Lặng lẽ những con tàu Không số
Bài thơ “Lặng lẽ những con tàu Không số” của tác giả Lê Anh Phong sáng tác gần đây được bạn đọc đánh giá cao về sự lắng đọng, tràn đầy cảm xúc của một người từng biết và chứng kiến câu chuyện về Đoàn tàu Không số anh hùng. Bài thơ đã khắc họa khá trọn vẹn hình tượng cán bộ, chiến sĩ Hải quân và con đường huyền thoại trên biển.
Đội tiếp nhận vũ khí do Đoàn tàu Không số chuyển vào tại bến Rạch Mốc (Cà Mau) năm 1963. Ảnh tư liệu
Lặng lẽ những con tàu không số
Tàu Không số nên lính mình “không số”
Không quân trang, quân hiệu, quân hàm
Giấu sau màu trang phục thường dân
Lời thề thép: Ra đi là quyết thắng!
Tàu Không số nên lính mình ẩn tích
Không thư từ liên lạc người thân
Bề bộn nhớ thương chia sẻ lo toan
Thao thức chất chồng trang nhật ký.
Tàu Không số ra đi trong lặng lẽ
Trở về trong im lìm
Sóng gió, máu xương những chuyến hải trình
Lòng biển bao la ôm kỷ niệm.
Chục ngàn tấn hàng, trăm chuyến tàu vượt biển
Những con tàu góp lửa với miền Nam
Mà lặng yên như vô tích vô tăm
Dệt “Huyền thoại Đoàn tàu Không số”.
Tàu Không số băng qua thời đạn lửa
Vạch con đường xuyên Việt giữa biển Đông
Tàu Không số đã ghi vào lịch sử
Biểu tượng khiêm nhường của kỳ tích, chiến công.
Lê Anh Phong
Hai câu mở đầu bài thơ “Lặng lẽ những con tàu Không số”: “Tàu Không số nên lính mình “không số”/ Không quân trang, quân hiệu, quân hàm” khiến nhiều người liên tưởng đến hai câu đầu bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Có lẽ, trong chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc đã để lại nhiều cái “không” ý nghĩa để hai nhà thơ có sự đồng cảm trong tâm hồn khi viết lời thơ. Những cái “không”, sự “lặng lẽ” đó cũng chính là những đặc điểm nhận dạng độc đáo của Đoàn tàu Không số: Tàu không số, lính không số, không quân trang, quân hiệu, quân hàm, “Giấu trong màu trang phục thường dân/ Lời thề thép: Ra đi là quyết thắng!”. Có thể thấy, đằng sau sự “lặng lẽ” đó là “lời thề thép”, đằng sau những cái “không” là ý chí, nghị lực, niềm tin “Ra đi là quyết thắng!”.
Tác giả Lê Anh Phong cho biết: Khi học cấp ba, tôi từng có mặt ở bến phà Gianh để bốc vác gạo, đạn, quân trang, quân dụng… trong những chiến dịch vận tải tăng tốc cho chiến trường miền Nam. Qua đó, tôi được biết ở vùng phà Gianh, cảng Gianh có một đơn vị mang tên “Xí nghiệp đánh cá sông Gianh”. Là phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình, năm 1990, tôi trở lại bến phà Gianh để làm phóng sự về xã Thanh Trạch, nhân dịp xã đón danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Lúc này, tôi mới biết “Xí nghiệp đánh cá sông Gianh” là một bộ phận của “Đoàn tàu Không số”. Điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất của “Đoàn tàu Không số” chính là chiến công thầm lặng của họ, do phải giữ tuyệt đối bí mật con đường vận tải trên biển để bảo đảm thành công.
Cảm nhận sâu sắc đó đủ để tác giả Lê Anh Phong hiểu được cả chiều sâu nội tâm của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số năm xưa: “Tàu Không số nên lính mình ẩn tích/ Không thư từ liên lạc người thân/ Bề bộn nhớ thương chia sẻ lo toan/ Thao thức chất chồng trang nhật ký”. Đoạn thơ này đã nối tiếp sự “lặng lẽ” đến nghẹn ngào, với những cảm xúc dồn nén, chất chứa trong lòng. Ở đó, những người lính Hải quân mưu trí, dũng cảm thực hiện các nhiệm vụ mà đến cả vợ con của họ cũng không được biết. Họ đã vạch một hướng hành quân giữa mịt mùng đại dương, vượt qua bao giông tố, đạn bom quân thù vây bủa. Khi thành công cũng phải giấu kín, không tuyên truyền, khen thưởng, cho đến những mất mát hy sinh cũng chỉ có đại dương mênh mông ghi nhận vào lòng: “Tàu Không số ra đi trong lặng lẽ/ Trở về trong im lìm/ Sóng gió, máu xương/ Những chuyến hải trình/ Lòng biển bao la ôm kỷ niệm”. Kỳ tích, chiến công của họ rất đỗi oanh liệt, hào hùng nhưng vì nhiệm vụ, vì đặc điểm tình hình thời chiến nên chiến công của “Đoàn tàu Không số” không được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dù vậy, họ vẫn “lặng lẽ” âm thầm lập bao chiến công, dệt nên huyền thoại.
Bài thơ này cũng truyền tải được sự sáng tạo đầy hiệu quả của chiến tranh cách mạng: “Chục ngàn tấn hàng, trăm chuyến tàu vượt biển/ Những con tàu góp lửa với miền Nam/ Mà lặng yên như vô tích vô tăm/ Dệt “Huyền thoại Đoàn tàu Không số”.
Bài thơ lôi cuốn người đọc đến tận câu thơ cuối cùng: “Tàu không số băng qua thời đạn lửa/ Vạch con đường xuyên Việt giữa biển Đông/ Tàu Không số đã ghi vào lịch sử/ Biểu tượng khiêm nhường của kỳ tích, chiến công”. Phải sâu sắc lắm tác giả Lê Anh Phong mới nghĩ ra câu kết ý nghĩa và nội dung bao hàm đầy đủ từ hình ảnh, chiến tích của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số như vậy. Xuyên suốt bài thơ nói về sự “lặng lẽ” nhưng mang đầy sức sống với những câu thơ giản dị nhưng có chất “lửa”, sâu sắc về cảm xúc, hình tượng. Tác giả đã đưa được cả sự kiện lịch sử về Đoàn tàu Không số vào một bài thơ ngắn mà hàm ý đầy đủ, sâu xa.
Mai Liên
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Trung tâm Huấn luyện chuyên môn kỹ thuật - nghiệp vụ Vùng 3 liên hoan văn nghệ - ( 04-10-24 02:00 )
- Tổng duyệt chương trình tham gia Hội thi chủ tịch công đoàn giỏi toàn quân năm 2024 - ( 03-10-24 12:00 )
- Tháng Mười yêu thương - ( 01-10-24 01:00 )
- Những thơm thảo mùa thu... - ( 29-09-24 08:00 )
- Giao lưu điển hình tiên tiến “Những bông hoa biển” - ( 24-09-24 07:00 )