Xã đảo Tam Hải thanh bình bên bờ sóng

HQVN -

Mất khoảng 15 phút chờ phà và 10 phút lênh đênh trên cửa sông Kỳ Hà, du khách đã đặt chân đến xã đảo Tam Hải-một vùng đất ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này là những làn gió mát rượi, những hàng dừa xanh ngút ngàn nghiêng mình trong gió, rợp bóng mát và tiếng sóng biển dạt dào từ xa vọng lại. Nơi đây không chỉ có thắng cảnh đẹp mà còn hấp dẫn bởi một cuộc sống làng biển sinh động.

Cả xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) gần như được phủ kín dưới tán rừng dừa xanh ngắt. Đi đến bất kỳ nơi nào ở xã đảo này, bạn đều thấy dừa hiện diện ở khắp mọi nơi. Dân xã đảo thường nói vui một cách đầy văn vẻ “khi tôi sinh ra đã thấy dừa trước ngõ..”.

Hàng trăm năm qua, người dân xã Tam Hải vẫn sống dưới những tán dừa ấy và cho đến tận bây giờ họ vẫn gần như lưu giữ được nguyên vẹn trong lòng mình bản sắc văn hoá đời sống của người dân xứ Quảng, của người dân làng chài xứ biển như bao vùng quê khác. Chính nhờ loại cây trồng chắn gió, chắn sóng này mà nơi đây từ xưa đã hình thành nghề đan xơ dừa độc đáo và vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Bia danh thắng Bàn Than-Hòn Mang-Hòn Dứa ở xã đảo Tam Hải

Đã tới Tam Hải, du khách không thể nào bỏ qua một thắng cảnh đẹp đầy thơ mộng và hùng vỹ, đó chính là cụm thắng cảnh Bàn Than-Hòn Mang-Hòn Dứa đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng danh thắng cấp Quốc gia. Danh thắng này được tạo nên bởi những ghềnh đá đen trải dài lấp lánh. Trải qua bao biến thiên thời gian và sự xâm thực của sóng biển, những ghềnh nơi đây đã tạo thành những hang hốc kỳ lạ tựa muôn vàn tác phẩm điêu khắc đá giữa đất trời.

Theo nhận định của các nhà địa chất, đá ở Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa không phải là đá núi lửa mà là đá gốc có tuổi đến 400 triệu năm. Đá ở đây được đẩy nhô lên khỏi mặt biển qua một đợt kiến tạo địa chất. Các lớp đá này uốn nếp với hình thù nhiều tư thế: Nghiêng, chờm hoặc đứt đoạn, quan sát được trên nhiều vết lộ di sản địa chất độc đáo, tuyệt đẹp.

Đưa chúng tôi đi khám phá cảnh đẹp trên xã đảo Tam Hải, anh Nguyễn Thanh Dương, cán bộ văn hoá xã cho biết: “Trải qua hàng nghìn năm, dưới tác động của thiên nhiên và sự xâm thực của nước biển, các tảng đá ở đây được tạo thành những hình thù lạ mắt và độc đáo, kết hợp với những vân đá huyền hoặc đã hình thành nên những tác phẩm điêu khắc độc đáo mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho nơi này. Những tên gọi mà người dân nơi đây dựa vào truyền thuyết, vào hình thù của từng tảng đá để đặt tên cho chúng như: Mỏm ông Đụn, mỏm Bà Che, giếng Tiên, cột Thuyền...”.

Du khách cũng có thể bỏ chút thời gian và công sức đi dọc theo bờ biển để ghé thăm nghĩa địa cá Ông lớn nhất nước chỉ cách bờ biển chừng 500m. Hàng trăm bộ xương cá Ông dạt vào bờ được người dân nơi đây quy tập về chôn cất tử tế tại một cồn cát rộng và thường xuyên đến đây hương khói, cầu cho những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió...

Một góc xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Sau những giờ rong ruổi thăm thú xã đảo hay tung tăng bơi lội trên những bãi biển cát trắng phau, đẹp một cách hoang sơ, du khách có thể theo dân chài đi vớt rau câu hay đi bắt cua, tôm hùm... Nếu có điều kiện, bạn có thể trang bị những bộ đồ lặn để dạo chơi trong những rạn san hô mà người dân Tam Hải bảo rằng đẹp và rộng vô cùng. Ở đây, dưới làn nước biển trong xanh, bạn sẽ tha hồ chiêm ngưỡng những rạn san hô trắng tinh với những đàn cá muôn màu muôn sắc tung tăng bơi lội.

Khi ánh mặt trời đã dịu tắt, du khách sẽ ngẩn ngơ khi được ngắm nhìn thời khắc đẹp nhất trong ngày. Vì là một xã đảo nên Tam Hải là một trong số ít nơi trên đất liền có thể nhìn thấy mặt trời lặn biển. Ánh chiều soi lung linh, loang loáng trên mặt biển, xa xa ở phía đường chân trời, mặt trời như một quả cầu lửa khổng lồ đang từ từ “chìm” dần xuống biển. Cả một vùng nước bao la như được dát vàng bởi ánh hoàng hôn huyền hoặc. Cũng đúng vào thời điểm này, những ngư dân đánh bắt cá chan (loại cá ăn bọt sóng lúc chạng vạng) lại tất bật chuẩn bị lưới, thúng chai hoặc ghe, thuyền để vươn khơi bám biển... Cuộc sống vẫn cứ yên ả, thanh bình trôi qua với những người dân chịu thương chịu khó nơi đây nhưng cũng tràn đầy niềm vui, hạnh phúc.

Đồng chí Đỗ Kim Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết: Phát huy thế mạnh đặc thù, xã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tập trung phát triển công nghiệp dịch vụ hậu cần nghề cá và dịch vụ du lịch, phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản, khai thác một cách hợp lý nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng xã đảo thành địa điểm du lịch trong tương lai...

Được bao bọc bởi một mặt là biển và ba mặt là sông, Tam Hải có đủ thuận lợi để hình thành một vùng sinh thái nước lợi; phía biển là rạn san hô đá ngầm có nhiều nguồn hải sản quý như tôm hùm, hải sâm... cùng với môi trường sinh thái và phong cảnh đặc sắc, hữu tình để hình thành một khu du lịch biển hấp dẫn ở miền Trung.

Bài, ảnh: Mai Lâm

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn