hút.

 Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo

Theo Giáo sư, kể chuyện về Bác Hồ mà chỉ dừng lại ở việc đưa thông tin sự kiện thì khó thuyết phục người nghe. Vì thế, ông đã kể về Bác theo một cách mới là kể về cái tâm, cái đức của Bác. Điều đó đã mang lại sự thích thú cho người nghe qua những buổi nói chuyện.

Phóng viên (PV): Thưa GS, TS Hoàng Chí Bảo, ông vừa nói Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt về biển, đảo, ông có thể kể thêm về nội dung này được không ạ?

GS, TS Hoàng Chí Bảo: Tôi luôn sẵn lòng. Được kể về tâm đức của Chủ tịch cho nhân dân nghe, đặc biệt là bộ đội Hải quân thì quả là một niềm hạnh phúc. Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng và phát triển đất nước. Bởi vậy, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chỉ ra tầm quan trọng của biển, đảo mà còn cho chúng ta thấy tầm nhìn và tư duy chiến lược của Người về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. 

Ngay từ những ngày đầu Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, Người đã chọn phương tiện đường thủy. Đường biển là nhanh nhất và duy nhất lúc đó có thể giúp Người thực hiện ước mơ của mình. Nhờ việc “làm công” trên những con tàu buôn nước ngoài, Người đã đi năm châu, bốn biển để tiếp thu văn minh thế giới mỗi khi tàu cập bến và đã tìm được con đường cứu nước cho dân tộc. Đến mỗi quốc gia, Người đều có cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên của biển rất khác nhau nhưng lúc nào Người cũng tự hào về biển, đảo Việt Nam-Tổ quốc thân yêu của mình.

Từ việc ngăn chặn những hành động quá khích của quân Tưởng ở miền Bắc, hòa hoãn với Pháp để đẩy quân Tưởng ra khỏi Việt Nam, ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 rồi Tạm ước 14-9-1946, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Cao ủy Pháp D’argenlieu tại vịnh Cam Ranh có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, góp phần bảo vệ chủ quyền nền độc lập còn non trẻ của ta, trì hoãn và kéo dài thời gian chuẩn bị lực lượng cho cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

Ngày 18-10-1946, Cao ủy Pháp D’argenlieu, Tướng Luítxơ Môlie, đại diện của Pháp tại Hà Nội đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vịnh Cam Ranh. Đây là lần thứ hai sau 7 tháng, Cao ủy D’argenlieu đón Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nghi lễ chính thức trên biển. Trên Tàu Suffer, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao ủy D’argenlieu cùng duyệt đội Hải quân danh dự Pháp. Sau đó là cuộc hội kiến và chiêu đãi Hồ Chủ tịch của D’argenlieu và họp báo.

Bữa tiệc trên chiến hạm Suffer ở vịnh Cam Ranh đã trở thành một cuộc đấu trí tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một bên là viên Đô đốc Hải quân Pháp, một bên là Thống soái quân đội Pháp. Khi D’argenlieu bóng gió nói: “Thưa ngài Chủ tịch, Ngài thật đang bị đóng trong cái khung”. Chủ tịch Hồ Chí Minh mỉm cười và trả lời: “Nhưng mà Ngài Đô đốc biết đấy, chính bức tranh làm nên giá trị cái khung”. D’argenlieu lại nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã quý mến tặng Napoleon cái tên “Người đội trưởng nhỏ!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Những câu nói đầy mỉa mai của D’argenlieu được đáp trả bằng những câu trả lời vừa khôn khéo, vừa cương quyết càng thể hiện tài năng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ thăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân bảo vệ bờ biển vùng Đông Bắc của Tổ quốc (năm 1959). Ảnh: TL

PV: Thưa Giáo sư, Hải quân Nhân dân Việt Nam vô cùng vinh dự được 3 lần đón Bác Hồ về thăm. Đó có phải là tình cảm đặc biệt của Bác Hồ dành cho bộ đội Hải quân?

GS, TS Hoàng Chí Bảo: Tỉnh Bắc Ninh đã 18 lần đón Bác về thăm, tỉnh Hưng Yên đã 10 lần đón Bác. Vĩnh Phúc đón Bác 8 lần, Thái Bình đón Bác 6 lần. Như vậy thì số lần Hải quân được đón Bác về thăm không nhiều nhưng đặc biệt ở chỗ Bác về thăm Hải quân là Bác về thăm biển. Mà tình cảm Bác Hồ dành cho biển, đảo Việt Nam thì đó là tình cảm luôn đau đáu, vô bờ bến.

Ngày 24-1-1959, Cục Phòng thủ bờ bể chuyển đổi thành Cục Hải quân. Chỉ sau đó 2 tháng, trong 2 ngày 30 và 31-3-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trường huấn luyện Hải quân. Ngày 15-3-1961, Bác Hồ về thăm Hải quân lần thứ hai. Chuyến đi của Bác có một ý nghĩa đặc biệt vì Cục Hải quân lúc này mới tròn 2 tuổi, đang bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển, đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an ninh trên biển. Hơn một năm sau, ngày 13-11-1962, bộ đội Hải quân lại vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lần thứ ba. Chúng ta mãi ghi nhớ lời Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ Hải quân ở lần về thăm thứ hai: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Đây không chỉ là lời căn dặn của Người với Hải quân Nhân dân Việt Nam mà còn là lời căn dặn với toàn dân tộc, cho các thế hệ mai sau. Đấy chính là tầm nhìn chiến lược thiên tài của Bác.

Chúng ta còn nhớ, để nâng cao tinh thần cảnh giác và tinh thần chiến đấu của Hải quân và nhân dân trên biển, vào ngày 10-4-1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Hồ Chủ tịch đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải biết giáo dục cho đồng bào biết để bảo vệ bờ biển. Vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ nấp ở miền biển. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên, một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.

Cách chúng ta hơn nửa thế kỷ, Người đã nhiều lần thăm đảo Cô Tô và đây là nơi duy nhất và đầu tiên đồng ý cho phép dựng tượng đài khi Người còn sống. Tượng đài Hồ Chí Minh đứng uy nghiêm, lưng tựa vào núi, tay phải giơ cao vẫy chào, mắt nhìn ra Biển Đông. Việc Người đồng ý xây tượng đài mình trên đảo Cô Tô có lẽ cũng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Đây chính là dấu ấn nguyên thủ quốc gia gắn với chủ quyền dân tộc, là sự khẳng định chân lý: Đảo nhỏ Cô Tô, mảnh đất thân thương này là “máu”, là “thịt” của đất nước Việt Nam.

PV: Vâng. Bộ đội Hải quân sẽ rất vui khi được nghe những câu chuyện Giáo sư vừa kể vào những ngày đầu xuân mới. Giáo sư có điều gì nhắn nhủ cán bộ, chiến sĩ Hải quân không ạ?

GS, TS Hoàng Chí Bảo: Trong tình hình hiện nay, tôi chỉ muốn nói với các đồng chí bộ đội Hải quân một điều rằng xây dựng biên giới cả trên đất liền và trên biển hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng là biện pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ. Điều này cũng nằm trong chính sách đối ngoại chung của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nêu rõ: Việt Nam muốn làm bạn với các nước dân chủ, không muốn gây thù oán với bất cứ ai.

Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng sâu sắc và có ý nghĩa to lớn đối với chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc hôm nay. Hồ Chí Minh sớm quan tâm đến vấn đề xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Người cho rằng việc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng không những làm triệt tiêu các mầm mống, điều kiện có thể nảy sinh các vi phạm chủ quyền biên giới của nhau, củng cố vững chắc “phiên dậu”; bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới “từ xa” mà còn tạo cơ sở, điều kiện xây dựng tình hữu nghị giữa các dân tộc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn GS, TS Hoàng Chí Bảo. Xin kính chúc ông và gia đình đón một năm mới an khang, thịnh vượng!

Thanh Hằng (thực hiện)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn