Tiếp nối những ước mơ

HQVN -

Dự án “Hỗ trợ sinh viên” được Quỹ học bổng Vừ A Dính thành lập vào ngày 17/10/2020. Đây là dự án nhằm chăm lo và góp phần tạo nguồn nhân lực cho vùng miền núi và hải đảo. Đến nay, đã có 47 nhà hảo tâm (gồm 11 tập thể và 36 cá nhân) đồng hành với dự án, nhận hỗ trợ học bổng cho 332 em sinh viên (gồm 242 em là người dân tộc thiểu số và 90 em là con của bộ đội Hải quân và ngư dân ở các đảo tiền tiêu). Tổng số tiền tài trợ hơn 27 tỷ đồng.

Tham dự chương trình họp mặt dự án “Hỗ trợ sinh viên” năm học 2022-2023 của Quỹ học bổng Vừ A Dính tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chúng tôi đã có dịp trò chuyện, chia sẻ với các em sinh viên là người dân tộc thiểu số và con của bộ đội Hải quân, ngư dân ở các đảo tiền tiêu đang theo học tại 92 trường cao đẳng, đại học thuộc 20 tỉnh thành trong cả nước.

Em Lê Gia Phong là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Phong sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn ở Đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang. Em được Trường THCS-THTPT Nam Việt nhận vào học theo dự án “Ươm mầm tương lai” từ năm lớp 6. Với thành tích nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, em đã thi đậu vào Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và tiếp tục được thụ hưởng Dự án “Hỗ trợ sinh viên”.

 Các nhà hảo tâm tài trợ cho các dự án của Quỹ học bổng Vừ A Dính

Lê Gia Phong chia sẻ: Em sinh ra và lớn lên ở đảo xa với điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, người dân sinh sống nhờ vào việc đánh bắt hải sản, gia đình em cũng như thế, hằng ngày phải làm việc vất vả mới đủ sống qua ngày. Ngoài ra, nơi đảo xa người dân còn rất nhiều khó khăn về điện, nước và thời tiết. Giờ đây khi đang ngồi tại giảng đường Đại học Nguyễn Tất thành, em cảm thấy mình thật sự may mắn và biết ơn gia đình thứ 2 của mình đó là Quỹ Học bổng Vừ A Dính. Được học ngành Y, đó chính là mơ ước lớn nhất của em, sau khi tốt nghiệp em muốn quay trở về đảo để được chăm lo sức khỏe cho người dân nơi đây và cũng là để được cống hiến sức trẻ của mình trong tình yêu thương của toàn đảo.

Năm học 2021-2022, mặc dù có nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 nhưng với sự nỗ lực của mình các em sinh viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Trong đó có 8 em đạt loại xuất sắc, 49 em đạt loại giỏi, 86 em đạt loại khá, 2 em đang là thực tập sinh tại Nhật và Hàn Quốc và 3 em đi du học tại Nga.

Chị Ngô Hồng Phước, Trưởng văn phòng đại diện Khu vực phía Nam của quỹ cho biết: Để kịp thời biểu dương những sinh viên có tinh thần vượt khó có kết quả học tập với điểm số đạt từ 8.0 trở lên, năm học vừa qua quỹ đã chọn giới thiệu 11 em nhận học bổng Bộ Khoa học và nghệ Thuật bang Hessen và Tổ chức Hỗ trợ Đại học thế giới của Cộng hòa Liên bang Đức, trong đó có 6 em là sinh viên của Đại học Nguyễn Tất Thành. Đây cũng là những lợi ích rất thiết thực mà quỹ muốn hỗ trợ cho các em được thụ hưởng trọn vẹn nhất.

Kết thúc năm học 2021-2022, dự án hỗ trợ sinh viên đã có có 31 sinh viên đã và đang làm luận án, thi tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân loại giỏi. Trong số này có em Ma Thị Thương, dân tộc Tày, học ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Ma Thị Thương chia sẻ niềm vui của mình: Khi bắt đầu được nhận học bổng, được quỹ đón vào TP. Hồ Chí Minh học tập, em vẫn chỉ là một cô bé dân tộc vô cùng nhút nhát, không quen nhịp sống ở thành phố. Tuy nhiên qua thời gian, các thầy, cô, ban giám hiệu nhà trường, các cô, các chị trong quỹ học bổng đã luôn ân cần chăm sóc, động viên để em tự tin hơn và học tập tốt, từng bước đến gần hơn ước mơ của mình. Cứ mỗi ngày trôi qua, em luôn tự nhủ: Đừng bao giờ ngừng cố gắng, ngừng ước mơ. Nếu có niềm tin, khát vọng sống và kiên trì thực hiện thì một ngày không xa sẽ chạm đến ước mơ của mình.

Buổi họp mặt còn là cơ hội để các sinh viên được tiếp thêm động lực học tập từ tấm gương vượt khó vươn lên học giỏi. Tiêu biểu như tấm gương của sinh viên Điểu K Hùng, dân tộc S’Tiêng. K Hùng từng là học sinh Trường THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm được thụ hưởng Dự án “Ươm mầm tương lai”. Sau 5 năm được quỹ giới thiệu đi du học tại Nga đến nay em đã tốt nghiệp với bằng cử nhân loại khá, ngành toán học tại Trường Đại học Tổng hợp hữu nghị các Dân tộc Nga.

Điểu K Hùng kể: Để đi học em phải đi 3 phương tiện giao thông công cộng gồm xe buýt, tàu điện ngầm và Tramvai. Lớp em cũng cũng là một lớp khá đặc biệt khi có 35 sinh viên Nga trong khi chỉ có hai sinh viên nước ngoài là em và một bạn Ăng-gô-la. Cách học tập và thời gian học mỗi tiết học của nước bạn rất khác ở Việt Nam, điều này thật sự làm em rất ngợp và rất khó thích nghi. Mỗi khi lên lớp luôn những có những rào cản làm em hết sức căng thẳng, nhất là năm đầu và năm thứ hai. Thế nhưng em đã luôn tự nhủ phải cố gắng hết mình để vượt qua tất cả, để không phụ lòng thầy cô, gia đình, đặc biệt là những thầy, cô trong quỹ học bổng Vừ A Dính. Rồi những năm tháng khó khăn đó đã qua để cuối cùng em cũng dành được tấm bằng đại học bậc cử nhân sau 4 năm kiên trì học tập và sinh sống tại đây.

Buổi gặp gỡ giúp các sinh viên chia sẻ, động viên lẫn nhau đồng thời cũng là dịp để tri ân những nhà hảo tâm đã trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ mình. Để từ đó như một hiệu ứng dây chuyền, trách nhiệm và tình yêu thương được lan tỏa, người đi trước rước người đi sau, người thành đạt giúp người chập chững bước vào đời. Chính các em hôm nay sẽ quay lại dìu dắt và tiếp sức cho các thế hệ sau này...

                            Bài, ảnh: Quang Tiến, Hồng Thắm

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn