Tiếp tục chương trình Hội thảo Khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”, phiên thảo luận bàn tròn làm rõ hơn về bối cảnh ra đời, vai trò, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Tham dự phiên thảo luận bàn tròn gồm các đại biểu: PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS Đặng Xuân Thanh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS, TS Trần Quốc Toản, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thượng tá, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Thúy Hiền, Cục công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an …

Thảo luận bàn tròn Đề cương về văn hóa Việt Nam

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Trần Huấn

Tổng Bí thư Trường Chinh - nhà văn hóa lớn, nhà chính trị ưu tú

Khẳng định giá trị của bản Đề cương, PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa Việt Nam là một trong những tài liệu quan trọng của Đảng nhằm chỉ đạo cho các hoạt động văn hóa trong giai đoạn đấu tranh cách mạng. Đề cương ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XX, dưới hai tầng áp bức là thực dân Pháp và phát xít Nhật. Trong thời điểm này, Đề cương đã có vai trò rất quan trọng trong việc xác định chiến lược và phương pháp cho các hoạt động trên mặt trận văn hóa tư tưởng trong cách mạng Việt Nam vào thời kỳ đó, giúp cho những hoạt động văn hóa của Đảng và nhân dân được tổ chức và thực hiện một cách hiệu quả hơn, truyền tải và nhân rộng tư tưởng cách mạng, đồng thời giúp cho nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn về mục tiêu cách mạng và đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội, đánh dấu sự phát triển của văn hóa cách mạng Việt Nam và được coi là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử văn hóa của đất nước.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân và góc nhìn sự vật dưới con mắt biện chứng đã đem lại một cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn thay đổi, muốn tìm đường đi mà chưa thấy lối. Đó là đóng góp đáng kể của Tổng Bí thư Trường Chinh với văn học - nghệ thuật kháng chiến với tư cách nhà lãnh đạo chính trị, và có lẽ một phần vì ông cũng là một nhà thơ.

Thảo luận bàn tròn Đề cương về văn hóa Việt Nam

PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại phiên thảo luận bàn tròn. Ảnh: Trần Huấn

Không chỉ là một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhà lý luận nổi tiếng, Tổng Bí thư Trường Chinh còn là một thi sĩ đích thực với bút danh Sóng Hồng. Thơ của ông bao giờ cũng toát lên nhiệt huyết cách mạng, thể hiện khát vọng lớn vì nước vì dân. Ông quan niệm: “Thơ và cách mạng không thể tách rời”. Hồn thơ Sóng Hồng chân thực, khỏe khoắn tràn đầy niềm lạc quan. Những quan niệm của Sóng Hồng, cả về lý luận và thực hành nghệ thuật là minh chứng sinh động cho sự kết hợp hài hòa giữa sự tận hiến của nghệ sĩ và tinh thần cách mạng của người chiến sĩ. Mô hình nghệ sĩ-chiến sĩ cũng chính là mô hình chủ đạo, bao trùm của nền văn học cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

“Xây” và “chống” thể hiện rõ trong Đề cương về văn hóa Việt Nam

Hoàn cảnh đã thay đổi nhưng tinh thần cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, chẳng hạn như định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống”.

Từ góc độ quản lý nhà nước của người tham gia chỉ đạo và trực tiếp tổ chức các hoạt động trong dịp kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, PGS, TS Tạ Quang Đông đã nêu trong phiên thảo luận: Được trình bày ngắn gọn nhưng hết sức khoa học, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã định hướng cho cả một cuộc chấn hưng. Có quá nhiều thứ phải "chống" trong thời điểm ấy và cũng có rất nhiều điều cần "xây" để chuẩn bị cho ngày nước nhà độc lập. Từ đó đến nay, quá trình phát triển tư duy “xây” và “chống” của Đảng ta trong lĩnh vực văn hóa trải qua nhiều bước và một trong những quan điểm mang tính chỉ đạo xuyên suốt của Đảng là phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”, xây là cơ bản, chống phải quyết liệt hiệu quả".

Trong bối cảnh hiện tại, “xây” có thể hiểu là toàn bộ những phương thức, biện pháp tiếp tục phát huy những giá trị đã có, những ưu thế đang tồn tại để hướng tới mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, đó là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; còn “chống” là toàn bộ phương thức, cách làm để ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, bẻ gãy và làm thất bại mọi hoạt động gây phương hại đến sự tồn vong của Đảng, chế độ, quốc gia, dân tộc và nền văn hóa.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Sau một buổi sáng làm việc khẩn trương, với tinh thần nghiêm túc, khoa học, dân chủ, Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển đã hoàn thành chương trình và các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi các sự kiện phong phú, thiết thực kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Thảo luận bàn tròn Đề cương về văn hóa Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: Trần Huấn

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Nhìn lại lịch sử 80 năm qua, có thể khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa của dân tộc ta. Giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu. Đó là bài học về sự kiên định kế thừa và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử; bài học về sự hòa quyện giữa “ý Đảng - lòng Dân”, về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự tham gia, đóng góp trí tuệ, tài năng của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực cho xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bài học về phát huy tinh thần yêu nước, thực hành dân chủ, tính năng động, sáng tạo, đoàn kết của các chủ thể văn hóa; bài học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, “xây” đi đôi với “chống”, khẳng định, cổ vũ, động viên, nhân lên những giá trị tốt đẹp, đồng thời kiên quyết đấu tranh loại trừ cái xấu, các ác, cái tiêu cực, gây hại đến sự phát triển của nền văn hóa dân tộc…

Những bài học sâu sắc đặt ra sau 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam góp phần tạo niềm tin vững chắc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đồng thời sẽ là nguồn động lực lớn lao để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi vẻ vang.

Theo QĐND điện tử