Nhớ rét

Sinh sống và làm việc ở phương Nam, thời tiết thường quanh năm nắng ấm, nhiều khi tôi thấy thiếu vắng và thèm muốn đôi khoảnh khắc mùa Đông miền Bắc: một cơn gió mùa, một màn mưa bụi, một chút rét rất đặc trưng của tiết trời cuối năm...

Năm nay dường như đất trời hào phóng hơn, khi đã mang cái se lạnh cuối Đông vào tận trong này. Những chiếc áo khoác, khăn quàng nằm im lìm rất lâu trong góc tủ đến mức gần như bị lãng quên, hôm nay chợt hiếm hoi được nhớ đến. Tiết đông dù không thực sự rõ rệt khi cứ xoay vần mưa nắng suốt ngày dài nhưng chút lạnh mơn man cũng làm vợi đi niềm ngóng đợi và gợi về một miền nhớ khôn khuây.

Ảnh: minh họa

Ký ức dẫn tôi về những mùa đông ấu thơ nơi quê nhà, nơi tôi lớn lên cùng dặm dài bão mưa, rét buốt để thương nhớ quắt lòng kỷ niệm xưa xa mỗi khi chạm vào. Ở cái eo đất miền Trung khắc nghiệt ấy, mỗi năm sau khi mùa bão đi qua là tiếp nối những đợt gió mùa Đông Bắc, mang theo cả cơn mưa dầm dề cộng hưởng thành cái buốt lạnh tái tê. Rét là một cách gọi cho cái lạnh thấu xương, cắt da cắt thịt khiến ai cũng e ngại, chỉ biết cúm núm trong nhà, co cuộn cùng chăn ấm.

Vào cái thời đời sống khó khăn, túng thiếu của ngày xưa ấy, việc sắm sửa chăn ấm nệm êm để chống rét là một điều xa xỉ đối với hầu hết mọi nhà. Nhà tôi cũng vậy, chỉ có mỗi chiếc chăn bông và chiếc chăn chiên mỏng chở che qua hằng hà cái rét mùa Đông. Cứ thế, không thể nhớ nổi chiếc chăn bông mỗi năm càng sờn cũ ấy đã đồng hành cùng tôi qua biết bao năm tháng ấu thơ với cơ man ký ức vui buồn. Có lần bất cẩn bị bén lửa, cái “bảo bối” duy nhất đã cháy sém một góc, lại được mẹ vá chằng vá đụp, thay bằng cái vỏ chăn mới.

Nhớ rét, tôi lại nhớ bà khôn nguôi. Gần như suốt ngày, bà chỉ ngồi hong đôi bàn tay nhăn nheo bên bếp lửa. Hễ rời đi một chút là chân tay lại cóng buốt, co rúm lại không cầm nắm được vật gì. Củi tàn lại nhen lửa mới, mỗi đêm đi ngủ không thể thiếu một chậu than hồng đặt ngay dưới chiếc chõng tre của bà. Vậy mà, khi gà chưa gáy sáng, đã thấy bóng bà lom khom nhóm bếp, lúc thì chiên cơm, lúc thì luộc khoai cho mấy đứa cháu dằn bụng mỗi sáng đến trường.

Khi những đứa con vô tư cuộn tròn say ngủ, bố mẹ hằng đêm lại băng qua giá rét để sinh kế. Nghề chài lưới vốn bấp bênh, giữa tiết trời đông giá lại thêm muôn phần khó nhọc. Vậy mà chưa từng thấy cha mẹ buông một lời than trách. Mớ cá, mớ tôm tất bật chợ sáng, chợ chiều khiến làn da mẹ tím tái khi phải ngâm nước, dầm mưa suốt ngày dài sao mà thương đến lạ. Đôi khi tôi muốn mở lời xin mẹ mua cho mình cái áo bông mới mặc đi học nhưng lần lữa mãi rồi không đành lòng...

Nhớ rét, chạnh lòng thương về bao kỷ niệm cùng đám bạn học thuở thiếu thời. Sáng sáng lại í ới gọi nhau, chở nhau đi học. Lạ thay là đứa nào cũng giành phần được đạp xe chở bạn, chỉ vì khi được vận động nhiều sẽ... đỡ rét hơn. Đám trẻ nhà nghèo ngày ấy thường hay san sẻ cho nhau những thứ quà vặt rất “chân quê”, lúc thì nắm ngô rang, khi thì củ khoai nướng, sắn luộc hôm nào cũng sẵn có mang theo đến lớp. Những thức quà giản dị ấy có hôm lại là cứu cánh cho đứa bạn nghèo chống đói qua một buổi học.

Từ trong cái khắc nghiệt của tiết trời đông thường khiến người ta e ngại, muốn né tránh, vậy mà thiếu vắng nó, ta lại thấy nhớ, thèm muốn được chạm vào. Và tôi cũng vậy, tôi tìm thấy bao điều thân thương trong cái rét và cất giữ vào đấy những ký ức không dễ nhòa phai, để mỗi khi nhớ về lại cay sè khóe mắt.

Ngô Thế Lâm

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn