Các giải pháp công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội ở đơn vị cơ sở, Kỳ 1: Những hạn chế về công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội ở đơn vị

HQVN -

Công tác tư tưởng nói chung và trong quản lý bộ đội nói riêng là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động CTĐ, CTCT. Trong những năm qua, công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, các cơ quan, đơn vị Hải quân quan tâm lãnh đạo, có nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân chủng. Tuy nhiên công tác tư tưởng trong quản lý ở bộ đội các cấp, nhất là cơ sở còn những hạn chế nhất định.

Từ số báo này Báo Hải quân Việt Nam sẽ đề cập rõ hơn nguyên nhân, các giải pháp công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội ở đơn vị cơ sở hiện nay.

Những khó khăn, tác động đến dự báo, quản lý tư tưởng bộ đội

Thực hiện đúng, đủ qui trình công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội bao gồm các khâu “dự báo, nắm, quản lý, định hướng và giải quyết tư tưởng”. Đây là qui trình mang tính chất cơ bản, tuy nhiên trong thực tế tiến hành công tác tư tưởng ở đơn vị cơ sở thường khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Bởi tư tưởng bộ đội chính là những diễn biến tâm lý biểu hiện từ suy nghĩ đến hành động của mỗi một quân nhân và luôn thay đổi do những tác động của hoàn cảnh, ngoại cảnh, do đó nếu không có kinh nghiệm, kỹ năng thì rất khó nắm, dự, báo, quản lý và giải quyết kịp thời tư tưởng bộ đội.

Từ thực tế các vụ việc vi phạm kỷ luật (VPKL) xảy ra ở các đơn vị những năm qua, hầu hết nguyên nhân đều bắt nguồn từ công tác dự báo, nắm, quản lý tư tưởng bộ đội chưa chắc, chưa kịp thời của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị. Do đó, khi vụ việc VPKL xảy ra, gây hậu quả, không ít cán bộ các cấp mới thấy được vai trò to lớn của công tác tư tưởng trong quản lý kỷ luật, quản lý quân nhân.

Học viện Hải quân duy trì có nền nếp đối thoại dân chủ. Ảnh: CTV

Phát biểu tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội của Vùng 4 vừa qua, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân nhấn mạnh: Bên cạnh các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng luôn quan tâm lãnh đạo, có nhiều giải pháp về công tác tư tưởng phù hợp, sát thực tiễn, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân chủng thì vẫn còn những hạn chế trong công tác tư tưởng thời gian qua cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, như nhận thức của một số ít cấp ủy, chính ủy (chính trị viên), người chỉ huy về vị trí vai trò và tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội chưa thật đầy đủ, đúng mức; trong lãnh đạo, chỉ huy còn biểu hiện coi nhẹ, thậm chí giao khoán cho cơ quan, cán bộ chính trị. Một số đơn vị còn thiếu những chủ trương, giải pháp hiệu quả, sáng tạo thực hiện công tác tư tưởng, chậm đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành... việc nắm, quản lý tư tưởng có lúc, có nơi còn chủ quan, đơn giản, thiếu kiên quyết, kịp thời, chưa chú ý giáo dục từ xa...

Qua tìm hiểu các vụ việc VPKL có liên quan đến công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội nhận thấy, việc dự báo, nắm, quản lý tư tưởng bộ đội chưa chắc bên cạnh trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là trách nhiệm, năng lực quản lý bộ đội của một bộ phận cán bộ. Không ít cán bộ phân đội trực tiếp quản lý bộ đội năng lực hạn chế, chưa thực sự gần gũi bộ đội, không làm tốt vai trò là điểm tựa tinh thần để bộ đội chia sẻ, có trường hợp còn vô cảm, nên không nắm được diễn biến tư tưởng, tâm lý của bộ đội mình đang quản lý. Có cán bộ phân đội quản lý bộ đội trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, khi đi phép, tranh thủ, công tác độc lập còn lơ là, buông lõng, chủ quan. Ở đơn vị C, khi quân nhân A do mình quản lý VPKL, bản thân bị liên đới trách nhiệm cán bộ H mới thấy tiếc, giá như mình sâu sát hơn, nắm diễn biến tâm lý, hành vi quân nhân A từ sớm, từ lúc có những vi phạm nhỏ, không chủ quan thì đã ngăn chặn được vụ việc VPKL đáng tiếc đã xảy ra.

Nắm, giải quyết tư tưởng bộ đội còn thiếu chủ động

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân cho biết: Thời gian qua một số cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã làm tốt việc dự báo, nắm, quản lý, định hướng, giải quyết tư tưởng bộ đội, góp phần xây dựng đơn vị VMTD mẫu mực, tiêu biểu. Trong khó khăn, gian khổ, cán bộ chiến sĩ Hải quân luôn tỏ rõ ý chí quyết tâm, nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên thì một số ít cấp ủy, chỉ huy các đơn vị còn bộc lộ những hạn chế trong lãnh đạo, nắm, quản lý, giải quyết tình hình tư tưởng bộ đội, đó là chưa bám sát thực tiễn, để bất ngờ về tư tưởng, thiếu chủ động, nhạy bén xử lý các tình huống phát sinh, nhất là ở đơn vị đặc thù, những thời điểm nhạy cảm, nên đã ảnh hưởng đến kết quả xây dựng đơn vị.

Chi đoàn đảo Thuyền Chài A giới thiệu sách. Ảnh: Đức Thu

Về nguyên nhân các hạn chế trên, bên cạnh yếu tố khách quan như một số đơn vị quân số đông, nhiều đơn vị hoạt động độc lập, dài ngày trên biển, đảo, môi trường làm việc khắc nghiệt, xa sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của đơn vị; khó khăn về hậu phương, gia đình... thì nguyên nhân chủ quan vẫn là cốt yếu, đó là không ít cán bộ quản lý đơn vị năng lực hạn chế, chưa quan tâm, thiếu kinh nghiệm và chưa thấy được vai trò quan trọng của công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội.

Khi nghiên cứu, tổng hợp các vụ việc VPKL có liên quan đến quản lý tư tưởng ở đơn vị nhận thấy, bên cạnh nguyên nhân về công tác quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của trên về chấp hành kỷ luật... chưa thường xuyên, đầy đủ, ảnh hưởng đến nhận thức, ý thức chấp hành của bộ đội thì việc gắn công tác nắm, quản lý tư tưởng với quản lý, chấp hành kỷ luật chưa được cấp ủy, chỉ huy đơn vị coi trọng đúng mức. Có chỉ huy đơn vị nắm tư tưởng của đơn vị mình quản lý không chắc nên khi đơn vị có những yếu tố bất ngờ về tư tưởng hoặc xảy ra VPKL đã có những chỉ đạo giải quyết lúng túng, thiếu chủ động, kiên quyết.

Có đơn vị chưa coi trọng việc nắm chất lượng quân nhân gắn với phẩm chất chính trị, ý thức chấp hành kỷ luật, đời sống, hoàn cảnh gia đình; nhất là khi phát hiện những biểu hiện như quân nhân không chịu tu dưỡng rèn luyện, tự do, vô kỷ luật, vi phạm 3 dứt điểm... đã không có biện pháp giáo dục, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa. Khi phát hiện quân nhân vi phạm thì lúng túng, có đơn vị còn sợ mất thành tích nên giấu giếm dẫn đến hậu quả nặng nề hơn.

Một cán bộ phân đội ở đơn vị phía Nam chia sẻ: Khi phát hiện quân nhân S có hành vi không đúng tôi thấy rất ân hận bởi quân nhân S có nhiều khó khăn về cuộc sống gia đình từ khá lâu, bị trầm cảm kéo dài nên sức khỏe đã có vấn đề. Nếu tôi phát hiện, đề xuất sớm hơn với cấp ủy, chỉ huy để kịp thời động viên, cùng tìm cách tháo gỡ bế tắc thì quân nhân S đã không có hành vi dại dột, vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Trọng Thiết (Còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn