Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Nhà máy X46 chính quy, hiện đại

Đại tá Đặng Ngọc Đảo, Giám đốc Nhà máy X46

HQVN -

Xưởng X46 nay là Nhà máy X46, (Công ty TNHH một thành viên đóng và sửa chữa tàu Hải Long), Cục Kỹ thuật Hải quân là cơ sở công nghiệp bảo đảm kỹ thuật, trang bị đầu tiên của Cục Phòng thủ bờ bể (tiền thân của Quân chủng Hải quân) được thành lập ngày 26-4-1955 với nhiệm vụ: Đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật. Nhiệm vụ đầu tiên Xưởng được giao là đóng mới 20 ca nô chiến đấu cho lễ ra mắt Thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng. Với nỗ lực vượt bậc, Xưởng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này để ngày 24-8-1955, Cục Phòng thủ bờ bể long trọng tổ chức lễ thành lập 2 thuỷ đội đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Tàu 011-Đinh Tiên Hoàng vào sửa chữa tại Nhà máy X46. Ảnh: Xuân Hải

Từ năm 1956-1963, Xưởng vừa bảo đảm sức sống cho các ca nô vũ trang, vừa đảm bảo kỹ thuật cho các tàu tuần tiễu, săn ngầm, phóng lôi cùng các loại pháo phòng không, pháo bờ biển, thủy lôi, xe xích kéo pháo, máy móc, khí tài thông tin, ra đa... Xưởng cũng tổ chức đào tạo lực lượng thợ kỹ thuật và trở thành một trong những đơn vị đầu tiên của Quân đội thực hiện nhiệm vụ này. Sau 9 năm (1955-1963), Xưởng đã từng bước trưởng thành, gánh vác vai trò tiên phong, nòng cốt thực hiện công tác kỹ thuật Hải quân.

Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 3-1-1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định đổi tên Cục Hải quân thành Bộ Tư lệnh Hải quân. Xưởng 46 tập trung vào nâng cao khả năng chiến đấu cho tàu K210-A, các ca nô chiến đấu, đồng thời lắp pháo 20 mm cho các tàu của dân quân tự vệ biển Hải Phòng, góp phần quan trọng để Quân chủng cùng quân dân miền Bắc đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964. Sau giai đoạn này, Xưởng được giao thêm nhiệm vụ cải hoán và đóng mới 20 tàu vỏ sắt, vỏ gỗ giả dạng trang bị cho Đoàn tàu Không số vận chuyển người, vũ khí, trang bị chi viện cho chiến trường miền Nam; nghiên cứu, sáng chế thiết bị rà phá thủy lôi khai thông luồng lạch sông, biển miền Bắc; cải tiến thủy lôi, mìn phục vụ cho Đặc công Hải quân chiến đấu trên chiến trường sông, biển miền Nam. Năng lực sản xuất của Xưởng không ngừng được nâng cao, góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và giải phóng quần đảo Trường Sa.

Năm 1988, khi xảy ra sự kiện 14-3 trên quần đảo Trường Sa, Xưởng 46 đã tổ chức lực lượng cơ động phối thuộc với Nhà máy Z753, trực tiếp bảo đảm kỹ thuật cho các tàu của Quân chủng tham gia chiến dịch CQ-88, CV-88.

Ngày 17-4-1993, Xưởng 46 được đổi tên thành Nhà máy X46 Hải quân. Nhà máy triển khai dự án đầu tư hiện đại hóa công nghệ, tăng năng lực sửa chữa tàu quân sự.

Sau khi hoàn thành giai đoạn I của dự án, Nhà máy đủ năng lực sửa chữa 19-22 tàu quân sự và 5-7 tàu dân sự mỗi năm. Ngoài ra, Nhà máy còn thực hiện đóng mới các tàu tuần tra, tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm cứu nạn cho Bộ đội Biên phòng, tàu Kiểm ngư, tàu chở hàng, các loại xuồng cao tốc thân vỏ bằng vật liệu composite... Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Nhà máy đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trong quá trình quản lý và điều hành sản xuất. Cùng với việc sử dụng nhiều máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới như: Cắt Plasma, sử dụng phần mềm trong phóng dạng, cắt tự động trên máy CNC, mát hàn TIG, MIG ... việc tin học hóa cũng được đẩy mạnh, các phòng, phân xưởng, ban, đội đều được trang bị máy tính với số lượng lớn, toàn bộ Nhà máy đã được nối mạng nội bộ và hệ thống mạng Internet tốc độ cao. Bộ phận kỹ thuật được trang bị phần mềm SHIPCONSTRUCTOR là phần mềm đóng tàu vào loại hiện đại trên thế giới; riêng cơ quan tài chính, vật tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh được trang bị phần mềm chuyên dụng về quản lý.

Tính từ năm 2001 đến nay, Nhà máy đã sửa chữa, đóng mới hàng trăm tàu, thuyền quân sự, dân sự và xuồng cao tốc; sản xuất hàng trăm khí tài, hàng vạn chi tiết phụ tùng thay thế; sản xuất, gia công và lắp ráp chân đế cẩu và nhiều hạng mục phụ tùng, vật tư cho các cảng dân sự từ Quảng Ninh-Hà Tĩnh. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn song Nhà máy vẫn tập trung mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên và người lao động. Năm 2019, giá trị sản xuất của Nhà máy đạt hơn 367 tỉ, thu nhập bình quân hơn 11,4 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, sản xuất kinh doanh, Nhà máy còn là một điểm sáng trong thực hiện công tác dân vận, tham gia hoạt động xã hội, xây dựng cơ sở chính trị, đời sống văn hóa mới tại địa bàn đóng quân, tăng cường mối đoàn kết quân dân góp phần xây đắp nên truyền thống: “Tích cực chủ động; Khắc phục khó khăn; Lao động sáng tạo; Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Phát huy truyền thống 65 năm anh hùng của Nhà máy, Đảng ủy, Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ, QNCN, CNVQP và người lao động Nhà máy X46 nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, vượt qua thử thách tiếp tục xây dựng Nhà máy chính quy, hiện đại, xứng đáng là “cái nôi” đảm bảo kỹ thuật trang bị đầu tiên của Quân chủng Hải quân.

NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

Nhà máy được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước; 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 5 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 5 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất…

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn