Tản mạn cuối năm về phòng, chống Covid-19

HQ Online -

Năm dương lịch 2021 đang dần khép lại. Đây có lẽ là lúc thích hợp để chúng ta nhìn lại năm Trâu Vàng (Tân Sửu) đã cho ta bài học gì. Trong những bài học cần suy nghĩ đến, không thể không nói đến tình hình dịch bệnh Covid-19.

Tròn 2 năm trôi qua kể từ khi xuất hiện, đại dịch nguy hiểm do con virus mang một cái tên có vầng hào quang là “Corona” vẫn khiến cho toàn thế giới chưa thấy được “ánh sáng cuối đường hầm”. Tuy nhiên, hành trình dò dẫm tìm đường đi tiếp của chúng ta đang cho thấy những tín hiệu vô cùng khả quan. Những tín hiệu đó ngày càng rõ ràng hơn khi chúng ta tiếp tục tin tưởng vào một số đặc tính đã được chứng minh là có sức sống trường tồn của con người.

Linh hoạt thích ứng

Từ những ngày đầu với chiến lược “khoanh vùng dập dịch”, “zero Covid”, “cách li, giãn cách”, “đóng cửa biên giới”… nghiêm ngặt trên phạm vi toàn cầu; hay các chiến lược và hướng dẫn ở quy mô quốc gia của Việt Nam như Chỉ thị 15, 16, 19… mà dựa vào đó, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định trên mặt trận phòng chống dịch. Tuy nhiên, nhìn tổng thể cho sự phát triển của thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng, trong đó có Việt Nam, có những mặt bị tác động quá lớn, quá nghiêm trọng nếu chỉ tập trung cho dập dịch.

Qua hơn một năm chiến đấu với dịch bệnh, sự nhận thức đã từng bước thay đổi, mà để thích ứng tốt hơn, chúng ta buộc phải có những chiến lược mới như Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ Việt Nam. Rồi đây, có thể sẽ có thêm những chỉ thị, hướng dẫn mới… bởi vì dịch Covid-19 được dự báo sẽ còn kéo dài.

 

Đội hình xe tình nguyện ra quân phun khử khuẩn khu vực công cộng tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Trong tình hình đó, cần phải thấy là, việc áp dụng chỉ thị nào, hướng dẫn nào cũng nên được xem xét phù hợp với từng địa phương, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, bởi không có nơi nào, tập thể nào, cộng đồng nào giống nhau một cách hoàn toàn. Để có được sự phù hợp trên, đòi hỏi sự linh hoạt của cá nhân, tập thể và người lãnh đạo ở từng nơi. Không có sự linh hoạt đó, không thể có “sống chung” với dịch bệnh hay trạng thái “bình thường mới”.

Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 nói riêng, dịch bệnh nói chung là “một phần tất yếu của cuộc sống”, một vấn đề không thể tránh khỏi của loài người. Trong lịch sử, dịch bệnh đã luôn xuất hiện ở bất cứ nơi đâu có con người. Về mặt tự nhiên, điều đó thể hiện cuộc đấu tranh sinh tồn của các loài sinh vật. Những sinh vật có thể được nhìn thấy bằng mắt thường đều đã thua giống người thông minh ở buổi bình minh của lịch sử loài người.

Tuy nhiên, tự nhiên diệu kì không cho con người tất cả. Những sinh vật không thể nhìn thấy bằng mắt thường đều có thể tấn công con người. Những cuộc tấn công đó đã diễn ra suốt chiều dài của lịch sử và chúng sẽ còn diễn ra. Hiện tại, quả cầu gai Corona đang biến hoá khó lường với rất nhiều biến thể. Ở khía cạnh tích cực, điều đó cho con người thêm sức mạnh, thêm sự tiến hoá, sự phát triển mà mẹ thiên nhiên ban cho chúng ta như một “món quà”. Muốn mở được “món quà” quý này rất cần sự linh hoạt thích ứng của chính chúng ta.

Tinh thần và hành động trách nhiệm

Trách nhiệm ở đây gồm cả về mặt nhận thức (tinh thần) và hành động. Nói cách khác, lời nói và hành động cần phải đi đôi với nhau.

Trước hết là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Các cá nhân cần có trách nhiệm hoàn thành đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Nhà khoa học cần tìm ra phương thức điều trị bệnh hiệu quả. Nhà sản xuất tối ưu hoá quy trình công nghệ, kịp thời cho ra sản phẩm thương mại mà nhà khoa học đã phát minh. Nhà kinh doanh đừng để bị gọi là “con buôn”, mang sản phẩm đến người tiêu dùng một cách hợp lí. Nhà quản lí tổ chức, điều hành, kiểm tra, giám sát các quá trình đúng chức năng… Nói tóm lại, người nào việc nấy đều cần nâng cao hơn nữa tinh thần và hành động trách nhiệm vì cộng đồng, xã hội.

 Các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh: CTV

Với mỗi cá nhân, trách nhiệm là phải biết bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của mình. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh dài lâu, ai cũng cần tiêm phòng vaccine đầy đủ theo khuyến cáo của WHO và Chính phủ. Hơn nữa, mỗi người cần vận động và động viên các thành viên trong gia đình và những người xung quanh tiêm phòng theo đúng lứa tuổi, đúng thời gian đối với từng loại vaccine. Đi kèm với đó, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao lành mạnh, tăng sức đề kháng tự nhiên, cũng là một cách để có thể lâu dài sống chung với dịch bệnh…

Ngoài bảo đảm sức khoẻ cho chính bản thân mỗi người, từng cá nhân phải có ý thức giữ gìn cho cộng đồng. Sẽ không thể nói đến trách nhiệm nếu không tiết chế ý muốn tự do cá nhân, thích gì làm nấy. Bản chất của con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội. Điều đó giải thích cho quyền tụ tập, nhất là vào những dịp như mùa sum họp cuối năm đang đến gần, nhưng không bao che được hành động tiệc tùng thoải mái, hưởng thụ dịch vụ dành cho cá nhân một cách thiếu an toàn.

Xã hội không thể phát triển nếu không có giao tiếp. Trách nhiệm của mỗi cá nhân trong giao tiếp cần thực hiện tốt 5K, đặc biệt với những trường hợp thường xuyên có vấn đề về hô hấp. Giữ cho bản thân cũng là giữ cho tập thể, đồng thời, giữ cho tập thể chính là giữ cho cá nhân.

Bên cạnh trách nhiệm cá nhân là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trách nhiệm đó tập trung vào sự nêu gương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trước hết cũng là những cá nhân bình thường như bao cá nhân khác. Họ phải có trách nhiệm của một cá nhân. Tuy nhiên, họ còn phải gánh trọng trách lớn hơn do tập thể giao. Mức độ trách nhiệm đặt lên vai người đứng đầu vì thế phải lớn hơn.

Trách nhiệm nêu gương ở đây hàm ý rất rộng: Vừa là người đi đầu, vừa là người hướng dẫn, người đồng hành và là người kiểm tra. Nêu gương đi đầu có nghĩa phải thực hiện trước tiên và nghiêm túc mọi vấn đề thuộc về trách nhiệm của một cá nhân trong tổng thể vấn đề liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nêu gương hướng dẫn bằng những chỉ đạo kịp thời, linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế. Nêu gương đồng hành bằng trách nhiệm ân cần của “người anh”, “người chị” như Bác Hồ đã nhắc nhở. Nêu gương kiểm tra bằng hành động cầm cân nảy mực công bằng, khách quan của một quan toà; đồng thời uyển chuyển có lí có tình đúng như bản tính của con người Việt Nam.

Rộng mở, yêu thương

Ở tầm vĩ mô trên thế giới, chúng ta đã luôn nói đến sự thịnh vượng toàn cầu với những mục tiêu thiên niên kỉ rất tham vọng. Ở cấp quốc gia, chúng ta đang xây dựng hình ảnh một Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước, tôn trọng lẫn nhau và cùng chia sẻ lợi ích. Ở cấp thấp hơn trong phạm vi Quân đội đó là hình ảnh cao đẹp về “Anh Bộ đội Cụ Hồ”, rồi Hải quân ta đang xây dựng thêm bản sắc “Người chiến sĩ Hải quân”.

 Luôn nêu cao tinh thần chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Tất cả những mục tiêu, hình ảnh đó không thể tự nhiên mà có hay dễ dàng đạt được. Điều đó đòi hỏi nỗ lực rất lớn của mọi tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, mọi nỗ lực chỉ phát huy được hiệu quả cao nhất khi nó đến cùng với tấm lòng rộng mở, có tình yêu thương giữa con người với nhau. Những hành vi, nhận thức vụ lợi, vị kỉ cá nhân đều có ảnh hưởng tiêu cực đến hành trình đạt mục tiêu chung của con người. Có được nhiều tiền như Giám đốc Công ty Việt Á và những người liên quan trên nước mắt, xương máu của bệnh nhân Covid-19 liệu sẽ có được một kết quả tốt đẹp cho những cá nhân này và nỗ lực chung của cả xã hội đã vất vả phòng chống dịch bệnh?

Giữa dịch bệnh, con người đã và đang phải đứng trước cuộc đấu tranh sinh tồn với loài virus Corona nhỏ bé mà rất nguy hại, liên tục biến hình, đừng để con người ở thế phải đối đầu lẫn nhau, đè nhau lên mà sống, giành miếng cơm manh áo của nhau bằng những hành vi, nhận thức vụ lợi, vị kỉ cá nhân.

Chúng ta đang sống trong những ngày cuối năm đầy khó khăn do làn sóng dịch bệnh mới. Bằng tinh thần của sự thích ứng linh hoạt, của trách nhiệm cá nhân và tập thể, với tình thương yêu và tấm lòng rộng mở, chúng ta nhất định sẽ có một mùa Xuân tươi sáng hơn.

Thanh Hải

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn