Những hội viên phụ nữ đam mê nghiên cứu khoa học

HQVN -

Không chỉ đảm việc nước, giỏi việc nhà, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều nữ quân nhân ở Viện Kỹ thuật Hải quân còn là những nhà nghiên cứu khoa học ứng dụng trong các lĩnh vực hẹp như điện tàu, tiêu từ, ắc quy tàu ngầm… mà cánh đàn ông cũng khó theo kịp.

Từ các cá nhân tiêu biểu

Trước khi lựa chọn nhân vật cho bài viết này, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với cán bộ kỹ thuật các đơn vị tàu của Quân chủng như Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân), Lữ đoàn 189… Có 9/10 ý kiến đề xuất về nhân vật mà rất ít cán bộ kỹ thuật của Quân chủng Hải quân trả lời không biết, đó là Thượng tá Bùi Thị Hà, Phó Trưởng phòng Điện, Viện Kỹ thuật Hải quân. Chị không chỉ là nhà quản lý giỏi mà còn là một trong những người nghiên cứu khoa học ứng dụng hàng đầu ở Quân chủng Hải quân.

Hội viên phụ nữ làm chủ trang bị kỹ thuật trong nghiên cứu khoa học. Ảnh: CTV

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, chị về công tác tại Viện Kỹ thuật, với đam mê nghiên cứu, chị đã đưa kiến thức học được vào các đề tài, sáng kiến phục vụ nhiệm vụ. Trong vòng 10 năm, chị đã có hàng chục đề tài, nhiệm vụ được ứng dụng tại các đơn vị và nhà máy sửa chữa cấp đốc tàu trong và ngoài Quân chủng. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, danh hiệu Hội viên Hội phụ nữ xuất sắc, được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam” năm 2017, Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2020, giải Nhì cuộc thi về đề tài sáng kiến Công đoàn Quân đội năm 2020; tháng 3 năm nay, chị là một trong số các đại biểu đại diện cho Phụ nữ Hải quân dự Lễ vinh danh Phụ nữ Quân đội tiêu biểu giai đoạn 2012-2022...

Hiện nay, nhiều đề tài do Bùi Thị Hà chủ trì về nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa VKTB trên tàu Hải quân đang được ứng dụng tại các đơn vị và được đánh giá cao. Có thể kể đến đề tài Nghiên cứu, chế tạo cảm biến ắc quy tàu ngầm Kilo-sản phẩm được triển khai chế tạo hàng loạt; Nghiên cứu, chế tạo, hệ thống kiểm tra và chẩn đoán ắc quy trên trạm nạp Lữ đoàn 189; Nghiên cứu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống điều khiển và giám sát hệ thống động lực của các tàu thuộc lớp Pohang do Hàn Quốc chuyển giao... và đề tài: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Trung tâm điều khiển của hệ thống tiêu từ trên tàu hải quân-đề tài đạt kết quả xuất sắc và triển khai sản xuất hàng loạt. Các nghiên cứu của chị đã giúp cho công tác bảo đảm kỹ thuật của ngành tàu hải quân được thuận lợi và chủ động hơn, khẳng định khả năng nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến...

Cùng với Thượng tá Bùi Thị Hà, Trung tá Nguyễn Thị Mai Hoa, Trợ lý Phòng Thí nghiệm tổng hợp, người được chị em hội viên thường gọi là “chuyên gia” về các loại ngư lôi. Tham gia nghiên cứu khoa học từ năm 2008 đến nay, chị có trong tay 14 đề tài nghiên cứu liên quan đến ngư lôi đã được ứng dụng hiệu quả tại đơn vị. Trong đó, có thể kể đến các đề tài cấp Bộ Quốc phòng: Nghiên cứu, thiết kế chế tạo động cơ điện có tính tương đương với động cơ của ngư lôi hay chế thử vật tư cho dây chuyền kiểm tra tên lửa đối hải và dây chuyền kiểm tra ngư lôi... Chị đã 5 lần đoạt Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh, và 4 lần có công trình khoa học đạt Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội.

 Đến lan tỏa phong trào nghiên cứu

Có một điểm rất khác và nổi bật của Hội phụ nữ Viện Kỹ thuật là Hội đã xây dựng và phát triển được các phong trào nghiên cứu khoa học thu hút sự tham gia của nhiều hội viên. Với phương châm mỗi nghiên cứu viên là một đề tài, Hội đã động viên khích lệ chị em tham gia nghiên cứu, làm chủ các nhiệm vụ tích hợp VKTB. Trong 5 năm trở lại đây, hội đã có 37 đề tài, sáng kiến, trong đó có 8 đề tài, sáng kiến cấp bộ, 1 đề tài được tặng Giải A gi?i thu?ng Tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh và 4 giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội.

Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng ủy, chỉ huy Viện, nhiều cán bộ, hội viên hội phụ nữ đã được tin tưởng giao thực hiện nhiều đề tài, dự án lớn về trang bị tiêu từ, hoán cải, tăng hạn sử dụng các trang thiết bị trên tàu Hải quân. Trong số 26% biên chế là nữ thì có đến hơn ½ làm công tác chuyên môn liên quan đến các lĩnh vực tàu thuyền, VKTB. Cùng với chị Hà, chị Mai Hoa, còn có thể kể đến rất nhiều gương mặt nổi bật như: Đặng Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Mai Hương, Hoàng Thị Thủy, Đào Thị Thúy, Trần Thị Hồng … Họ đã và đang là một trong những lực lượng đi đầu trong nghiên cứu và tiếp cận các VKTB dưới nước hiện đại của Quân chủng Hải quân nói riêng, quân đội nói chung.

Hội viên phụ nữ Viện Kỹ thuật trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: CTV

Trung tá QNCN Vũ Thị Thanh Thủy, Hội trưởng Hội Phụ nữ Viện Kỹ thuật chia sẻ: Để nhân rộng phong trào nghiên cứu khoa học. Hội tổ chức các nhóm nghiên cứu khoa học, chỉ định các hạt nhân trong nghiên cứu làm nhóm trưởng để dìu dắt, hỗ trợ các chị em đi sau. Nhờ đó, tuy cán bộ, hội viên trực tiếp làm công tác nghiên cứu chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng đã phát huy kiến thức đào tạo, năng lực, kinh nghiệm công tác cùng với lòng nhiệt huyết say mê, sáng tạo, vượt lên rào cản về giới để làm chủ nhiệm đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, sản phẩm khoa học có hàm lượng chất xám và giá trị thực tiễn cao.

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật cho biết: Những kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học của cán bộ, kỹ sư Viện Kỹ thuật trong những năm qua có sự đóng góp không nhỏ của các nữ cán bộ, kỹ sư. Những đề tài, sáng kiến ấy vừa giúp đơn vị nhanh chóng làm chủ, khai thác các trang bị mới, hiện đại của Quân chủng vừa giảm tối đa sự phụ thuộc vào linh kiện thay thế từ nước ngoài, nâng cao khả năng nội địa hóa, tiết kiệm rất lớn cho ngân sách quân đội.

Xuân Hương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn