5 trận đánh điển hình của tàu, thuyền buồm trong lịch sử (phần cuối)

Minh họa trận Bạch Đằng 1288

Trận Hampton Roads (8-9/3/1862)

Đây là trận hải chiến nổi tiếng thời nội chiến Mỹ, diễn ra tại Hampton Roads, thuộc vịnh Chesapeake, tiểu bang Virginia, là một phần trong nỗ lực của Liên minh miền Nam nhằm phá vỡ chiến dịch phong tỏa của Liên bang miền Bắc.

Mặc dù quy mô và lực lượng tham gia nhỏ nhưng trận đánh mang tính bước ngoặt đối với sự phát triển hải quân thế giới: Lần đầu tiên các tàu chiến bọc sắt giao chiến với các tàu buồm vỏ gỗ vốn đang đóng vai trò xương sống của các lực lượng hải quân. Hạm đội miền Nam gồm có tàu bọc sắt Virginia và các tàu buồm vỏ gỗ, trong ngày đầu tiên đã giao chiến với các tàu buồm vỏ gỗ của Hạm đội miền Bắc. Tàu Virginia tiêu diệt 2 tàu đối phương. Sau đó, trận đánh tạm dừng do đêm tối và thủy triều rút. Tàu Virginia rút về căn cứ cứu chữa thương binh và bổ sung hậu cần, kĩ thuật.

Sáng 9/3, tàu Virginia cơ động tiếp cận nhằm tiêu diệt tàu Minnesota của Hạm đội miền Bắc đang được tàu bọc sắt Monitor bảo vệ. Hai tàu Virginia và Monitor giao chiến trong khoảng 3 giờ nhưng bất phân thắng bại. Sau đó, hai bên dừng hoạt động tiến công, giữ nguyên thế phong tỏa và bị phong tỏa ban đầu.

Trận đánh trên tác động lớn đến tư duy phát triển phương tiện hải quân thế giới. Đi đầu là hai cường quốc hải quân khi đó là Anh và Pháp đã phải hủy bỏ chương trình đóng mới các tàu buồm vỏ gỗ. Sau đó, các quốc gia khác đồng loạt thay đổi theo. Một loại tàu chiến mới dựa theo nguyên mẫu tàu Monitor ra đời. Trong đó, kiểu lắp đặt một lượng nhỏ đại bác hạng nặng (khác với việc bố trí lượng lớn đại bác dọc hai bên mạn của các tàu buồm) nhưng có thể bắn theo nhiều hướng dần trở thành tiêu chuẩn của tàu chiến sau này. Ngoài ra, về hình dáng, các tàu chiến mới về sau đều thiết kế mũi nhọn.

Với tư cách là phương tiện chiến tranh, tàu buồm có lịch sử lâu đời nhất. Trong tác chiến trên biển, kỉ nguyên tàu buồm phát triển rực rỡ nhất từ thế kỷ 15 đến 19. Tàu buồm đã thống trị 500 năm trong các trận đánh trên biển, trong khi phương tiện kế thừa tàu buồm là thiết giáp hạm chỉ phát huy khả năng trong khoảng 100 năm, trước khi tàu sân bay thế chỗ. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, có lẽ sẽ khó có loại tàu nào có sức sống lâu bền, giữ vai trò chủ đạo trong chinh phục đại dương như tàu buồm đã làm được trong quá khứ.

Trận Bạch Đằng (9/4/1288)

Trận Bạch Đằng năm 1288 là trận quyết chiến chiến lược lớn nhất của quân dân Đại Việt thời nhà Trần chống quân Nguyên Mông xâm lược (lần thứ 3), diễn ra tại cửa sông Bạch Đằng.

Chủ trương, ý định tác chiến của Bộ thống soái nhà Trần là tổ chức bao vây tiêu diệt hoàn toàn thủy quân địch rút chạy trong 1 trận quyết chiến chiến lược. Đây là điểm khác biệt so với “Binh pháp các nhà” của phương Bắc mà Trần Quốc Tuấn đã tổng kết trước đó khi soạn “Binh thư yếu lược”. Trần Quốc Tuấn đã chỉ đạo vận dụng hình thức phục kích như trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền (đánh quân Nam Hán), với phương châm: “Giặc cậy trường trận ta cậy đoản binh, lấy đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp”.

Về tổ chức lực lượng, trận Bạch Đằng huy động khoảng 1.000 tàu thuyền, chủ yếu là thuyền mông đồng, một loại thuyền chiến hạng trung dài 20 - 30m, rộng 4m, trang bị hệ thống buồm, chèo, hỏa khí và máy (pháo) ném đá với quân số trên mỗi thuyền từ 50-80 người. Ngoài ra, trong thủy quân nhà Trần thời đó còn tổ chức ra một bộ phận đặc biệt gọi là “đặc công nước”, dưới quyền chỉ huy của vị tướng thủy huyền thoại Yết Kiêu. Về hiệp đồng, trận Bạch Đằng thể hiện trình độ tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa quân thuỷ và quân bộ, thuyền chiến và bè hỏa công, giữa quân chính quy triều đình với quân các lộ, các vương hầu và dân binh.

Trận Bạch Đằng 1288 xứng đáng là trận đánh tiêu diệt địch lớn nhất mọi thời đại mà tàu thuyền buồm thế giới tham gia với tư cách là phương tiện chiến tranh. Theo sử sách ghi lại, khoảng 620 thuyền chiến cùng 50 nghìn đến 62 nghìn thủy quân Nguyên Mông bị tiêu diệt. Trận đánh không chỉ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Đại Việt mà còn góp phần quyết định đánh tan mưu đồ chinh phục Đông Nam Á trong tham vọng bành trướng toàn cầu của đế quốc Mông Cổ.

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút (19-20/1/1785)

Hoàn cảnh lịch sử đã hun đúc nên con người Việt Nam “không cần nhiều lý luận rối rắm, luôn biết tùy cơ ứng biến, áo vải có thể hóa anh hùng” khi nước nhà lâm nguy. Trận Rạch Gầm-Xoài Mút 1785, gắn với tên tuổi người “anh hùng áo vải cờ đào” Nguyễn Huệ, là minh chứng hùng hồn cho chân lý ấy.

Đây là một trong các trận đánh tiêu diệt vĩ đại nhất của kỉ nguyên tàu buồm trên phạm vi toàn thế giới, bởi nó đã tiêu diệt số lượng quân xâm lược khổng lồ trong một thời gian rất ngắn. Hơn 20.000 thủy quân Xiêm, hơn 300 tàu thuyền cùng hàng nghìn quân Nguyễn Ánh bị thủy quân Tây Sơn hủy diệt (chưa kể gần 30.000 bộ binh địch bị sát thương).

Trận đánh thể hiện trình độ hiệp đồng binh chủng mẫu mực của quân Tây Sơn giữa các lực lượng tàu buồm, thuyền chèo, pháo binh mặt đất, bộ binh… Về nghệ thuật, trận đánh cho thấy điển hình về ngụy trang nghi binh, vận dụng mưu kế, thế trận ảo diệu trong lừa địch, điều địch và chia cắt địch. Kết quả là nhà Tây Sơn đã dập tắt vĩnh viễn tham vọng xâm lược nước ta của Xiêm-Thái, khiến chúng sợ quân Tây Sơn, “sợ Nguyễn Huệ như sợ cọp”.

 Thanh Hải

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn