Ủy ban Thủy đạc Việt Nam: Xây dựng Thông tư về tiêu chuẩn khảo sát, đo đạc và biên tập

Ngày 11-9, tại Hải Phòng, Ủy ban Thủy đạc Việt Nam chủ trì hội thảo “Xây dựng Thông tư quy định áp dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức thủy đạc quốc tế về khảo sát, đo đạc, biên tập và sản xuất hải đồ giấy, hải đồ điện tử”. Đồng chí Chuẩn Đô đốc Phạm Mạnh Hùng, Phó Tư lệnh Hải quân kiêm Giám đốc Ủy ban Thủy đạc Việt Nam điều hành.

Tham gia hội thảo có các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội gồm Cục Tài chính, Cục Bản đồ, Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng thuộc Bộ Tổng Tham mưu, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam.

Tại hội thảo, các cơ quan chức năng đã thảo luận về các nội dung trong 16 Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về công tác khảo sát, đo đạc, thành lập hải đồ giấy, hải đồ điện tử. Nội dung các tiêu chuẩn này được biên dịch, biên tập theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Thủy đạc quốc tế như: S-4 - Tiêu chuẩn về hải đồ và hải đồ quốc tế; S-32 - Từ điển thủy đạc; S-44 - Tiêu chuẩn khảo sát thủy đạc; S-57 (sẽ được thay thế bằng S-100) - Tiêu chuẩn chuyển đổi dữ liệu thủy đạc dạng số; S-58 - Tiêu chuẩn kiểm tra, xác nhận dữ liệu ENC…

Chuẩn Đô đốc Phạm Mạnh Hùng, Phó Tư lệnh Hải quân kiêm Giám đốc điều hành Ủy ban Thủy đạc Việt Nam quán triệt các nội dung làm việc

Đa số các đại biểu tán thành việc sớm ban hành các Tiêu chuẩn vì hầu hết các quy phạm, quy định về đo đạc, thành lập hải đồ mới chỉ là văn bản nội bộ, chưa mang tính phổ thông.

Một số ý kiến đóng góp về việc Việt hóa ngôn ngữ, trình tự các nội dung của Thông tư, đồng nhất các ký hiệu, từ viết tắt… đã được Ban soạn thảo tiếp thu và  chỉnh sửa cho phù hợp để việc ban hành Thông tư đảm bảo khoa học, chặt chẽ và thống nhất.

Theo nguyên tắc của Tổ chức thủy đạc quốc tế (IHO), “Các tiêu chuẩn của IHO” đều được đăng ký bản quyền theo Công ước Bern và chỉ có các cơ quan thủy đạc đại diện cho các quốc gia thành viên mới có quyền khai thác, sử dụng.

 “Các tiêu chuẩn của IHO” nhằm để biên dịch, ban hành các tiêu chuẩn này theo ngôn ngữ của quốc gia mình phục vụ cho công tác Thủy đạc, sản xuất hải đồ. Việc Ủy ban Thủy đạc Việt Nam là cơ quan chủ trì tiến hành biên dịch, biên tập và ban hành các Tiêu chuẩn của IHO là phù hợp, tuân thủ đúng luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam.

Việc sớm ban hành các tiêu chuẩn trên có ý nghĩa quan trọng đối với công tác thủy đạc Việt Nam; làm cơ sở pháp lý để các cơ quan, đơn vị liên quan tuân thủ các tiêu chuẩn giúp cho các sản phẩm hải đồ của Việt Nam sớm được lưu hành trên thế giới và có giá trị pháp lý cao.

Tin, ảnh: Thanh Long

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn