Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Khi tình yêu và cảm xúc về biển, đảo dâng trào

HQVN -

Nguyễn Trọng Tạo nổi tiếng với các ca khúc mang âm hưởng dân gian  như: "Làng quan họ quê tôi", "Khúc hát sông quê", "Đôi mắt đò ngang"... Và mới đây ông ra mắt cuốn “Biển mặn”- trường ca về những người con nước Việt kiên cường bảo vệ biển, đảo quê hương. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật và dành được tình cảm đặc biệt của công chúng.

Sau nhiều lần thay đổi lịch, địa điểm hẹn vì ông quá bận, chúng tôi may mắn gặp được nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo tại một quán cà phê kế bên Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam. Trong cái rét ngọt mơ màng của mùa xuân Hà Nội, câu chuyện của chúng tôi với ông giường như cởi mở và ấm áp hơn.

Từ tình yêu quê hương
Châm xong điếu thuốc, ông chậm rãi: Tớ quê Diễn Châu, Nghệ An, nhà gần biển. Những đêm biển động, sóng dội, sóng cào vào tim gan, cào vào giấc ngủ. Những ngày đẹp trời, biển hiền hòa dịu êm, đẹp đến mê hồn. Biển đã trở thành máu thịt, thành tình cảm gắn chặt với tuổi thơ của mình. Mỗi khi có dịp về quê, “đứa trẻ” trong mình lại ùa về với bao cảm xúc chứa chan. Chính vì vậy mà tôi đã mở đầu bài hát “Cảm xúc biển quê” dành tặng cho quê hương mình bằng những hình ảnh thân thương:“Có một đứa trẻ từ trong tôi bỗng chạy ùa ra biển/ Có một đứa trẻ từ trong nôi ru dạt dào thương mến…”.

Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 đọc tác phẩm "Biển mặn"

Ông cất tiếng hát nhẹ nhàng như tự sự: Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê/ Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn.../ Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ/ Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng...
Đã nhiều lần được nghe và rất yêu thích "Khúc hát sông quê", nhưng hôm nay mới được nghe chính tác giả hát. Chúng tôi cuốn theo giai điệu ngọt ngào, tha thiết cùng những ca từ đẹp, đậm chất trữ tình “Khúc hát sông quê”, ca khúc đã chạm đến nơi sâu thẳm của lòng người. Tiếng hát như gọi lòng ta về với quê hương xứ sở, với ký ức thủa ấu thơ đong đầy kỷ niệm. Bài hát có giá trị tình cảm sâu sắc và được nhiều ca sĩ thể hiện thành công. Ca khúc đã trở thành hình tượng mang tính bất hủ mà ai cũng tìm thấy mình trong đó, cũng thấy mình có một dòng sông bên đời. Tuổi thơ ta cũng đã từng cùng bạn bè chăn trâu, cắt cỏ, tắm mát trên dòng sông quê hương. Tuổi thơ ta cũng từng đợi mẹ đi chợ về mua cho chiếc bánh đa vừng làm quà. Tuổi thơ ta cũng gắn bó với đồng bãi, với mùi rơm thơm nồng mùa gặt. Ta cảm nhận sâu sắc khúc tâm tình đang ngân lên trong lòng tác giả, trong lòng ca sĩ và trong chính lòng mình. Bài hát như lời nhắn nhủ, nhắc nhở bao người hãy yêu và sống vì quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.

Nhà thơ Trần Huyền Nhung chia sẻ: Trong nỗi buồn của một con người xa xứ bao năm nay, nghe “Khúc hát sông quê” tôi thấy được mình trong đó, đến với “khúc hát sông quê” tôi thấy được an ủi nhiều… Ấy là sự hoàn thiện cho khoảng trống tâm hồn của nhau. Tôi tìm được “hương đồng gió nội”- hình ảnh quê hương thân yêu như hiện lên trong “Khúc hát sông quê”. Cảm xúc nghẹn ngào những giọt nước mắt chỉ chực tuôn ra… và tôi nhớ con sông quê da diết...
Cùng với “Khúc hát sông quê”, bài hát “Làng quan họ quê tôi” của Nguyễn Trọng Tạo là 2 trong 20 bài hát hay nhất về nông thôn Việt Nam.
Tại sao ông không phải người làng quan họ, mà lại sáng tác “Làng quan họ quê tôi” thành công đến vậy? Tôi hỏi ông.
Ông cười hồn hậu: Vâng! Tôi đã coi Làng quan họ như chính làng mình và đã viết ra bài hát ấy 16 năm trước khi đặt chân đến đất Bắc Ninh. Quê tôi cũng có những điệu dân ca ví dặm quê kiểng lấp lánh ánh trăng hòa vào lời ru của mẹ. Ở đó có những bài hát về làng quê cứ nuôi lớn tâm hồn những đứa trẻ. Những câu hát êm đềm mãi mãi thắp sáng trái tim con người luôn hướng về làng quê yêu dấu. Và qua những làn điệu dân ca Quan họ ngọt ngào, tình tứ, những  cảm xúc, tình cảm đó giúp tôi đã sáng tác “Làng Quan họ quê tôi”.

Làng quan họ quê tôi / Tháng giêng mùa hát hội / Những đêm trăng hát gọi / Con sông Cầu làng bao xanh / Ngang lưng làng quan họ xanh xanh... Giai điệu mộc mạc, chân chất mang đậm hồn dân tộc, làm cho bài hát vừa man mác hồn quê, vừa chan chứa tự tình. Chỉ cần nghe lời ca là người thưởng thức giai điệu của “Làng quan họ quê tôi” có thể tưởng tượng ra khung cảnh làng quê binhg dị; hình dung ra những anh Hai, chị Hai lúng liếng đôi mắt hát giao duyên. Người Quan họ say nhau ở giọng hát, ở lời đối đáp khôn ngoan nhưng tế nhị, ở những điệu giã bạn mà chẳng muốn rời xa. Tôi hỏi ông về điều tâm đắc nhất khi sáng tác bài hát, ông nói: “Điều quan trọng là bài hát đã đi vào lòng người, nó làm cho tâm hồn người ta đẹp hơn,  yêu đời hơn, yêu quê hương đất nước hơn”...

Đến cảm xúc về biển đảo
Ông hít hà từng hơi thuốc lá, mắt lơ đãng nhìn lên trần nhà, bỗng nhiên đọc câu thơ: Biển nơi này mặn lắm/ Những cuộc đời máu thắm đã thành hoa. Rồi ông nói: Cảm xúc là vậy! Nó phải được thăng hoa… Nhưng sự thăng hoa đó được đúc kết của quá trình sống, đi, học, đọc, chép rồi thai nghén, trăn trở, tích lũy từng câu, từng ý để rồi nuốt hết vào tim, khi cảm xúc dâng trào sẽ đẻ ra đứa con tinh thần mà mình tâm huyết.
Nếu “Khúc hát sông quê” và “Làng quan họ quê tôi” ca ngợi tình cảm của con người với quê hương, đất nước thì “Biển mặn” khéo léo dẫn dắt người đọc đến với những câu chuyện của tiền nhân đã đặt mốc chủ quyền, cuộc mưu sinh nhọc nhằn của ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc hải chiến chống lại lũ giặc xâm lăng. Để rồi khúc vĩ thanh của tác phẩm là những hình ảnh thanh bình nơi đảo xa, là tiếng đồng dao của bầy trẻ đến trường.

Từng mạch nguồn cảm xúc về biển đảo, về đất nước hối thúc, trào dâng. Tháng 4 năm 2015, ông ông bắt tay vào viết trường ca “Biển mặn” và hoàn thành trong một thời gian ngắn. Nhà thơ thường viết vào lúc 3 giờ sáng, khi con người, vạn vật đang chìm trong giấc ngủ, không gian, thời gian như ngừng trôi. Cũng có lẽ vì vậy mà “Biển mặn” tiếp cận với biển đảo khác lạ so với tất cả các tác phẩm khác, cách tiếp cận thông minh, độc đáo và rất sáng tạo. Ở đó, các sự kiện lịch sử, các địa danh được liên hệ với nhau chặt chẽ theo chiều rộng không gian Móng Cái, Bạch Long Vĩ, Vịnh Hạ Long, Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc… Dốc toàn bộ cảm xúc, sức lực vào “Biển mặn”, tác giả hoàn thành tác phẩm vào một ngày lúc trời vừa sáng, cũng lúc đó ông bị một cơn chấn động não dẫn tới choáng cấp. May sao, lưỡi hái tử thần đã thất bại trong việc cướp đi sự sống của nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa này.

Nguyễn Trọng tạo cho biết: “Biển mặn” là trường ca thứ 3 của tôi. Trong tác phẩm này, hình tượng người lính Hải quân đang ngày đêm canh giữ biển, đảo là trung tâm của trường ca và tình yêu tổ quốc, tình yêu đất nước, tình yêu với những tấc đất quê hương. Nó càng đặc biệt có ý nghĩa khi trường ca này ca ngợi những người lính biển đang tiếp nối "Trường Sơn rừng" của lớp lớp cha anh.: Xưa cha Trường Sơn Tây/ Nay con Trường Sơn biển/ Những hòn đảo dựng vòng cung phòng tuyến…/Cột mốc chủ quyền sừng sững vươn lên/ Trong bão táp sáng màu cờ Tổ quốc/ Những ổ súng hướng về nơi có giặc/ Những nụ cười lấm cát mãi thanh xuân…

Chúng tôi đang cuốn theo câu chuyện cùng Nguyễn Trọng Tạo, một cái vỗ vai thân thiện làm nhà thơ “tỉnh giấc”. Nữ nhà văn, nhà báo Như Bình (một “cây ký chân dung” khá nổi tiếng của báo Công an nhân dân) tìm gặp nhà thơ để được ký tặng trường ca “Biển mặn”. Cô đề nghị tác giả ký tặng trên 5 cuốn, trong đó 3 cuốn tặng bạn thân, 2 cuốn còn lại cho mình và người anh trai đã hy sinh. Góp vui vào câu chuyện nhà văn Như Bình chia sẻ: “Biển mặn” là sự hòa trộn sáng tạo giữa thơ, sử và những thông tin xác thực với các cung bậc cảm xúc thăng trầm. Ngay ở câu thơ mở đầu "Nhặt lên hạt muối, thưa rằng/Một phần biển mặn.Mấy phần máu xương..." đã gợi cho ta cái mặn mòi của biển, cái đắng chát của những hy sinh, gian khổ mà cha ông ta đã phải trải qua để giữ biển, giữ lấy cái không gian sinh tồn của nước Việt.
Trường ca “Biển mặn” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được in với số lượng 4.000 cuốn. Ông đã tặng Bộ Tư lệnh Hải quân 2000 cuốn để cấp tới các thư viện, phòng Hồ Chí Minh trong toàn Quân chủng. Ông tặng bạn bè và những người yêu “Biển mặn” gần 1000 cuốn. Số còn lại, ông dự định bán để lấy tiền xây nhà tình nghĩa cho gia đình cựu chiến binh trong trận Gạc Ma.

Trò chuyện với Nguyễn Trọng Tạo, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ thơ ông chuyển sang nhạc, rồi ông ngân lên câu hát:  Ngồi dưới bóng phong ba/ Ríu ran chuyện cửa nhà / Đàn gà vừa ấp trứng/ Đàn lợn mới sinh con. Trong chuyến thăm quân và dân quần đảo Trường Sa tháng 4-2013, nhà thơ Nguyễn Thành Phong đã có một chùm thơ xúc động viết về Trường Sa. Đồng cảm với những cảm xúc ấy, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã phổ nhạc thành công ca khúc "Trường Sa làng ta”. "Trường Sa làng ta” có giai điệu và ca từ đẹp, dễ nghe, dễ đi vào lòng người. Bài hát vẽ lên bức tranh cuộc sống đời thường nơi đảo xa với vườn rau, vườn cà và các công việc trồng đậu, nuôi gà, nuôi lợn… Đó cũng còn là những ước mong rất bình dị như mơ về quê nhà, nơi có mẹ, có vườn rau, ao cá, có cô em gái… Và với những chiến sĩ ở đảo xa, một nơi thiêng liêng của Tổ quốc nhưng lại thấy được vẻ đẹp gần gũi của mỗi làng quê Việt Nam. Ông nói: Xây dựng văn hóa làng Việt trên các hòn đảo của Tổ quốc chính là xây những “cột mốc tinh thần” của dân tộc ta.

Ở gần cái tuổi “Thất thập cổ lai hi”, nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẫn miệt mài sáng tác, ông muốn viết thật nhiều, sáng tác thật nhiều về những người lính kiên trung đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông đau đáu một nỗi niềm sẽ ra tận nơi, trực tiếp đọc thơ và hát những bài hát về biển, đảo cho họ nghe, để giữa bốn bề trùng khơi sóng gió, những bài thơ, bài hát của ông thêm gắn bó với các chiến sĩ nơi biển, đảo xa xôi.

Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đến nay, ông đã giành được hơn 20 giải thưởng ở các thể loại thơ, văn, nhạc, họa. Trong đó, năm 2012, ông được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với tập thơ “Đồng dao cho người lớn” và trường ca “Con đường của những vì sao” (Trường ca Đồng Lộc); giải thưởng đặc biệt của UBND tỉnh Hà Bắc năm 1981 cho ca khúc “Làng quan họ quê tôi”; 5 giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho các ca khúc “Mặt trời trong thành phố”, “Đường về Thạch Nham”, “ Con dế buồn”, “Đồng Lộc thông ru” và “Khúc hát sông quê”; 2 giải thưởng của Bộ Văn hóa và Thông tin cho bìa sách đẹp...

                                                                                      Bài, ảnh: Đình Sáng-Ngọc Triệu

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn