Đông về

HQVN -

Thời khắc chớm đông không hiện hữu một cách rõ rệt, vì mỗi năm một khác. Tờ lịch treo tường ghi ngày lập đông mặc dù được tính toán kỹ nhưng không thể chính xác với sự đỏng đảnh của thời tiết lúc giao mùa.

Với tôi, hoài niệm về chớm đông là khi chiếc radio cũ sờn, kêu xoèn xoẹt phát đi bản tin gió lạnh đầu mùa. Ấy là chớm đông, ta có thể cảm nhận rõ mồn một sự đổi thay khi chiều buông xuống, những cơn gió lạnh se sắt kéo cả bầu trời mây trĩu nặng, dịch chuyển dần từ Bắc xuống Nam cho đến lúc trời-mây không còn ranh giới, cùng khoác lên một màu xám trầm mặc, in bóng cả dòng sông chạy ngoằn ngoèo qua bãi ngô đã thu hoạch, chỉ còn lại vài chiếc lá úa phất phơ theo gió.

Ảnh minh họa

Những chú cá nhỏ hằng ngày tung tăng đớp hoa cỏ ven bờ nay cũng trốn biệt trong làn rêu dưới đáy sông, chẳng buồn xuất hiện. Vòm trời hình như thấp hơn, những cơn gió mùa lang thang khắp nẻo, gợi trong lòng mỗi người nỗi nhớ chơi vơi, cái giá lạnh đầu đông bắt đầu hiện hữu trong từng ngõ xóm. Chỉ có cây gạo già nua nơi cổng làng, bao năm nay đã quen với cảnh lập đông, bắt đầu mùa lá rụng, phủ đầy mái tranh mấy quán nhỏ ven đường. Các cụ già quàng khăn mỏ quạ kín mít, bỏm bẻm nhai trầu bên dãy hàng đơn sơ với chiếc đèn dầu leo lét. Thời gian như trôi chậm lại, cảnh vật, con người hình như cũ hơn.

Đông về, đó là khoảng thời gian đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ, khiến ai trong chúng ta cũng muốn được trở lại thời chăn trâu, cắt cỏ, đốt bùi nhùi rơm sưởi ấm trên những cánh đồng làng mênh mông, chạy thoả thích giữa đàn bò con nào con nấy gầy guộc vì đồng cỏ mùa thu xanh mướt nay cũng úa màu xám ngoét.

Chớm đông, đó là lúc lũ trẻ chăn bò đi tìm bắt những con cua đồng nấp trong hang sâu ven bờ ruộng xâm xấp nước, chỉ còn trơ gốc rạ. Bàn tay đứa nào đứa nấy dính đầy bùn, nhăn nheo vì lạnh, thỉnh thoảng, có đứa lại kêu toáng lên vì bị cua kẹp hay đột ngột nhảy dựng lên, vứt ra xa một chú rắn nước vừa cầm phải. Khó khắn lắm bọn trẻ mới nhóm được bếp lửa từ bùi nhùi rơm và những thanh củi bờ rào ẩm ướt. Thế nhưng khi ngọn lửa đã bén, than đã hồng, những con cua đồng được thảy vào lửa, hàng chục đôi bàn tay bé xíu hơ trên than hồng, đón lấy hơi ấm từ bếp lửa. Mùi cua đồng nướng bốc lên thơm lựng khiến bọn trẻ thèm chảy nước miếng.

Những con cua đồng nướng chín, giòn tan trong miệng, khi con cua cuối cùng đã hết, khi bếp lửa tàn, chúng lại bày ra đủ thứ trò chơi như bắn bi, đánh đáo, nu na nu nống…cho đến khi trời tối, đàn bò đưa nhau về chuồng. Trên con đường đất mỡ gà, mưa bắt đầu lắc rắc, mặc dù ngón chân trần bấm chặt xuống nhưng thỉnh thoảng có đứa lại đánh oạch, vồ ếch khiến đám trẻ cười vang. Làng xóm đã lác đác lên đèn. Đêm đông đầu tiên trôi qua thật yên bình.

Đông về, đối với những người lính sống xa quê, đôi lúc, cả một trời tuổi thơ chân đất đầu trần bỗng hiện lên trong trí nhớ, nhớ những bông cỏ may xơ xác, bạc đầu, phất phơ trong gió mùa trên bờ đê làng uốn lượn; nhớ cánh hoa khoai lang mong manh, tím biếc giữa cánh đồng chiều man mác. Nhớ bếp lửa bập bùng mỗi tối, nhớ mâm cơm trắng, đĩa cà muối đơn sơ mà ấm nồng, cả gia đình quây quần bên nhau vừa ăn, vừa nghe bà kể chuyện ngày xưa… Có lẽ, những ai từng lớn lên, trải qua ngày đầu đông lạnh giá, cơ hàn mới biết vươn lên trước những khó khăn, thử thách. Nhưng khi thử thách đã qua đi, cuộc sống đong đầy hạnh phúc lại nhớ đến nao lòng thời khắc chớm đông nơi quê nhà.

Phú Quốc

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn