Những người cha đỡ đầu

HQVN -

Giáp tết, khu chợ Hôm với những gian hàng mái lá nằm lọt thỏm giữa làng biển nghèo miền Trung bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Người mua kẻ bán trở nên dễ tính hơn ngày thường. Có lẽ, năm hết tết đến, công việc còn bộn bề nên ai nấy tranh thủ sắm sửa cho sớm mà chả có nhiều thì giờ để mặc cả.

Trong quầy tạp hóa nhỏ góc chợ, chị Thân đang với tay lấy mấy thẻ hương cho khách. Bỗng chiếc điện thoại di động “cục gạch” kêu reng reng. Chị vội bỏ nắm hương xuống rồi ngoái lại nói với ông khách đang đợi mua hàng:

- Bác Tư chờ xíu. Có điện thoại của cha cháu Quân gọi. Em coi có việc chi.

Dăm phút sau, nghe điện xong, gương mặt khắc khổ, đen đúa của chị Thân tươi tắn hẳn lên. Đặt máy xuống sạp, chị gói nốt hàng cho khách. Ở cái chợ nhỏ như lòng bàn tay này, khách của chị toàn người quen. Thậm chí ông Tư với chị còn là chỗ hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau. Ông Tư làm bảo vệ ở cảng cá của xã ven biển này. Góa vợ hơn chục năm nay, các con đi làm ăn xa cả nên ông ở luôn ngoài cảng, thỉnh thoảng mới tạt về nhà trong làng. Đồng cảm hoàn cảnh chị Thân góa phụ con côi, những lúc rảnh rỗi ông Tư thường sang đỡ đần mẹ con chị những công việc cần sức vóc đàn ông. Người trong làng thấy thế vun vào, mong hai người rổ rá cạp lại, nương tựa lúc về già, nhưng vì những lý do riêng mà cả hai vẫn chỉ dừng lại ở tình cảm bà con lối xóm.

Gói bó hương xong, chị Thân đưa cho ông Tư và dặn:

- Bác về để cẩn thận kẻo mấy bữa ni trời nồm, hương hút ẩm, đến tết nó nỏ cháy, nỏ thơm.

Ông Tư đỡ bó hương hỏi:

- Của tui bao nhiêu cô hầy?

- Dạ! 10 thẻ hết 150 ngàn, bác Tư.

Minh hoạ: Đại Dương

Ông Tư lập cập hết móc túi áo lại đến lộn túi quần tìm tiền. Chả hiểu sao, loáng thoáng nghe cuộc điện của chị Thân, đầu óc ông cứ bần thần thế nào, tay chân bấn loạn cả lên… Trả tiền xong, đặt gói hương vào giỏ xe, ông Tư chưa vội về mà ấp úng hỏi dò:

 - Tui nghe cô Thân bảo… có điện thoại của cha cháu Quân gọi… là răng?

Ý chừng hiểu tâm trạng ông Tư, chị Thân tủm tỉm, thủng thẳng:

- À thì, cha cháu là bộ đội Hải quân.

Nghe câu trả lời lấp lửng, ông Tư lại càng ngẩn tò te ra, chả hiểu đầu cua tai nheo thế nào. Nhưng chợ đang đông, ông ngại không hỏi thêm. Tự dưng ông thấy trong lòng hụt hẫng, bứt rứt. Mất vài phút trấn tĩnh, ông tự nhủ: Mình vô duyên, xen vào việc riêng của người ta. Cô ấy mất chồng chục năm nay, tuổi cũng chưa hẳn già, giờ đi bước nữa có sao. Thêm người đỡ đần sớm hôm mà lại là bộ đội Hải quân, còn mình chỉ là anh bảo vệ, phải mừng cho cô ấy tốt phước. Rồi ông lập cập lên xe đạp thẳng về cảng mà quên cả chào bà chủ quán…

Ông Tư lóc cóc đạp xe đi, chị Thân vội thu dọn hàng quán, đóng cửa sớm về nhà đón khách. Vừa nãy đồng chí chính ủy của đơn vị Hải quân đóng quân trên tỉnh điện thoại báo chiều nay đoàn công tác của đơn vị về xã nhà tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp cho ngư dân các cảng cá, chiều tối đoàn sẽ ghé thăm trao quà tết cho cháu Quân và gia đình chị.

Quân năm nay 14 tuổi, là con trai duy nhất của chị Thân và anh Quảng. Anh chị sinh ra, lớn lên ở ngôi làng biển nghèo này, rồi bén duyên nhau, nên vợ nên chồng hơn chục năm trước. Vốn là con nhà ngư dân truyền thống nên anh Quảng theo cha đi biển từ nhỏ. Sau anh theo các tổ đội đánh bắt xa bờ, là lao động chính trong nhà. Còn chị Thân bán tạp hóa ở chợ Hôm, nhưng dân làng biển nghèo, chi tiêu tằn tiện, lời lãi chả bao nhiêu.

Lấy nhau hơn năm thì anh chị sinh thằng Quân. Cuộc sống những năm đầu lập nghiệp rất khó khăn nhưng được cái vợ chồng hòa thuận. Năm thằng Quân 2 tuổi, anh chị tính sau chuyến biển giáp tết về sẽ sinh thêm đứa con gái cho chị có “đồng minh”. Nhưng nghề biển hồn treo cột buồm, gian nan vất vả mưu sinh mà tai họa có thể ập đến bất ngờ. Chuyến đi năm ấy, tàu của anh Quảng gặp lốc xoáy đánh chìm, anh và nhiều bạn tàu mãi mãi không trở về. Cú sốc quá lớn với chị Thân chả khác nào những cơn bão biển dữ dội quét qua ngôi làng xơ xác này, khiến chị suy sụp tưởng chừng không thể gượng dậy. Bao ngày chị như điên dại, thơ thẩn ôm con nhỏ ra bãi biển ngóng chồng trong vô vọng. Căn nhà nhỏ tuềnh toàng, cô quạnh mỗi khi đêm về, lại chứng kiến những giọt nước mắt xót xa của người phụ nữ trẻ có số phận éo le.

Nhưng rồi, một lẽ tự nhiên, khi cơn bão đi qua trời sẽ trong trở lại. Như những người con của dải đất ven biển này, qua bao gian lao vẫn một lòng một dạ sống chết với nghề, với nghiệp tổ tiên, để rồi từng ngày tàu vẫn nối tàu rẽ sóng ra khơi tiến về phía hừng đông. Cuộc đời chị Thân cũng vậy, nỗi đau rồi cũng nguôi ngoai theo năm tháng. Được người thân, hàng xóm giúp đỡ, cùng niềm an ủi là giọt máu của người chồng quá cố để lại, chị từng bước gượng dậy. Ngặt nỗi, hai bên nội ngoại chả khá giả gì để nương nhờ, cuộc sống của hai mẹ con khó khăn chồng chất. Vừa là mẹ, vừa làm cha, mọi công việc nặng nhọc dồn cả lên thân hình lẻo thẻo của chị. Tần tảo thức khuya dậy sớm bao năm mà cái nghèo, cái khó cứ bám riết. Thương mẹ vất vả, hồi đầu năm nay, thằng Quân xin mẹ nghỉ học để vào làm công cho xưởng đá ở cảng đỡ mẹ. Nhưng chị khóc không cho. Đúng lúc ấy, chị được chính quyền xã thông báo, Quân được một đơn vị Hải quân nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi, với khoản tiền hỗ trợ hằng tháng, quà tặng dịp lễ tết và năm học mới, hỗ trợ chăm sóc y tế để cháu phát triển toàn diện. Cuộc sống của hai mẹ con chị Thân bước sang một trang mới, hé mở tương lai tươi sáng hơn kể từ thời điểm ấy…

*****

Căn nhà nhỏ đơn sơ cuối làng, nằm nép mình bên cồn cát trắng nhìn ra phía biển là nơi hai mẹ con chị Thân sinh sống. Hôm nay, vừa ở chợ về nhà đón khách, chị tranh thủ quét dọn nhà cửa, lau ban thờ gia tiên để nhỡ hôm sau bận bán hàng tết không còn thời gian. Chị đang tỷ mẩn lau bức di ảnh của chồng, thì tiếng thằng Quân vừa tan học về đến ngõ đã vọng vào:

- Răng bữa ni mẹ đóng quán sớm?

- Bữa ni các cha đỡ đầu hẹn đến thăm. Con vào đây với mẹ.

Thằng Quân vào phòng trong cất cặp sách rồi quay ra gian ngoài. Hai mẹ con chắp tay trước bàn thờ gia tiên. Nhớ đến người chồng quá cố, hai dòng nước mắt trào ra lăn dài trên gò má nhăn nheo của chị Thân. Thắp 3 nén hương lên ban thờ, chị ngậm ngùi:

- Anh ơi! Bữa ni các chú Hải quân lại đến thăm nhà. Từ ngày các chú nhận đỡ đầu thằng Quân, con mình yên tâm đến trường, không phải lo bỏ học nữa, em cũng đỡ vất vả. Anh phù hộ cho hai mẹ con và các chú Hải quân mạnh khỏe, bình an...

Vừa lúc đó, có tiếng xe ô tô ngoài cổng, rồi tiếng bác trưởng thôn:

- Mẹ con cô Thân mô? Nhà có khách đến thăm.

Mẹ con chị Thân tất tả chạy ra. Thấy các chú Hải quân, từ xa thằng Quân đã cúi chào:

- Con chào các chú, các bác! Con chào các cha đỡ đầu!

- Chào chị Thân! Chào con giai đỡ đầu!

Khách chủ tay bắt mặt mừng như người thân đi xa mới trở về. Chị Thân đưa mọi người vào nhà rồi rót nước mời. Nhấp ngụm trà nóng, đồng chí chính ủy đơn vị ân cần hỏi thăm tình hình cuộc sống của hai mẹ con. Rồi anh kéo thằng Quân ngồi xích lại gần, ôn tồn nói:

- Nhân dịp tết đến xuân về, đoàn công tác đến thăm gia đình. Các chú ở đơn vị rất mừng và khen ngợi Quân học hành tiến bộ, học kỳ 1 đạt học sinh giỏi. Chú có quà chúc mừng con. Còn đây là quà của đơn vị chúc tết gia đình cùng khoản tiền hỗ trợ nuôi dưỡng cháu Quân năm tới. Chúc chị Thân và cháu Quân đón tết vui vẻ, đầm ấm, năm mới có nhiều tiến bộ mới.

Chị Thân cảm động, rơm rớm nước mắt:

- Bữa ni các chú đến thăm, mẹ con cháu mừng riết. Từ ngày được nhận đỡ đầu, cháu Quân chăm chỉ học hành, đi đâu cũng khoe có cha đỡ đầu là Hải quân. Hai mẹ con tui rất biết ơn đơn vị đã hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần. Tui sẽ nuôi dạy cháu nên người. Chúc các chú năm mới mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thằng Quân thấy chị Thân nước mắt lưng tròng, vội đứng dậy quàng tay lên hai vai mẹ động viên:

- Con sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng mong mỏi của mọi người. Sau này học hết phổ thông con sẽ phấn đấu thi vào trường Hải quân để làm lính biển như các chú ni.

Khẽ xoa đầu thằng Quân, đồng chí chính ủy đơn vị khen:

- Có ý chí thế là tốt lắm! Các chú đều mong con sẽ trưởng thành, làm đồng chí, đồng đội để cùng giữ gìn biển, đảo và nối nghiệp đi biển của ông cha…

Cuộc hội ngộ trong buổi chiều cuối năm, câu chuyện của tình quân dân mỗi lúc thêm thắm thiết, sưởi ấm căn nhà nhỏ. Chẳng mấy chốc, trời đã ngả sang chiều muộn. Chị Thân giữ khách ở lại ăn cơm:

- Bây chừ đã muộn, các chú Hải quân và bác trưởng thôn ở lại ăn cơm với mẹ con cháu để được trò chuyện thêm.

Đồng chí chính ủy đơn vị trình bày lý do đang dịp trực cao điểm, lại phải chuẩn bị cho bộ đội đón tết vui xuân nên xin phép gia đình để dịp khác. Đoàn công tác chào tạm biệt ra về thì ông Tư đạp xe vừa tới:

- Chào các đồng chí bộ đội Hải quân. Rứa đồng chí nào là cha dượng của cháu Quân, nán lại tui xin được hân hạnh diện kiến hầy.

Trong lúc đoàn công tác còn chưa rõ chuyện gì thì ông Tư đã quay sang chị Thân nói dỗi:

- Tui khách nỏ mời mà tới. Chỉ tại ban chiều cô đưa thừa mấy thẻ hương cho tui, về đến nhà mở ra mới biết. Sợ cô lỗ vốn, tui mang trả lại thì quán đóng cửa nên đạp xe qua bên ni. Có quả bưởi nhà trồng tui vừa cắt còn cả cành lá, định mang sang biếu cô làm mâm ngũ quả, nỏ ngờ đến đúng lúc có khách quý. Thôi tui về…

Chị Thân kéo xe bác Tư lại, phân trần:

- Răng bác nói rứa? Bác từ từ để em giới thiệu. Các chú Hải quân ni chính là những người cha đỡ đầu của cháu Quân. Còn bác ni là bác Tư, hàng xóm nhà cháu.

- Cô Thân nói chi tôi nỏ hiểu. Rứa cô định tuyển đồng chí nào làm cha dượng thằng Quân?

Chị Thân cười, giải thích tiếp:

- Chuyện là thế ni. Cháu Quân được đơn vị Hải quân nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dạy đến năm 18 tuổi. Mẹ con cháu gọi các chú ni là cha đỡ đầu vậy thôi. Chứ có chi mô…

Ông Tư bấy giờ vỡ lẽ, không để chị Thân nói hết câu đã ngắt ngang:

- Rứa mà cô Thân nỏ nói rõ luôn. Tui cứ ngỡ cô tìm cha dượng cho thằng Quân nên...

- Thế bác Tư nghĩ em Thân ngần ni, ai mà dám mần chi...

Nghe chuyện của ông Tư, chị Thân, cả đoàn công tác bật cười. Ông Tư ngại đỏ mặt, đưa tay gãi gãi cái đầu lốm đốm bạc, rồi quay sang bắt tay các đồng chí Hải quân, hề hề cười nói:

- Tui hồ đồ quá hầy. Hiểu nhầm hầy. Chả giấu chi, tui cũng là bộ đội xuất ngũ. Tui có nghe trên báo đài nói tới việc Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân. Cứ ngỡ ở mãi mô, hóa ra đã lan tỏa đến tận quê mình hầy.

Đồng chí chính ủy đơn vị chia sẻ thêm với ông Tư về chủ trương của Quân chủng Hải quân tổ chức chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” và hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”. Như được cởi tấm lòng, ông Tư nắm chặt tay đồng chí chính ủy nói:

- Bộ đội Hải quân ngày đêm canh giữ biển đảo, quên mình cứu giúp ngư dân, bây chừ lại nhận đỡ đầu con em chúng tui thì quý hóa quá, nhân văn quá. Rồi đây hoạt động ni nhân rộng ra, điểm tựa vững vàng, hậu phương yên ấm, ngư dân yên tâm mà bám biển hầy. “Thế trận lòng dân” trong bờ ngoài biển rứa mới sâu gốc bền rễ các đồng chí hầy.

…Tiếng nói, tiếng cười quân dân rộn rã, thắm lại niềm tin nơi miền cửa biển. Ngoài kia, những con tàu theo hải trình mùa xuân vẫn nối nhau ra khơi vào lộng, hứa hẹn những mùa cá tôm đầy khoang, mang hương vị biển đến với mọi nhà, góp thêm một cái tết bình yên, ấm áp và đủ đầy.

Truyện ngắn của KAO DÂN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn