Nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha Luôn sát gần biển, đảo và bộ đội Hải quân

HQ Online -

Những bình luận sâu sắc, đa chiều của nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha là lý do để chúng tôi tìm gặp ông giữa chiều đông Hà Nội. Trong không gian âm nhạc sâu lắng tại quán cà phê vắng, ông đã chia sẻ những cảm nhận về âm nhạc dành cho biển, đảo và người chiến sĩ Hải quân.

Phóng viên (PV): Là chủ nhân của 20 giải thưởng âm nhạc và là nhà nghiên cứu âm nhạc có tiếng, vậy ông nhận xét như thế nào về các nhạc phẩm viết cho biển, đảo và bộ đội Hải quân qua các thời kỳ?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Cách mạng Tháng Tám thành công, dù Hải quân nhân dân Việt Nam (NDVN) chưa được thành lập nhưng đã có một nhạc sĩ lớn viết về lực lượng Hải quân. Đó là nhạc sĩ Văn Cao với bài hát “Chiến sĩ Hải quân”. Bài hát mang tầm dự báo, có chất “giang hồ” của thủy thủ, vì vậy theo tôi nên dựng lại: “Toán chiến sĩ Hải quân ra khơi hôm nay/ Bờ nước Nam gió khơi nồng máu say/ Ra khơi không vương thê nhi/ Miền Bắc núi tuyết rét mướt/ Quen vui trong muôn phân ly/ Sống trên ngàn trùng sóng...”. Sau đó, bẵng đi một thời gian, bài hát về biển vẫn có nhưng không nói rõ về lực lượng Hải quân.

Khi bắt đầu thành lập Hải quân NDVN thì xuất hiện bài hát thứ hai rất rất hay, ấn tượng cho đến tận bây giờ. Đó là bài “Lướt sóng ra khơi” của nhạc sĩ Thế Dương: “Dạt dào biển mênh mông, sóng vỗ nhịp thân tàu/ Đoàn ta ra khơi, tiếng máy reo vang, tràn ngập tình đất nước, quê hương...”. Sau bài hát của Thế Dương, có một bài hát cũng rất đáng nhớ - “Quê hương anh là biển cả” của ca sĩ Tường Vi: “Biển là quê hương. Pháo hạm là nhà. Biển hát ru thêm tâm hồn đồng chí ta. Ra khơi là ra khơi...”. Từ lúc đó, phong trào viết cho bộ đội Hải quân mới nhiều lên.

Nhạc sĩ Thụy Kha (ngồi đầu tiên bên trái) trong chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 3-2014. Ảnh: VTV

Trong chiến tranh, chiến công của bộ đội Hải quân có nhiều nhưng bài hát về Hải quân thì không nhiều lắm. Chỉ có “Biển gọi” của Nguyễn Kim là bài hát điển hình. Đến khi giải phóng miền Nam, bộ đội Hải quân có đóng góp rất lớn, là lực lượng ra thực thi chủ quyền đất nước ở Trường Sa nhưng âm nhạc chưa đi theo được.

Chiến tranh biên giới nổ ra, lúc đó mới xuất hiện bài “Nơi đảo xa” của Thế Song, có thể nói, bài hát đầu tiên phổ biến mà có chữ Hoàng Sa là của Thế Song: “Đây Hoàng Sa, kia Trường Sa...”. Đó là sự thể hiện ngôn từ mang tính chính trị sâu sắc. Tiếp đó là “Chút thơ tình người lính biển” (Nhạc Hoàng Hiệp, thơ Trần Đăng Khoa). Theo mình, những đóng góp của Khoa là những đóng góp thực sự với biển, đảo. Khi đó, mới “hiện ra” gương mặt của những người lính biển.Từ đó đến bây giờ có rất nhiều bài hát về Hải quân. Mỗi bài có một thế mạnh khác nhau nhưng phải nói Hải quân đã là một Quân chủng có nhiều đề tài để các nhạc sĩ sáng tác. Quỳnh Hợp có “Tổ quốc nhìn từ biển” mang tính tráng ca, có khả năng kêu gọi, thúc giục; Thế Hiển với “Vỏ ốc biển”, “Lính đảo Trường Sa” hay “Tổ quốc gọi tên mình” (Nhạc Đinh Trung Cẩn, thơ Nguyễn Phan Quế Mai); “Gần lắm Trường Sa” (Hình Phước Long); Sức Sống Trường Sa (Nhạc Nguyễn Hồng Sơn, thơ Đoàn Vũ Vinh); Lính nhà giàn đón xuân (Thập Nhất)... Những bài hát đó tạo thành “một vệt”, giúp cho độc giả và nhân dân cả nước có cái nhìn rõ ràng, sâu sắc hơn về biển, đảo và bộ đội Hải quân.

PV: Ông đánh giá như thế nào về các nhạc phẩm đó?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Tất cả các bài đó đều mang được hơi thở của biển Việt Nam; khắc họa được hình ảnh bộ đội Hải quân dũng cảm, kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, sóng gió.

PV: Nhạc sĩ có thể chia sẻ các sáng tác của mình về biển, đảo và bộ đội Hải quân?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Mình có một bài dành cho lính đảo là hợp xướng “Kỷ niệm Trường Sa” (thơ của Dương Tự Trọng) và dù chưa ai viết nhưng mình đã viết một bài về Hoàng Sa, thơ của Nguyễn Hoa. Trong sự kiện giàn khoan HD 981, mình có chuyến công tác tại Bắc Tam Quan (Bình Định) để huy động bà con ra bám biển và mình đã hát bài “Hoàng Sa” này: “Bãi cát vàng, bãi cát vàng, bãi cát vàng. Hoàng Sa, Hoàng Sa, Hoàng Sa. Sóng chìm, sóng nổi, bao ngôi mộ gió ơ...”. Khi Quân chủng Hải quân nhận chiếc tàu ngầm đầu tiên, mình đã sáng tác ngay bài hát “Tàu ngầm Việt Nam”. Mình cũng có nhiều tác phẩm về tàu Không số, có bản rock về “Cam Ranh nghiêng xanh”, “Thung lũng xanh”... Gần đây ra Lý Sơn, bộ đội Hải quân ở đảo để lại trong mình nhiều kỷ niệm, mình đã sáng tác bài “Gửi Lý Sơn”.

PV: Nhạc sĩ đã ra thăm và sáng tác về Trường Sa?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Không mình viết hợp xướng “Kỷ niệm Trường Sa” là theo cảm hứng của bài thơ thôi. Mình phải nói rằng không phải ai yêu biển, đảo cũng có thể ra với biển, đảo. Mình cũng đã đến với Trường Sa nhưng từ rất lâu rồi. Lần đó mình say sóng không thể dậy được chứ chưa nói đến cảm hứng sáng tác. Sau lần đó, mình biết rằng, không thể đi ra biển, đảo trường kỳ được. Không ra được với biển, đảo nhưng mình luôn đi sát gần biển, đảo và bộ đội Hải quân.

Tác giả và nhạc sĩ Thụy Kha.Ảnh: Đặng Tùng

PV: Nhạc sĩ vừa nói đến các sáng tác trong âm nhạc, vậy trong văn học thì sao, thưa ông?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Về văn học, viết tặng cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số, mình có Trường ca “Cực sóng” nằm trong bộ trường ca ngắn được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014. Khi đó, mình chọn điểm bi tráng nhất của Hải quân để sáng tác và ca ngợi bộ đội Hải quân. Với mình, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số là những người anh hùng. Họ luôn khiến mình khâm phục và tạo cảm hứng sáng tác.

PV: Là nhà nghiên cứu âm nhạc, là cố vấn cho chương trình “Giai điệu tự hào”, trong đó có 2 số làm về biển là “Bám biển quê hương” (tháng 9-2016) và “Xa khơi” (năm 2014). Khi làm chương trình đó, ông đã tham gia chọn ca khúc và dàn dựng như thế nào để toát lên vẻ đẹp của biển, đảo Việt Nam và công cuộc giữ biển của bộ đội Hải quân?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: “Xa khơi” có ý nghĩa nhấn mạnh về vùng biển rộng dài, tươi đẹp, giàu tiềm năng của Việt Nam. Số đó nghiêng về phần biển nhiều hơn. Còn “Bám biển quê hương” tập trung vào quân và dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Mình cố gắng làm thế nào để người xem cảm nhận biển, đảo như con sóng dập dờn trong tâm hồn chứ không phải “những vách đá”.

Làm chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 9, vì là cố vấn nên mình đã nghiên cứu và tìm ra được cái tên “Bám biển quê hương”. Đây là bài hát của Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhưng rất nhiều người chưa biết. Phạm Tuyên cũng bất ngờ vì bài hát ông sáng tác từ năm 1964 đã được đặt làm chủ đề của chương trình này. Nếu không phải là một người nghiên cứu âm nhạc một cách đầy đủ thì sẽ không tìm được. Bài đó rất hay, không nói gì đến Mỹ: “Khi trong đêm tối tăm, quân cướp biển còn rình nơi ấy...” Đến bây giờ vẫn còn cướp biển. Phạm Tuyên có một tầm nhìn xa, nghĩa là chúng ta phải bảo vệ biển mãi mãi.

Trong chương trình đó, bài hát “Nơi đảo xa” đã được dàn dựng rất công phu. Những người lính Đoàn tàu Không Số hát cùng ca sĩ Tùng Dương, tạo nên một bài hát sống động và đầy tự hào, đó là điểm chốt của chương trình.

PV: Nhạc sĩ đánh giá vai trò của âm nhạc về biển, đảo và bộ đội Hải quân trong giai đoạn hiện nay như thế nào?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Âm nhạc nhân lên tình yêu, trách nhiệm với biển, đảo và bộ đội Hải quân. Âm nhạc mang tính chính trị, có sự thúc giục... Theo mình, có nhiều tác phẩm, chương trình âm nhạc về biển, đảo và bộ đội Hải quân là sự kịp thời, mang tính thời sự và chính trị. 

PV: Nhạc sĩ có lời nào muốn nhắn nhủ với bộ đội Hải quân?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Đối với bộ đội Hải quân, mình có tình cảm hết sức đặc biệt. Vì không thể ra biển một cách trường kỳ được, nên đầu tiên phải nói là mình rất phục bộ đội Hải quân với sự rèn luyện và sức khỏe của họ. Bộ đội Hải quân là những người chịu rất nhiều thử thách, một là thử thách với biển, hai là thử thách với cô đơn vì đất liền đôi khi chỉ là khoang tàu hẹp. Một con tàu cứ rong ruổi trên biển như một độc đảo trôi trên biển. Anh em chia nhau từng ca nước ngọt, từng cọng rau xanh... Cuộc sống của họ là khác thường và bộ đội Hải quân là những người đặc biệt!

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Thùy Liên, Thanh Tùng (thực hiện)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn