Tàu ngầm sẽ là lực lượng chủ lực của hải quân thế giới
Tàu ngầm ở kỷ nguyên mới được trang bị nhiều thiết bị hiện đại có khả năng “tàng hình” trong lòng biển cùng với các loại vũ khí khủng khiếp nhất hiện đang trở thành một lực lượng chủ lực của hải quân nhiều nước trên thế giới. Đó là nhận định của ông B.Clắc (Bryan Clark), chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích đánh giá chiến lược và ngân sách quốc phòng (CSBA).
Vũ khí chiến lược trong cả phòng thủ và tấn công
Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, lực lượng tàu ngầm phần nào bị xem nhẹ thì nay, những cường quốc về quân sự đã có sự nhìn nhận khác. Ngoài những yếu tố về chiến lược phát triển mới hướng ra biển thì tàu ngầm dùng để phòng thủ hay tấn công được cho là vũ khí chiến lược cực kỳ bí mật, bất ngờ và đầy hiệu quả. Quân đội Nga, Mỹ và nhiều nước châu Á đang nỗ lực đẩy nhanh phát triển, mua và triển khai các tàu ngầm, bởi vì theo ông B.Clắc, các nước này nhận thấy rằng những tàu chiến mặt nước hay máy bay chiến đấu, dù tối tân đến đâu cũng khó mà tránh được các tên lửa diệt hạm và tên lửa phòng không. Cho nên, xu thế hải quân nhiều nước đang tăng cường lực lượng tàu ngầm để tấn công và phòng thủ.
B.Clắc phân tích, khi xảy ra chiến sự, tàu ngầm có thể tiêu diệt cả một hạm đội, làm suy yếu sức mạnh hải quân và các binh chủng khác của đối phương. Nếu tàu ngầm có trang bị tên lửa hành trình có thể tấn công những mục tiêu trên đất liền. Điều này đã được chứng minh qua các chiến dịch của Nga, Mỹ tại Xy-ri và I-rắc.
Ngoài khả năng quân sự quan trọng, tàu ngầm còn có thể thu thập tin tình báo, tổng hợp dữ liệu về các hạm đội của đối phương, thậm chí có thể giám sát những gì đang diễn ra trên đất liền. Ngoài ra, tàu ngầm sử dụng thích hợp trong các sứ mệnh nhạy cảm như: Phá hủy sức mạnh hàng hải của các nước khác; hỗ trợ các hoạt động đặc biệt; đặt mìn dưới biển và bí mật thu thập các tin tức tình báo gần vùng biển của đối thủ.
Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia được đóng tại Mỹ. Ảnh: US Navy
Xu hướng phát triển đội tàu ngầm thành lực lượng chủ lực nói trên càng rõ nét ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á–Thái Bình Dương. Trong thập kỷ qua, sự tiện ích của tàu ngầm đã được mở rộng nhờ những thành tựu khoa học trong lĩnh vực quân sự từ chống tàu ngầm đến bảo vệ lực lượng như: Hộ tống, thu thập tình báo và do thám (ISR), hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ răn đe bổ sung và phòng thủ hỗ trợ bảo vệ chủ quyền. Đồng thời, việc phiên chế tên lửa hành trình đối đất và đối hạm phóng từ tàu ngầm, các cảm biến và vũ khí chống tàu ngầm, cũng như các hệ thống tàng hình đã giúp tàu ngầm thu hẹp vòng quay xác định mục tiêu-nhận dạng-tấn công, và cuối cùng, cải thiện tính linh hoạt, cơ động, cự ly hoạt động và năng lực tấn công, phòng thủ.
Một cuộc chạy đua
Hiện nay, nhiều cường quốc trên thế giới đang “chạy đua” trong lĩnh vực tàu ngầm. Ngay cả Mỹ, Nga, những nước đi đầu trong công nghệ tàu ngầm cũng liên tục có sự cải tiến và nâng cấp. Mới đây, các nguồn tin tại Nga tiết lộ, nước này sẽ đóng các tàu ngầm hạt nhân đa năng thế hệ thứ năm, là sự tương tác giữa tính năng của một tàu ngầm với tàu không gian và tàu nổi. Theo Giám đốc điều hành Tổng công ty đóng tàu Malakhit của Nga, ông V.Đô-rô-phép (Vladimir Dorofeev), việc phát triển tàu ngầm hạt nhân đa năng thế hệ thứ năm sẽ được thực hiện đến năm 2020. “Ngoài những đặc điểm chiến thuật chính của tàu ngầm, tàu ngầm thế hệ mới là sự tương tác giữa một tàu ngầm hiện đại với tàu không gian và tàu nổi”, ông V.Đô-rô-phép nói.
Không chịu “kém cạnh”, Hải quân Mỹ cũng đang dự trù trang bị cho tàu ngầm lớp Virginia một mô-đun đặc biệt mới vào năm 2019 để tàu ngầm này có thể phóng và thu hồi các tàu ngầm không người lái, một phương tiện quân sự được dự báo là sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tương lai. Tạp chí Kinh doanh Thế giới của Mỹ cho biết, bất chấp nỗi lo ngại cắt giảm chi phí quân sự, Lầu Năm Góc vẫn được ưu tiên và thực hiện đúng kế hoạch các hợp đồng sản xuất loại tàu ngầm mới trị giá hàng tỷ USD.
Nghiên cứu cơ cấu lực lượng tàu ngầm của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS) về số lượng và chủng loại tàu ngầm đã kết luận rằng, số lượng tối ưu các tàu ngầm tấn công nhằm đáp ứng tất cả các yêu cầu thu thập tin tức và tác chiến của cộng đồng tình báo và quân sự của Mỹ sẽ là 68 chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) vào năm 2015 và 76 chiếc SSN vào năm 2025. Hiện nay, hạm đội tàu ngầm của Mỹ đang bị dàn trải. Theo kế hoạch mua sắm dài hạn của Hải quân Mỹ, số lượng SSN sẽ giảm xuống chỉ còn 48 chiếc trong giai đoạn tới năm 2033.
Trong khi đó Viện nghiên cứu Heritage Foundation của Mỹ đưa ra con số về số lượng tàu ngầm của các nước cho thấy, xu thế xây dựng lực lượng tàu ngầm trở thành lực lượng chiến lược của Hải quân là không thể đảo ngược trong giai đoạn hiện tại và tương lai. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Heritage Foundation, lực lượng tàu ngầm của các quốc gia khác trong khu vực như Ô-xtrây-li-a có 6 tàu ngầm chạy bằng điện và đi-ê-den (SSK và SS) và Ô-xtrây-li-a đang bỏ ra hàng chục tỷ USD để thuê Pháp đóng mới 12 tàu ngầm được cho là cực kỳ hiện đại.
Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc cũng đã mở rộng và nâng cấp nhanh chóng. Tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc có 6 chiếc SSN và 54 chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng đi-ê-den (SS). Hơn một nửa các tàu ngầm chạy bằng đi-ê-den là các loại tàu ngầm hiện đại lớp Kilo, lớp Tống và lớp Nguyên. Trung Quốc đang trên đường thực hiện mục tiêu xây dựng một lực lượng hải quân nước sâu, có thể tác chiến ngoài khơi xa, vì vậy trong giai đoạn từ năm 1995-2005, Trung Quốc đã trang bị cho hải quân nước này 31 tàu ngầm mới. Ước tính hạm đội tàu ngầm tấn công của Trung Quốc trong tương lai sẽ có khoảng từ 58-88 chiếc, phụ thuộc vào việc các loại tàu ngầm cũ ngừng hoạt động sớm hay muộn. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cho ra mắt bốn loại tàu ngầm mới được thiết kế và sản xuất trong nước là tàu ngầm lớp Tấn (tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo-SSBN), lớp Thương (SSN), lớp Nguyên (SSP), và lớp Tống (tàu ngầm tấn công chạy bằng điện-SSK). Thế hệ tiếp theo của tàu ngầm lớp Thương cũng đang được chế tạo.
Ấn Độ có 16 tàu ngầm tấn công chạy bằng đi-ê-den và gần đây đã hạ thủy chiếc SSN đầu tiên. Ấn Độ cũng đang chế tạo 6 tàu ngầm đi-ê-den lớp Scorpene. Trong khi đó, theo phương Tây ước tính, Nga có 17 chiếc SSN và 20 chiếc SS. Hàn Quốc có 12 tàu ngầm tấn công và có kế hoạch tăng lên 27 chiếc vào năm 2020…
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Dòng tên lửa đối hạm Type 12 của Nhật Bản - ( 29-07-24 08:00 )
- Đoàn công tác Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn chào xã giao chính quyền TP.Surabaya và một số đơn vị Hải quân Indonesia - ( 18-07-24 07:00 )
- UAV và phòng vệ chống tên lửa/UAV - ( 14-07-24 08:00 )
- “Kẻ săn mồi” đáng gờm dưới đáy đại dương - ( 10-07-24 08:00 )
- Tàu ngầm S20 - “Người chơi mới” ở Nam Á - ( 24-06-24 01:00 )