Sống mãi ký ức Trường Sa

HQ Online -

Một sáng cuối tuần, tôi nhận được điện thoại của Phùng Văn Linh (chiến sĩ đảo Ðá Tây). Tâm sự của người lính ấy khiến tôi như sống lại những ngày không thể nào quên trong chuyến hải trình Trường Sa năm trước.

Bên cột mốc chủ quyền.  Ảnh: Khánh Hưng

Ðể tới được Trường Sa, tàu của chúng tôi trải qua hai ngày đêm lênh đênh trên biển. Sớm tinh mơ, đảo Trường Sa hiện lên mảnh mai như một sợi chỉ mong manh vắt ngang lòng biển, rồi thành con rắn, con rồng… và dần dần “Ðảo hiện ra với thử thách bạc màu/ Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc” (Trường ca biển, Hữu Thỉnh). Tim ai cũng nghẹn lại. Tổ quốc mình đây. Tổ quốc giữa trùng khơi. Tổ quốc nơi đầu sóng. Tổ quốc phía mặt trời.

Bước chân lên đảo ai cũng có cảm giác lâng lâng khó lời nào tả nổi. Linh thiêng lắm dải đất quê hương nhoi lên giữa lòng biển mặn mà bao máu xương của cha ông đã đổ xuống để giữ gìn. Và khi tiếng quốc ca vang lên giữa sân trời đầy nắng gió, ai có thể không tự hào khi được là người con đất Việt? Ai có thể không nghĩ tới bổn phận, nghĩa vụ, tình yêu với Tổ quốc, với biển đảo nơi phên giậu vẫn còn nhiều gian khó? Ai có thể không nghĩ mình sẽ làm gì đây để tiếp nối truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc?

Và khi đến đảo Đá Tây, tôi mới thấm thía công lao trời biển mà bao lớp chiến sĩ đã ngày đêm vun bồi, xây đắp hình hài cho mỗi đảo chìm. Tôi đã gặp một chàng lính trẻ với khuôn mặt măng tơ sạm đen vì nắng gió. Mặc dù nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ được bù đắp bằng tình đồng đội nhưng thời gian trôi qua, anh vẫn không dám đếm ngày đếm tháng mà tính theo con trăng. Ðã bốn trăng rồi chàng trai ấy nén nỗi nhớ vào lòng, nén khó khăn vào dạ để rèn mình, để không hãi sợ trước những bất trắc của thiên nhiên và của cả những hung hiểm toan tính muốn gom trọn biển Ðông…

Bước chân lên đảo nào hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi cũng là tấm bia chủ quyền hiên ngang, vững chãi. Tấm bia đứng đó, được canh gác đêm ngày bởi những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam. Họ luôn tâm niệm dù có phải hy sinh thì cũng quyết không bao giờ để mất tấm bia thiêng liêng ấy. Có lẽ không nơi nào sự tiếp nối những bước chân của cha ông trong bước đường mở nước, giữ nước, chống ngoại xâm lại rõ ràng như ở Trường Sa.

Kết thúc hải trình, như  thông lệ, từng thành viên trên tàu được trao huy hiệu chiến sĩ Trường Sa. Nhưng dù không có huy hiệu ấy, chúng tôi cũng đã nguyện là một chiến sĩ Trường Sa, nguyện trở thành một sứ giả mang Trường Sa đến với nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân.

Riêng tôi còn một điều ước là mỗi người dân Việt đều được đến Trường Sa. Ðể hơn 90 triệu tấm lòng, hơn 90 triệu con tim cùng cảm nhận, cùng thở hơi thở với Trường Sa, với biển, đảo yêu thương. Ðể mọi người biết rằng nơi ấy, giữa biển Ðông bao la là mảnh đất thiêng liêng mà chúng ta không bao giờ được phép lãng quên.

TRẦN THANH HOA

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn