Hệ thống tác chiến chống thủy lôi SeaFox

HQVN -

Hệ thống tác chiến chống thuỷ lôi SeaFox do Công ty công nghiệp quốc phòng Đức Atlas Elektronik nghiên cứu phát triển từ những năm 1990, hiện đang phục vụ trong hải quân khoảng 11 nước trên thế giới.

Hệ thống SeaFox được thiết kế để hoạt động chống thuỷ lôi theo kiểu “con nhà giàu” mà như Atlas Elektronik gọi là nguyên lý của phương tiện phá thuỷ lôi dùng một lần (EMDV-Expendable Mine Disposal Vehicle principle). Hệ thống này có thể bố trí trên tàu rà quét thuỷ lôi chuyên dụng, cũng có thể triển khai từ tàu mặt nước bất kỳ, thậm chí cả từ xuồng cao su. Hệ thống SeaFox có các thành phần: Trạm điều khiển (console), các robot ngầm bán tự động (UUV), thiết bị cẩu. Hệ thống có thể hoạt động độc lập (console điều khiển có thể đầy đủ khả năng điều khiển các robot ngầm) hoặc tích hợp với hệ thống điều khiển chung trên tàu (console có thể có hoặc không).

 

UUV SeaFox C

Các robot ngầm bán tự động (các phương tiện ngầm không người lái-Unmanned Underwater Vehicle-UUV) của Hệ thống SeaFox gồm 3 loại khác nhau: SeaFox C, SeaFox I, SeaFox T and SeaFox COBRA. Trong đó, SeaFox C là UUV chiến đấu ngoài các cảm biến như camerra, định vị, sonar… còn mang theo một đầu đạn lõm để phá huỷ thuỷ lôi, đây cũng là thiết bị dùng một lần. SeaFox I là thiết bị làm nhiệm vụ trinh sát thuỷ lôi neo, đáy và cả thuỷ lôi trôi đồng thời còn thể thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ khác như, kiểm tra thân vỏ tàu, trinh sát, kiểm tra thiết bị ngầm… SeaFox T là thiết bị cơ bản giống như SeaFox C nhưng có điểm khác là sử dụng pin sạc lại được và dùng cho nhiệm vụ huấn luyện sử dụng các UUV SeaFox, còn SeaFox Cobra thực ra cũng là một loại UUV làm nhiệm vụ phá nổ dưới nước nhưng còn có ứng dụng dân sự.

Các UUV của SeaFox đều có thiết kế như nhau, dài 1,3m rộng và cao 0,39m và nặng khoảng 39kg, một người có thể mang được. Trên các UUV đều có trang bị hệ thống định vị quán tính đơn giản, sonar, đèn chiếu sáng, camerra, sonar để phát hiện thuỷ lôi, định vị đường di chuyển. Chúng được điều khiển tự động hoặc bán tự động thông qua một cáp quang nối với console điều khiển trên tàu, các hình ảnh, thông số từ UUV được truyền về console điều khiển và lệnh điều khiển được truyền đến UUV đều theo thời gian thực. UUV được cấp nguồn từ pin sạc nhiều lần (SeaFox I, SeaFox T) hoặc pin dùng một lần (SeaFox C). UUV có chân vịt đảm bảo khả năng chuyển động 3 chiều ở độ sâu lên đến 300m nước, trong thời gian 100 phút với tốc độ cao nhất đến hải lý/giờ.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống SeaFox khái quát như sau: Trong tiến hành tác chiến chống thuỷ lôi, tàu mang SeaFox sẽ dùng sonar độ phân giải cao hoặc các thiết bị trinh sát, dò tìm thuỷ lôi khác để tìm kiếm và định vị thuỷ lôi. Sau đó sẽ thả SeaFox I xuống để trinh sát xác minh thuỷ lôi (cũng có thể sử dụng SeaFox I để thực hiện công việc này từ các tàu chống thuỷ lôi không chuyên dụng). Thả tiếp SeaFox C xuống làm nhiệm vụ tiếp cận thuỷ lôi đã phát hiện tự động hoặc có điều khiển từ xa, khi tiếp cận và xác minh lại đúng là thuỷ lôi cần tiêu diệt sẽ kích nổ đầu đạn lõm 1,4kg để phá nổ thuỷ lôi ở cự ly lớn nhất từ tàu mẹ là 1km để đảm bảo an toàn. Khi kích nổ đầu đạn thì cũng đồng nghĩa là SeaFox C sẽ tự huỷ.

Mỗi UUV SeaFox C chỉ phá huỷ được một quả thuỷ lôi. Nguyên lý này đảm bảo an toàn cho người sử dụng nhưng số lượng thuỷ lôi phá huỷ sẽ không nhiều và cũng chỉ thích hợp nhất là khi phá nổ thuỷ lôi đáy. Để đảm bảo chống thuỷ lôi cho một chiến dịch đổ bộ đường biển thì sẽ khó rà phá hết thuỷ lôi đủ để mở luồng cho tàu đổ bộ.

Hệ thống SeaFox, mặc dù vậy, cũng đã 2 lần được tham gia thực chiến rà phá thuỷ lôi, lần 1 năm 2001 ở Iraq và lần 2 năm 2011 ở Lybia và cũng khá thành công, Hải quân Mỹ hiện đang đặt hàng SeaFox với số lượng khá lớn. Ở khu vực Đông Nam Á, Hải quân Thái Lan cũng đang sử dụng hệ thống tác chiến chống thuỷ lôi này.

Minh Ngọc

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn