Những con người ngày đêm canh đảo

Chẳng ai bảo lính đảo không đen nhưng đen cháy, đen giòn thì chắc chắn là chỉ có lính đảo chìm. Có mặc áo dài kín tay thì đen vẫn hoàn đen vì môi trường ở đây nó thế. Lại còn tốn nước ngọt nữa nên quân phục đúng tác phong toàn dành tiếp ngư dân hay học tập, huấn luyện, đón các đoàn công tác, còn bình thường ư-“Diện vào nó cứ ngứa ngứa thế nào ấy!”.Đã 4 ngày mưa mới có một ngày nắng, bộ đội lại bước vào luyện tập phòng thủ đảo. Trung úy Trần Văn Quân, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An-xạ thủ 12 ly 7 hiện đang giữ kỷ lục trong số anh em Tốc Tan về thâm niên ở đảo. Tính đến ngày tôi viết bài này thì thời gian công tác trên quần đảo Trường Sa của anh cộng lại đã được 120 tháng. Đây cũng là anh chàng “đỡ trắng” nhất trong số những người không đen hơn được nữa. Những công việc thường nhật mà tôi bắt gặp Quân làm cứ khiến tôi liên tưởng đến nhiều nghề nghiệp. Lúc Quân nói chuyện công việc thì như một người nhạc trưởng, lúc lặn ở bãi san hô thì chả khác gì ông Dã Tượng mặc quần đùi bộ đội, còn lúc Quân giết lợn liên hoan thì đúng là một tay đồ tể: Con lợn chỉ hộc lên một cái rồi đứ đừ dưới cánh tay cuồn cuộn những cơ và bắp. 

Còn anh chàng đang “giả vờ” tiếp đạn cho xạ thủ 12 ly 7 kia có công việc chính là y tá đảo. Đại úy Bùi Đăng Doanh quê ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Doanh vừa lập thành tích về cấp cứu ngư dân của tàu cá Quảng Ngãi hồi đầu năm. Hôm đó, mấy ngư dân ở Bình Sơn, Quảng Ngãi dìu xuồng vào đảo trong trạng thái mặt cắt ra cũng không còn hột máu: Ngư dân Nguyễn Vương do lặn sâu nên bị giảm áp đột ngột. Trong tình cảnh này họ chỉ còn biết cầu trời khấn Phật cùng với đưa nhanh vào đảo. Doanh cho biết, nếu không cấp cứu nhanh và chính xác thì ngư dân này chỉ còn sống được chừng 4 tiếng đồng hồ vì khi lên đây anh đã bí tiểu, bị liệt toàn thân.
Chỉ huy đảo thì điện vào bờ báo cáo, còn lại chỉ có Doanh cập rập bên người ngư dân phần hồn đã nửa âm nửa dương này. Thôi thì cứ theo phác đồ đã học: Khám-tiêm-lấy ống dẫn thông tiểu-khám… Thế mà may, thế mà anh ta qua khỏi. Sau mấy ngày chăm sóc trên đảo, ngư dân này đã hồi phục và tỉnh táo để ra tàu.

Khẩu đội 12 ly 7 trên đảo luyện tập chiến đấu (người bên trái ảnh là trung úy Trần Văn Quân, người bên phải là đại úy Bùi Đăng Doanh).
Hoàn toàn trùng hợp, cũng đúng ngày hôm nay thì anh Vân, thuyền trưởng con tàu ấy vừa từ đất liền ra. Các anh tặng quà và thay mặt gia đình anh Vương cảm ơn anh em đảo Tốc Tan. Anh Vân kể giờ thì Nguyễn Văn Vương cạch đến già chẳng dám xuống một con tàu nào, ở nhà dưỡng sức và chăm sóc vợ con. Cả đảo cùng mời các anh ở lại ăn cơm nhưng các anh từ chối vì phải theo tàu tiếp tục vươn khơi.
Trên đảo, tôi thương nhất hạ sỹ Lê Văn Giàu. Giàu là chiến sỹ trẻ nhất đảo. Giàu sinh năm 1994. Tên là Giàu nhưng cả nhà chàng chiến sỹ này cứ toàn bị cái nghèo đeo đuổi. Cả gia đình Giàu kiếm sống nhờ một chiếc ghe đánh cá, có chút vốn liếng, nhà cửa thì lại gặp chuyện sa cơ. Không tiền thì không có tàu to, phương tiện hiện đại nên bây giờ ở nhà chỉ còn chiếc ghe kéo lưới từ Cần Giờ ra đến cửa Vũng Tàu. “Con muốn hết nghĩa vụ thì về đi học lái xe nhưng ông ba không cho. Ông sợ con hư”. Nỗi lo của ông ba Giàu không phải không có cơ sở bởi qua những tâm sự của Giàu, tôi biết trước khi đi nghĩa vụ, Giàu cũng “biết ăn chơi tới bến”. Cái vết sẹo ở tay trái của Giàu sau này chắc cũng thành điển tích: Để khẳng định mình dám bỏ thuốc lá với ba, em đã lấy chính điếu thuốc lá còn đang cháy đỏ châm lên tay đó. Thôi thì cũng là dại dột nhưng tôi tin rằng hành động bộc phát đó cũng là một minh chứng cho nghị lực của con người trẻ tuổi này.

Đại úy Nguyễn Văn Đắc, quê ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa là người tôi vẫn hay nói đến bởi anh cũng là người hay tếu táo, pha trò nhất trên đảo. Ban đầu, tôi cứ tưởng rằng chuyện gì anh cũng biết, nhất là lĩnh vực tình yêu nhưng hỏi ra mới vỡ lẽ đã 40 tuổi đầu mà Đắc vẫn là lính “phòng không”. Loanh quanh hết đảo này sang đảo khác, thời gian về quê nghỉ phép chẳng đủ để tìm kiếm một người nguyện kết tóc se tơ với mình đến trọn đời, đó là tình cảnh không phải của riêng anh. Cũng giống như Đắc là cậu chàng cắt tóc giỏi nhất đảo có tên là Biển. Cả đời lính của Biển chỉ được vuốt những mái tóc vàng khét lẹt của lính đảo lùa vào lưỡi kéo, không biết khi nào mới có một cô nàng tên Muống mơ ngủ gọi tên anh.

Đêm-không ngủ được nên Đắc gạ tôi bổ túc cho anh một chút về photoshop. Khoảng mấy tiếng đồng hồ mà Đắc đã làm được cái việc anh thích nhất là cắt hình của vợ chồng anh Thực, vợ chồng anh Hưng ra rồi lắp “râu ông nọ vào cằm bà kia”. Nhìn mấy cái hình ghép thật ngộ nghĩnh. Ở đảo có nhiều trò đùa quái ác của bộ đội mà người ở đất liền ra không tinh sẽ vấp ngay vào bẫy. Đắc còn kể cho tôi nghe chuyện “ma mới” ra đảo được “ma cũ” rủ đi câu, bơi trong bãi cả tiếng đồng hồ rồi “ma cũ” mới bảo: “Chết rồi, tớ quên để ý, cậu bơi về ngay thay quần đi, mặc quần đùi đỏ thế này cá mập nó xông vào nó nuốt!’. Báo hại cho “ma mới” cứ men theo bãi cạn mà lội cả buổi sáng về với đảo!
Chúng tôi khúc khích cười trong đêm. Rồi lại cùng nhau nín tiếng cười vì thấy có bóng người cứ đứng lặng ngoài lan can. Quân đấy. Anh chàng việc gì cũng tháo vát và hăng hái nhưng cứ đêm mà không ngủ được là lại ra đứng đấy hóng về hướng Tây. Xa vời vợi ở trong kia có cô vợ anh quê ở Con Cuông giờ này cũng chắc gì đã ngủ. Không biết cô có nghe được không trong tiếng sóng có cả tiếng thở dài của chồng mình.

NGUYỄN VĂN TOÀN
 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn