Lực lượng đặc nhiệm người nhái-"nắm đấm thép” của Hải quân Nga

Lực lượng đặc nhiệm người nhái chống biệt kích thuộc Hải quân Nga được xem là “nắm đấm thép” của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới này trong việc chống lại những “hiểm họa” từ dưới nước cũng như trong cuộc chiến không khoan nhượng giữa lòng đại dương…

Lực lượng OSNB PDSS

Hải quân Nga hiện đang có trong tay một lực lượng chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ ven biển và bảo vệ đội tàu trước những đòn tấn công từ dưới nước. Đó là đội đặc nhiệm chống lại các lực lượng và phương tiện biệt kích từ dưới nước (OSNB PDSS). Những người lính làm nhiệm vụ đặc biệt này còn hay được gọi là đặc nhiệm người nhái.

Hoạt động của đội chống biệt kích từ dưới nước OSNB PDSS bí mật đến nỗi ngay cả những cựu binh đã hết nghĩa vụ từ lâu cũng từ chối tiết lộ chi tiết về nhiệm vụ của mình. Theo tác giả bài viết đăng trên RIA Novosti, phải mất một thời khá dài anh ta mới liên lạc được với một sĩ quan-người nhái chuyên điều phối công việc của đội đặc nhiệm người nhái từ trụ sở chính. Với điều kiện giấu tên, ông đã cung cấp một số thông tin về công việc của mình. Viên sĩ quan này khẳng định, hằng ngày đặc nhiệm người nhái phải thực hiện rất nhiều công việc như tìm kiếm ngư lôi, mìn của kẻ thù; kiểm tra tất cả các bụi cây và phiến đá trong một khu vực rộng ở dưới đáy đại dương. Các đặc nhiệm người nhái làm việc theo ca, thời gian phụ thuộc vào tình hình căng thẳng và môi trường hoạt động quân sự ở từng khu vực cụ thể. Thường xuyên có trường hợp đặc nhiệm người nhái phải ở dưới nước một vài tuần.

“Đội tuần tra tàu ngầm” này luôn có mặt tại các căn cứ hải quân lớn của Nga. Việc bảo vệ căn cứ quân sự Nga ở Tartus (Syria) được giao phó cho lực lượng người nhái của Hạm đội Biển Đen. Họ làm nhiệm vụ chống tàu biệt kích cũng như kiểm soát các khu vực ven biển gần căn cứ mà có khả năng bị khủng bố tấn công. Nhóm chiến đấu thường gồm chỉ huy, huấn luyện viên-người nhái, người nhái-trinh sát, thợ gỡ mìn và một kỹ thuật viên radio.

Đặc nhiệm người nhái của Hải quân Nga. Nguồn: RIA Novosti 

“Chọn mặt gửi vàng”

Không phải ai cũng có thể trở thành đặc nhiệm người nhái. Để có thể được phục vụ trong OSNB PDSS cần phải trải qua quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt với các yêu cầu về thể lực dẻo dai, hệ thần kinh tốt, khả năng giữ bình tĩnh trong những tình huống khắc nghiệt và khả năng chịu áp lực của nước khi lặn ở độ sâu lớn. Những người có chứng sợ bóng tối, cô đơn và không gian hẹp bị loại ngay lập tức. Sau khi được chọn, các học viên sẽ phải đối mặt với một chương trình huấn luyện khắc nghiệt bao gồm đào tạo kiến thức về môi trường biển, kỹ thuật lặn, địa hình đáy biển, huấn luyện thể lực, chiến đấu bằng tay không, kỹ năng sinh tồn…

Lực lượng đặc nhiệm người nhái này thường thực hiện các bài tập tại Gadzhiyevo, vùng Murmansk-căn cứ chính của đội tàu ngầm thuộc Hạm đội Biển Bắc. Họ khảo sát các tàu ngầm nguyên tử và bến cảng. Trong trường hợp các phần tử khủng bố cướp tàu, lực lượng người nhái sẽ chui vào tàu, tiêu diệt khủng bố và giải phóng con tin.

Vũ khí đặc biệt

Ngoài kỹ năng chiến đấu bằng tay không, tất cả các đặc nhiệm người nhái đều được trang bị vũ khí chuyên dụng dưới nước như súng tiểu liên và súng lục, súng phóng lựu chống biệt kích DP-65. Ngoài ra, họ còn có trong tay các phương tiện kỹ thuật để phát hiện quân biệt kích. Vì môi trường biển khắc nghiệt nên vũ khí dưới nước có thiết kế phức tạp hơn vũ khí sử dụng trên cạn. Ví dụ như loại súng trường tấn công ADS có thể dùng được cả trên cạn và dưới nước. Theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho hay, tầm bắn hiệu quả của ADS ở dưới nước là 25 m. ADS nhận được những ứng dụng công nghệ từ súng tiểu liên A-91M, điểm khác biệt lớn nhất là ADS có nút  điều chỉnh khí ga ở hai chế độ nước hoặc không khí. 

Hiện nay, lực lượng đặc nhiệm người nhái tuần tra căn cứ ven biển trên các tàu tuần tra chống biệt kích thuộc Đề án 21980 Grachonok. Tàu chống biệt kích Grachonok dài 31 m, rộng 7,4 m, có lượng giãn nước 139 tấn, đạt tốc độ 23 hải lý, hoạt động liên tục trong đoạn đường dài 321 km. Tàu trang bị súng máy 14,5 mm, súng phóng lựu chống biệt kích ngầm DP-64, 65A và 4 tổ hợp tên lửa phòng không di động Igla.

Nếu như Lực lượng đặc nhiệm (Spetsnaz) của Hải quân Nga có nhiệm vụ trinh sát và biệt kích ở các vùng ven biển vì lợi ích của Hải quân thì biệt đội OSNB PDSS chịu trách nhiệm tuần tra, tìm kiếm và tiêu diệt người nhái biệt kích bên phía đối phương. Dù cho hai lực lượng này có nhiệm vụ và chức năng khác nhau nhưng trong một số trường hợp họ có thể cùng nhau phối hợp hành động.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn