Cảnh giác ngộ độc rượu dịp cuối năm

Cuối năm là dịp cao điểm diễn ra các hoạt động liên hoan tổng kết, tất niên... do vậy nhu cầu sử dụng rượu tăng cao, đi liền với đó là nguy cơ gia tăng số vụ ngộ độc do sử dụng rượu kém chất lượng, rượu không nguồn gốc, không bảo đảm an toàn.

Vào cuối tháng 11-2022, tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra một vụ ngộ độc rượu khiến 6 người phải đi cấp cứu trong tình trạng nặng, trong đó có 2 người tử vong. Cũng trong tháng 11-2022, tại tỉnh Kiên Giang xảy ra vụ ngộ độc rượu tập thể khiến 14 người nhập viện, trong đó có 3 người tử vong. Các vụ ngộ độc rượu xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây là hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. 

Cảnh giác ngộ độc rượu dịp cuối năm

Tang vật thu giữ (rượu ngâm không rõ nguồn gốc) tại hiện trường kiểm tra của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội ở phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội

Lợi dụng nhu cầu tăng cao dịp Tết, nhiều đối tượng vì lợi nhuận mà sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu kém chất lượng. Tại Hà Nội, từ tháng 8/2022 đến tháng 12/2022, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với lực lượng công an đã phát hiện và xử lý hơn 2.000 lít rượu không đủ điều kiện lưu thông ra thị trường. Theo số liệu của Bộ Công Thương, mỗi năm, Việt Nam có gần 300 triệu lít rượu thủ công được đưa ra thị trường với tình trạng "3 không"-không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng. Trong số đó rất nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha đang được lưu hành tự do trên thị trường dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Qua phân tích từ các vụ ngộ độc rượu cho thấy, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc, tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu, rượu ngâm động vật... Đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc do uống rượu pha từ cồn công nghiệp methanol có xu hướng gia tăng. Đây là chất rất độc, thải trừ chậm, oxy hóa thành formol (formaldehyde) và axit formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30ml có thể gây tử vong. Hằng tuần, tại Trung tâm Chống độc, chúng tôi đều phải cấp cứu cho bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Những trường hợp này không tổn thương não thì cũng tử vong, mù lòa hoặc gây nhiều hậu quả đáng tiếc”.

“Rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật. Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán là dịp rượu, bia được tiêu thụ mạnh. Để phòng, chống ngộ độc rượu, người dân không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Tuyệt đối không dùng rượu quá liều lượng, quá mức độ”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn