Vóc dáng thuyền rồng trên dòng sông lịch sử

HQVN -

Mỗi độ tết đến, xuân về, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 lại sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian. Đặc biệt Xuân 2018 này, lần đầu tiên các chiến sĩ đặc công nước được tranh tài ở hội đua thuyền rồng trên sông Giá.

Trong tiết trời se lạnh, phảng phất mưa phùn, chúng tôi đến Sở chỉ huy Lữ đoàn 126. Tiếp chúng tôi trong căn phòng ấm áp, ngập tràn sắc xuân, Đại tá Hoàng Minh Sơn, Lữ đoàn trưởng vào luôn câu chuyện: Hưởng ứng phong trào “Vì biển, đảo quê hương”, Lữ đoàn được Công ty TNHH Thế Kỷ, đơn vị chuyên đóng tàu, xuồng ở Hải Phòng tặng 10 chiếc thuyền rồng bằng nhựa composite để cán bộ, chiến sĩ luyện tập và tổ chức hội đua. Đua thuyền vừa tạo tinh thần đoàn kết vừa nâng cao sức bền cho bộ đội để phục vụ công tác huấn luyện chiến đấu, theo đúng tiêu chí 5 giỏi (Bơi lặn giỏi, bắn giỏi, võ giỏi, tác chiến giỏi, giỏi chịu đựng khó khăn gian khổ). Hiện nay, trong huấn luyện thể lực và hoạt động thể thao, Quân chủng cũng luôn chú trọng huấn luyện các môn sức bền: bơi, chèo xuồng, thể thao đặc chủng, võ chiến đấu nên lựa chọn luyện tập đua thuyền của Lữ đoàn là nội dung rất phù hợp.

Nhấp ngụm trà anh Sơn tâm đắc đọc câu thơ: Bát ngát sóng kình muôn dặm/Thướt tha đuôi trĩ một màu/Nước trời một sắc/Phong cảnh ba thu/Bờ lau san sát, bến nước đìu hiu. Anh cười và giải thích-đó là cảnh sắc hùng vĩ được Trương Hán Siêu miêu tả ở vùng Đông Bắc, Thủy Nguyên. Sông Giá là một nhánh của sông Bạch Đằng lịch sử, chính trên con sông này những danh tướng tài ba như Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn đã vùi sâu tham vọng bành trướng của các triều đại phương Bắc viết nên trang sử hào hùng của đất nước Việt Nam.

Chúng tôi được Đại tá Hoàng Minh Sơn dẫn tham quan khu neo đậu thuyền rồng, những con thuyền hình thoi có chiều dài 11 m, rộng 1,5 m được đóng rất kỳ công, lòng thuyền có chỗ ngồi cho các tay đua, trang trí hình rồng ở đầu thuyền với màu sắc bắt mắt. Anh Sơn cho biết thêm: Để làm được những con thuyền này, chúng tôi đã ra tận thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng thuê một con thuyền rồng của cư dân rồi kéo về Bến Kiền, huyện Thủy Nguyên làm mẫu để Công ty Thế Kỷ sản xuất.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 126 đua thuyền rồng trên sông Giá-Xuân 2018

 Đại úy QNCN Nguyễn Bá Thắng, Chiến đấu viên Đội 7 người nhái- người có nhiều kinh nghiệm trong đua thuyền của Lữ đoàn cho biết: Tập luyện đua thuyền không phải ngày một, ngày hai mà cả một quá trình. Đội đua thường gồm 24 vận động viên, có “nhạc trưởng” chỉ huy vừa quan sát vừa đảm đương nhiệm vụ lái thuyền, “nhạc trưởng” vừa phải nhắm thẳng đến cột tiêu đồng thời phải lượn tránh sóng. Khi thuyền đến giáp phao đánh dấu phải bẻ lái sao cho không phải mất công vòng rộng, lại không quá gấp thuyền dễ bị chòng chành và mất nhiều công sức của các vận động viên. Người cổ vũ hay còn gọi là người bắt nhịp giữ một trọng trách lớn, đó là phải dùng trống đánh nhịp rõ, to để các thuyền viên bơi đúng theo nhịp. Nhiệm vụ của người bắt nhịp nặng nề ở chỗ, phải đứng ở giữa thuyền, giữ được thăng bằng và phải bằng sức vóc mà liên tục đánh nhịp. Nhịp đánh thưa quá thì thuyền đi chậm, nhanh quá có thể làm các thuyền viên đuối sức, nhịp không đều thì dẫn đến chuệch choạc.

Chúng tôi được chứng kiến cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 126 tổ chức đua thuyền trên sông Giá. Dưới cái rét ngọt ngào mùa xuân, các vận động viên mặc đồng phục áo phao màu cam, thắt đai, khéo léo, nhanh nhẹn, dẻo dai trong từng động tác điều khiển tay chèo, lướt trên mặt sóng thanh thoát đến điêu luyện. Lần lượt 5 đội đua trên 5 con thuyền rồng kiêu hãnh lướt trên sông Giá. Các đội thực hiện vòng đua với chiều dài 2 km. Thuyền đua chỉ được quay đầu khi vượt qua phao giới hạn, đội nào về đích với thời gian ngắn nhất đội đó giành chiến thắng.

Hạ sĩ Lê Hồng Sơn, Chiến sĩ Đội 4 Đặc công người nhái hồi hộp chia sẻ: Kết quả cuộc đua phụ thuộc vào sức mạnh từ tinh thần đoàn kết của tập thể, sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng, hài hòa giữa các thành viên trong đội. Đơn vị tôi gồm toàn những thanh niên khỏe mạnh, thể lực tốt, bơi lội giỏi rất vững tay chèo. Sơn hóm hỉnh: Các thủ trưởng, đồng đội cổ vũ nhiệt tình là chúng tôi giành chiến thắng. Quả thật sau một vòng đua Đội 4 đã về đích sớm nhất giành giải vô địch.

Còn Hạ sĩ Lê Hồng Long, Chiến sĩ Đội 4, tâm sự: Quê em cũng có hội đua thuyền rồng, nhưng đây là lần đầu tiên em được tham gia. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, em xin vào đội đua thuyền của xã tiếp tục phát huy và lưu giữ nét văn hóa đặc sắc này góp phần mang lại không khí tươi vui cho ngày xuân.

Theo dõi các đội đua, chúng tôi cảm nhận rằng, ở khoảnh khắc xuất phát và thời điểm tăng tốc về đích luôn diễn ra hết sức gay cấn và náo nhiệt. Dưới bến, các tuyển thủ  dốc sức khua chèo, lướt sóng theo nhịp trống. Trên bờ, các đại biểu và đông đảo bà con dân làng vỗ tay, hò reo cổ vũ động viên các đội khiến cả một vùng quê trù mật huyên náo...

Ông Vũ Đình Mấm, người dân xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, đứng xem bộ đội đặc công đua thuyền bày tỏ cảm xúc: Từ trước đến giờ, đây là lần đầu tiên quê hương tôi có hội đua thuyền rồng trên sông. Đua thuyền rồng là đặc trưng độc đáo của người miền biển với mục đích cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, sóng yên biển lặng để ngư dân ra khơi đánh cá đầy khoang, làm ăn phát đạt. Tôi mong muốn hội đua thuyền rồng trên sông Giá không chỉ diễn ra ở Lữ đoàn mà sẽ nhân rộng ra các địa phương.

Kết thúc giải đua, Đại tá Hoàng Minh Sơn khẳng định với chúng tôi: Đơn vị tiếp tục phát huy và tổ chức tốt hoạt động đua thuyền nhằm không ngừng nâng cao sức khỏe cho bộ đội, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng là sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ Đặc công Hải quân với những với những danh tướng đã một thời làm rạng danh đất nước trên vùng đất lịch sử này.

Bài, ảnh: Hoàng Việt

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn