Đánh giá thời tiết năm 2017 và một số vấn đề cần lưu ý trong công tác phòng chống thiên tai

HQ Online -

Những năm gần đây, dưới sự tác động mạnh mẽ của hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như  bão, áp thấp nhiệt đới, nắng nóng, mưa tuyết, hạn hán, lũ lụt... diễn ra trên toàn cầu với tần suất cao, cường độ mạnh, không theo quy luật gây khó khăn cho công tác dự báo, cảnh báo của các trung tâm trong nước và quốc tế. Trong đó, năm 2017 được coi là năm kỷ lục về thiên tai trên toàn cầu với hàng loạt các giá trị quan trắc chưa từng được ghi nhận trong lịch sử.

Các siêu bão với vận tốc gió cực đại đạt 180-300 km/giờ đổ bộ và gây thiệt hại rất lớn về người và cơ sở vật chất nơi bão đi qua: Bão Harvey đổ bộ vào phía Nam của bang Texas (Mỹ) ngày 25-8-2017, Bão Irma đổ bộ vào Florida(Mỹ) ngày 10-9-2017, Bão Maria đổ bộ vào Puerto Rico ngày 20-9-2017, Bão Ophelia đổ bộ vào Ireland ngày 16-10-2017. Hạn hán, lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Trung Quốc; nắng nóng ở bang Arizona (Mỹ) vượt ngưỡng 470C; hiện tượng tuyết rơi dày tới 40cm giữa mùa hè tại bang Tasmania miền nam Australia và gần đây nhất là đợt rét kỷ lục xảy ra ở miền Đông Bắc nước Mỹ và Canada với nhiệt độ thấp nhất hạ xuống -48 độ C, băng giá, tuyết rơi dày ảnh hưởng đến giao thông đi lại và sinh hoạt của người dân.

Siêu bão Havy đổ bộ vào Taxas, Mỹ  Băng giá, tuyết rơi tại Canada

Ở Việt Nam, các chuyên gia khí tượng cũng cho rằng, đây là năm của những kỷ lục về thiên tai chưa từng được ghi nhận trong lịch sử quan trắc mà hầu hết các vùng miền trên cả nước đều chịu tác động. Các hiện tượng nắng nóng, mưa lớn, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, sạt lở liên tục xuất hiện. Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai năm 2017, số người thiệt mạng và mất tích do thiên tai là 386 người, tăng gần 1/3 so với năm 2016, thiệt hại về tài sản lên tới 60.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng bão số 12 và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nặng nề với tổng thiệt hại ước tính gần 22.700 tỉ đồng.

Mở đầu cho chuỗi các hiện tượng cực đoan là đợt nắng nóng lịch sử ở miền Bắc trong những ngày đầu tháng 6 với nhiệt độ cao nhất đạt mốc kỷ lục42,50C; tiếp theo là các đợt lũ quét, sạt lở đất tại các tình miền núi Phía Bắc. Trong đó trận lũ quét ở Mường La (Sơn La) và trận lũ ống tại Mù Cang Chải (Yên Bái) vào đầu tháng 8 đã làm 31 người thiệt mạng và mất tích, hơn 200 căn nhà sụp đổ, bị cuốn trôi. Lần đầu tiên hồ Hòa Bình phải mở 8 cửa xả lũ gây ngập lụt cho nhiều vùng hạ lưu. Ở Nam Bộ triều cường dâng cao ở nhiều vùng hạ lưu, ngày 6-12, lần đầu tiên trong lịch sử quan trắc, trạm Phú An - TP. HCM ghi nhận mức triều cao đến 1m71gây ngập lụt ảnh hưởng đến giao thông đi lại và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Trên Biển Đông, số lượng bão hoạt động đạt kỷ lục tới 16 cơn và 4 cơn áp thấp nhiệt đới và diễn biến phức tạp.Trong vòng 60 năm qua, vào tháng 12 mới có một cơn bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15 ảnh hưởng tới nước ta như bão số 16; trong khoảng 20 năm qua, bão mạnh tới cấp 12, giật cấp 15 đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh này.

Theo các chuyên gia khí tượng của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sở dĩ năm 2017 thời tiết khắc nghiệt là do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và hoạt động của Enso có sự chuyển pha từ Enlino (cuối năm 2016) sang pha trung tính và Lanila vào giữa và cuối năm 2017.

Ảnh hưởng của thời tiết cực đoan năm 2017 đối với hoạt động của Quân chủng Hải quân

Trong năm 2017, các vùng biển nước ta chịu ảnh hưởng của 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới; 10 đợt gió mùa Tây Nam; 37 đợt gió mùa Đông Bắc và không khí lạnh tăng cường, trong đó có 18 đợt có cường độ mạnh cấp 6, cấp 7, 19 đợt có cường độ yếu đến trung bình cấp 5, cấp 6, cá biệt có đợtmạnh cấp 8, giật cấp 10 (ngày 16/12/2017); các hiện tượng sương mù ở Vịnh Bắc Bộ làm giảm tầm nhìn xa trên biển; dông, lốc tố, vòi rồng xảy ra thường xuyên trên nhiều vùng biển gây thời tiết xấu ảnh hưởng đến các hoạt động của Quân chủng.

Đáng chú ý cơn bão số 12 hoạt động trên Biển Đông và đổ bộ vào khu vực nam Trung Bộ với cường độ cấp 12, giật cấp 14-15 gây thiệt hại cho các địa phương nói chung và các đơn vị của Hải quân nói riêng. Lần đầu tiên các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở mức 4, đây là mức rất lớn, cực kỳ nguy hiểm, chỉ sau mức thảm họa. Nhiều nhà cửa bị tốc mái, vỡ cửa kính, cây xanh bị đổ, sạt lở bờ kè, hoa màu và lông bè nuôi trồng thủy sản bị mất trắng; các phương tiện tàu thuyền phải cơ động tránh trú bão để bảo đảm an toàn.

Đặc biệt, trong tháng 12, hai cơn bão số 15 và 16 nối nhau chỉ trong vòng một tuần hoạt động trên khu vực Nam Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đặc biệt là bão số 16 với cường độ cấp 12-13, giật cấp 15 đã tàn phá nặng nề huyện đảo và khu vực nhà giàn DK1. Trên đảo, gió mạnh đã là nhiều cây cối đổ gãy, nhiều cột thu sóng, tin liên lạc, hệ thống năng lượng mặt trời bị hư hại; nước tràn vào gây ngập lụt và phá hủy các khu tăng gia rau xanh; tại DK1, những con sóng với độ cao hơn 10 mét đánh lên các nhà giàn DK1 gây hư hỏng nhiều bộ phận của công trình.

Cây đổ gãy do bão số 16 tại quần đảo Trường Sa

Sóng cao hơn 10 m tại DK 1

Một số vấn đề cần lưu ý trong công tác phòng chống thiên tai trong năm 2018 và những năm tiếp theo

Nhận định về xu thế thời tiết 2018, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, trạng thái Lanila được dự báo sẽ duy trì các tháng đầu năm với xác suất khoảng 65-75% và sẽ không kéo dài. Đến khoảng giữa năm 2018, ENSO sẽ chuyển lại trạng thái trung tính. Mùa bão năm 2018 hoạt động sớm hơn trên Biển Đông (đã xuất hiện cơn bão số 1 trên khu vực Nam Biển Đông và đầu tháng 1-2018), số lượng bão, áp thấp nhiệt đới tương đương hoặc nhiều hơn trung bình nhiều (TBNN) năm từ 1-2 cơn và diễn biến phức tạp; nhiệt độ trung bình các tháng ở mức xấp xỉ TBNN; các đợt rét đậm, rét hại ở khu vực miền Bắc tập trung trong các tháng 1, 2, 11, 12 năm 2018, dự kiến có khoảng 33-35 đợt không khí lạnh, cường độ mạnh nhất có thể đạt cấp 7-8, giật cấp 9-10; gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động sớm hơn, bắt đầu từ  khoảng cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 10, cực thịnh vào tháng 6,7, dự kiến có khoảng 9-10 đợt, mạnh nhất đạt cấp 6-7, giật cấp 8-9. Nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn và ít gay gắt hơn so với TBNN. Lượng mưa các khu vực phía nam có xu hướng cao hơn TBNN và trong các tháng đầu năm 2018, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Trên các vùng biển thường xuyên xảy ra các hiện tượng mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh cục bộ đặc biệt là tập trung vào các thời kỳ có gió mùa, bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động.

Từ những bài học được rút ra trong công tác phòng chống thiên tai của Quân chủng năm 2017 và những nhận định về xu thế thời tiết năm 2018. Để giảm thiểu thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra đặc biệt là bão và áp thấp nhiệt đới, đề nghị các cơ quan đơn vị thực hiện tốt một số nội dung sau:

1.Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh, hướng dẫn của cấp trên; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dụcvề tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và vai trò của công tác phòng, chống và ứng phó thiên tai đối với các cơ quan đơn vị, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ phòng chống bão lụt.

2.Xây dựng, rà soát, kiểm tra, đánh giá các phương án phòng chống thiên tai, bão lũ và cứu hộ cứu nạn của các các cơ quan đơn vị mang tính thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn.

3.Khảo sát, quy hoạch, điều chỉnh, xây dựng, quản lý chặt chẽ cơ sở hạ tầng các khu neo đậu đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trú tránh bão.

4.Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ  về các kiến thức phòng chống bão lụt, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tàu.

5.Cơ quan dự báo khí tượng, hải dương của Quân chủng cần tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, đặc biệt là bão và ATNĐ; chủ động tham cho thủ trưởng Bộ Tư lệnh, thủ trưởng Bộ Tham mưu và cung cấp cho các cơ quan, đơn vị những thông tin thời tiết, bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động của Quân chủng.

6.Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị bạn, địa phương; chuẩn bị mọi lực lượng, phương tiện sẵn sàng giúp đỡ nhân dân khắc phục thiệt hại.Tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan; duy trì đầy đủ lượng dự trữ hậu cần, kỹ thuật và phương tiện đảm bảo cho công tác phòng chống bão lụt đạt chất lượng, hiệu quả.

Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các đơn vị của Quân chủng đóng quân chủ yếu trên các vùng ven biển trải dài từ Bắc vào Nam, trên các đảo và thềm lục địa; có nhiều lực lượng tàu, thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, các công trình, cầu cảng, kho tàng, bến bãi...thường xuyên chịu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong năm 2017, những ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đến hoạt động của Quân chủng thể hiện rõ nét, nhất là sự khốc liệt của bão và áp thấp nhiệt đới. Dưới tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và hoạt động của ENSO, thời tiết năm 2018 và những năm tiếp theo còn diễn biến phức tạp, khó lượng. Chính vì vậy, công tác dự báo thời tiết chính xác kịp thời và sự chủ động, linh hoạt của các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng chống thiên tai sẽ giảm thiểu những thiệt hại, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và phương tiện góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Võ Sỹ Hiển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn