Nhận việc follow trên ứng dụng Tiktok: Cẩn thận sập bẫy lừa đảo

Đầu tháng 7/2023, chị Nguyễn Thị Thanh ở phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn bị một đối tượng gọi điện chào mời tham gia công việc online với nhiệm vụ follow (hành động theo dõi một người hay một tài khoản nào đó trên nền tảng Social media như: Facebook, Instagram, Tiktok...) người dùng trên ứng dụng Tiktok.

Chị Thanh làm theo hướng dẫn và nhận được thù lao ban đầu là 300.000 đồng. Ngày hôm sau, chị tiếp tục được thông báo chuyển sang nhiệm vụ cao hơn là follow kèm chuyển khoản đến số tài khoản của đối tượng lừa đảo để nhận hoa hồng.

Tuy nhiên, sau khi chị Thanh chuyển khoản, các đối tượng lại yêu cầu chị làm theo hướng dẫn để nhận lại số tiền gốc và hoa hồng. Sau mỗi "nhiệm vụ", chị Thanh lại có yêu cầu chuyển khoản tiếp, lần lượt với số tiền: 5 triệu đồng, 10 triệu, 30 triệu đồng... Đến lần yêu cầu thực hiện "nhiệm vụ" với số tiền lên tới 100 triệu đồng, chị Thanh mới nhận thấy đây là hành vi lừa đảo nên dừng lại. Tuy nhiên, số tiền chị Thanh mất đã lên đến hơn 50 triệu đồng.

 Bài đăng tin lừa đảo tuyển dụng việc follow trên ứng dụng Tiktok thu hút nhiều người quan tâm.

Bài đăng tin lừa đảo tuyển dụng việc follow trên ứng dụng Tiktok thu hút nhiều người quan tâm

Các bài viết lừa đảo tuyển dụng làm việc online, thu nhập cao trên mạng xã hội rất thu hút người dùng. Cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều về thủ đoạn lừa đảo "việc nhẹ, lương cao”. Thế nhưng, không ít người vẫn sập bẫy vì thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng tiếp cận những người có nhu cầu làm việc tại nhà, làm việc online. Các công việc được đối tượng dùng để bẫy người tham gia thường là những việc đơn giản, nhẹ nhàng, không yêu cầu kỹ năng chuyên môn hay máy móc thiết bị đặc biệt, nhưng đem lại thu nhập cao, thù lao trả ngay trong ngày.

Sau khi mọi người tham gia, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ, thường bắt đầu bằng những việc rất đơn giản như follow để tăng tương tác cho một kênh nào đó. Sau "nhiệm vụ" đầu tiên, người tham gia sẽ nhận được một khoản hoa hồng để tạo niềm tin. Sau khi người tham gia mua những gói "nhiệm vụ" có giá trị lớn hoặc nhận ra mình có dấu hiệu bị lừa đảo thì mọi việc đã muộn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Quý III-2023, nhu cầu việc làm của người lao động tăng cao, đặc biệt đối với lực lượng lao động trẻ như học sinh, sinh viên mới ra trường. Đánh vào lòng tham của con người và sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin đã xảy ra tình trạng lừa đảo việc làm online.

Hiện nay, hệ thống sàn giao dịch việc làm, các đơn vị chính thống hỗ trợ tư vấn việc làm sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho người lao động, như: Vị trí việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng, chế độ... Để tránh bị lừa đảo, người lao động cần tìm hiểu thật kỹ về công ty, đơn vị, doanh nghiệp mà mình dự kiến xin việc, tìm hiểu tính chất công việc, vị trí việc làm, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xoay quanh vị trí việc làm đó”.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn