Tháng 11/2023, chị Nguyễn Ngọc Bích (trú quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) nhận được tin nhắn với nội dung tuyển lao động, mức thu nhập lên đến một triệu đồng/ngày mà không cần bằng cấp, kinh nghiệm. Do đang trong thời gian chăm sóc con nhỏ, có thể làm việc trực tuyến để kiếm thêm thu nhập, chị Bích đồng ý nhận công việc. Sau đó, chị Bích nhận được đường dẫn (link) đến một trang web, được giới thiệu là của một tập đoàn tài chính hàng đầu Việt Nam. Công việc của chị Bích là đăng ký tài khoản trên trang web, tham gia những trò chơi nhằm tăng tính tương tác của trang web này.
Theo quảng cáo, thù lao chị Bích nhận được sẽ phụ thuộc vào số lượng người tham gia cùng chơi với chị. Sau khi đăng ký thành công, người hướng dẫn yêu cầu chị Bích nộp hai triệu đồng để mở tài khoản. Khi chị Bích chuyển khoản xong thì mới biết, trang web nêu trên chỉ để tạo sự tin tưởng, thực chất, công việc của chị Bích là tư vấn cho một trang cờ bạc trực tuyến.
Gần đây, chị Phạm Thu Trang (trú tại tỉnh Yên Bái), hiện là sinh viên đang theo học một trường đại học tại Hà Nội, liên tục nhận được các tin nhắn qua tài khoản facebook có nội dung giới thiệu các việc làm kiếm thêm thu nhập dịp Tết. Những tin nhắn thường có thêm các đường link và số điện thoại để người có nhu cầu có thể liên hệ. Vì muốn có tiền tiêu Tết, chị Trang đã trả lời một tin nhắn thì được giới thiệu một công việc làm tại nhà. Theo đó, hằng ngày chị Trang được giao nhiệm vụ trả lời tin nhắn của khách hàng từ 14-22 giờ, với mức thù lao 250 nghìn đồng/ngày.
Tuy nhiên, để tham gia công việc bán thời gian này chị Trang phải nộp một triệu đồng tiền cọc để xác nhận mình thật sự muốn làm việc, sau một tháng sẽ được trả lại tiền cọc cùng với tiền lương. “Tôi muốn làm thêm để có thu nhập, nhưng vì đang là sinh viên, không có nhiều tiền cho nên tôi không đồng ý chuyển khoản tiền cọc. Sau đó, tài khoản kia chặn tin nhắn khiến tôi không thể hỏi gì thêm. Nghe bạn bè nói tôi mới biết suýt chút nữa là mình bị mất tiền oan”, chị Trang chia sẻ.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều chiêu trò lừa đảo tuyển dụng trực tuyến. Hiện tượng này xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tại Việt Nam, số vụ lừa đảo trực tuyến trong sáu tháng đầu năm 2023 tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, trung bình mỗi tháng có hơn một triệu website lừa đảo mới. Những chiêu trò lừa đảo không hề mới, nhưng với thủ đoạn tinh vi vẫn khiến không ít người sập bẫy. Không ít người với mong muốn kiếm thêm thu nhập, cho nên đã lên mạng tìm kiếm việc làm thêm trực tuyến, việc nhẹ lương cao, đã tin tưởng chuyển khoản đặt cọc cho bên tuyển dụng. Sau khi nhận tiền cọc, toàn bộ tin nhắn và số điện thoại của bên tuyển dụng hoàn toàn biến mất.
Theo các chuyên gia, đây là chiêu thức quen thuộc của những kẻ lừa đảo trong thời gian gần đây, tuy đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng vẫn không ít người bị mắc lừa. Bên cạnh đó, việc làm thêm không có hợp đồng lao động, mọi giao dịch đều thông qua mạng xã hội cũng khiến người tìm việc trở thành những nạn nhân đáng thương. Nguy hiểm hơn, các đối tượng lừa đảo có thể lôi kéo ứng viên làm những công việc thanh toán các đơn hàng ảo hay biến tướng đa cấp thậm chí là vi phạm pháp luật. Trên thực tế, các đối tượng lừa đảo rất biết cách đánh vào tâm lý muốn việc nhẹ, lương cao, cần ít hoặc thậm chí không cần kinh nghiệm và nhất là được chủ động về thời gian.
Theo ông Trần Xuân Khiêm, một chuyên gia công tác trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, qua các vụ lừa đảo xảy ra thời gian qua, có thể thấy trong các chiêu trò mà những đối tượng lừa đảo sử dụng không hề mới, trong đó chiêu trò phổ biến nhất là thu một khoản tiền để làm hồ sơ tuyển dụng. Số tiền thường không nhiều, nhưng nếu lừa được nhiều người thì đối tượng lừa đảo sẽ thu về một khoản tiền lớn...
Bà Minh Hương, giám đốc nhân sự một công ty sản xuất, phân phối các mặt hàng nhựa gia dụng tại Bắc Ninh cho biết, Tết cổ truyền càng đến gần nhu cầu tuyển dụng lao động tại nhiều doanh nghiệp càng tăng, nhất là tại các công ty sản xuất. Tuy nhiên, để tìm được những công việc kiểu này cũng không dễ dàng bởi người sử dụng lao động luôn ưu tiên những lao động có kinh nghiệm. Ông Hoàng Cương, giám đốc một công ty kinh doanh thiết bị điện tử ở TP Hà Nội cho biết, để tiết kiệm chi phí, có thể các doanh nghiệp sẽ đăng tin tuyển lao động thời vụ trên các trang mạng xã hội của cá nhân hoặc của công ty chứ không gửi tin nhắn cho từng người.
Bên cạnh đó, dù là nhân viên thời vụ, các công ty cũng muốn tìm người có một ít kiến thức về công việc mình cộng tác và có kiểm tra về tên tuổi, địa chỉ, trình độ học vấn... Vì vậy, người dân, nhất là những người chưa có việc làm, học sinh, sinh viên cần hết sức cảnh giác nếu nhận được các tin nhắn thông báo tuyển dụng.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cùng với nguồn cung lao động, cuối năm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng sôi động hơn. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đang rất sôi động ở cả phân khúc toàn thời gian và bán thời gian, tập trung vào một số nhóm ngành nghề như: Thương mại-dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, tài chính-ngân hàng… Mỗi phiên giao dịch việc làm ở thời điểm này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận vài chục doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với bình quân 1.500 chỉ tiêu được đưa ra mỗi phiên. Các đơn hàng tuyển dụng đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề với các phân khúc lao động trình độ khác nhau.
Tuy nhiên, đi liền với sự sôi động của thị trường lao động dịp cuối năm cũng sẽ phát sinh nhiều chiêu trò lừa đảo việc làm, và người lao động có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động này. Một điều cần lưu ý là trên thực tế không bao giờ có việc nhẹ lương cao. Khi người lao động được mời chào một công việc có tính chất nhẹ nhàng, lương hậu hĩnh thì điều đó chắc chắn có vấn đề. Hiện trên thị trường đang có rất nhiều kênh tuyển dụng tìm người, song điều này cũng tiềm ẩn rủi ro do không được kiểm chứng. Vì vậy, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khuyến cáo người lao động cần tìm đến các địa chỉ kết nối tìm việc uy tín, đơn cử là hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm.
Để tránh sập bẫy lừa đảo, người dân cần cẩn trọng khi đi xin việc. Muốn tìm được việc làm thêm dịp cuối năm, người dân nên tìm các công ty lớn hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín; cần tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp, cá nhân tuyển dụng lao động. Khi nộp bất cứ khoản tiền nào, người tìm việc cần yêu cầu bên thu đưa phiếu thu có đóng dấu và khi giao kết với người sử dụng lao động phải lập thành văn bản, thể hiện rõ số tiền công, thời gian thanh toán...
Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa tội phạm, lực lượng công an đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi tìm việc làm, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
PV (Tổng hợp)