Tín dụng đen vẫn nhức nhối

HQ Online -

Dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm hoạt động tín dụng đen nhưng hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp, kết hợp nhiều hình thức. Các đại biểu Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tín dụng đen đồng thời đề nghị có các giải pháp để người lao động thuận lợi trong việc tiếp cận các khoản vay nhỏ, các khoản vay tiêu dùng.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đề cập tới thực trạng, hiện nay, tín dụng đen len lỏi vào đời sống xã hội, cả ở nông thôn và thành thị, thậm chí một số nơi đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội. Đâu là giải pháp ngăn chặn vấn nạn này?

Tín dụng đen vẫn nhức nhối

Nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen được công an thu giữ.  Ảnh minh họa

Có thể thấy, thời gian vừa qua, tại địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã triệt phá nhiều băng nhóm, tổ chức hoạt động cho vay tín dụng đen với quy mô lớn. Đáng chú ý là việc bùng nổ hiện tượng cho vay tiêu dùng qua các ứng dụng trên mạng.

Về địa bàn hoạt động, loại tội phạm này xuất hiện nhiều trong các khu lao động, các khu công nghiệp, chủ yếu lợi dụng những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay các khoản vay nhỏ và phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày. Có những khoản vay chỉ 1 triệu đồng nhưng sau một thời gian thành mười mấy triệu đồng. Khi người vay chậm góp tiền, mất khả năng chi trả, băng nhóm tín dụng đen gọi điện đe dọa cả người vay và người thân của họ để ép trả nợ.

Tác hại của tín dụng đen đã được cảnh báo nhiều lần. Tín dụng đen đã đẩy nhiều người vào vòng xoáy nợ nần, bị khủng bố tinh thần của chính mình và người thân. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao tín dụng đen vẫn tồn tại và ngày càng diễn biến phức tạp, thậm chí trở thành giải pháp của một số người dân lao động khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bức bách?

Nguyên nhân xuất phát từ việc tín dụng đen núp bóng cho vay, nhất là hình thức vay trực tuyến với thủ tục giải ngân nhanh, tiện lợi mọi lúc mọi nơi, thậm chí không cần thế chấp, chỉ cần cung cấp số điện thoại. Nhiều người sập bẫy tín dụng đen do không phân biệt được đâu là ứng dụng của các tổ chức tín dụng chính thống, đâu là của các đối tượng cho vay nặng lãi. Trong khi đó, để thu hút, lôi kéo khách hàng, các ứng dụng vay tiền trực tuyến thường xuyên được tán phát trên mạng xã hội, nhắn tin liên tục để mời gọi...

Tín dụng đen là tệ nạn gây nhức nhối dư luận xã hội mà đối tượng thường được hướng đến là công nhân, người lao động nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để hạn chế tín dụng đen, cần đồng bộ các giải pháp và sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương. Trước tiên, cần giúp người dân có nhu cầu vay vốn tiếp cận được những kênh chính thức; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận diện tín dụng đen. Cùng với đó, rà soát lại hành lang pháp lý để có chế tài đủ mạnh, đủ tính răn đe với loại hình tội phạm cho vay nặng lãi này.

PV (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn