Hội thảo về tăng cường An toàn Hàng hải tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương

HQ Online -

Từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 4 năm 2017 tại Singapore đã diễn ra Hội thảo về tăng cường An toàn Hàng hải ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương do Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương (DKI APCSS) Hoa Kỳ phối hợp với Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) Singapore tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia tham dự có cơ hội được thảo luận về các vấn đề kỹ thuật, chia sẻ các thông tin quản lý và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia đối với các qui định luật pháp quốc tế về an toàn hàng hải đang được thực hiện.

Tham dự Hội thảo có 36 đại biểu đến từ các nước Australia, Trung Quốc, Nhật Bản,  Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia,  Philippines, Singapore, Việt Nam và Hoa Kỳ. Đoàn Việt Nam tham dự có các đại biểu của Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Viện nghiên cứu chiến lược Quốc phòng và lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.

Các đại biểu tham gia thảo luận nhóm tại Hội thảo

Hội thảo lần này chủ yếu tập trung thảo luận và đánh giá cách các quốc gia thực hiện các qui định luật pháp quốc tế về an toàn hàng hải, các vấn đề quản lý, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tại mỗi nước. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc thực hiện các điều khoản thi hành, các quy định, chính sách theo Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển năm 1972 (COLREGs 1972) và tuân thủ các qui ước WPNS trong bộ quy tắc ứng xử khi có các cuộc gặp bất ngờ trên biển (CUES); Các cơ quan, tổ chức nào của mỗi quốc gia chịu trách nhiệm đào tạo, huấn luyện các nội dung qui định của COLREGs và CUES; ngoài ra, Hội thảo còn thảo luận về việc cần xác định cơ quan có thẩm quyền trong mỗi quốc gia sẽ được thông báo và có trách nhiệm điều tra khi có tàu vi phạm các quy định của COLREGs hoặc hoạt động không đúng với CUES.

Đại biểu các nước tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo cơ bản thống nhất đánh giá: Tất cả các quốc gia tham dự đều tham gia vào các quy ước của COLEGs và có các quy định và yêu cầu cho các tàu Hải quân phải tuân thủ theo COLREGs và CUES, ngoài ra, các quốc gia cũng đã ban hành văn bản qui định trong nước đòi hỏi tàu thương mại phải tuân thủ các quy tắc COLREGs.

Tất cả các lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển của các nước tham gia đều có chương trình đào tạo, huấn luyện cán bộ, nhân viên về các qui định tránh va trên biển phù hợp với COLREGs.

Tất cả các đoàn Hải quân tham gia đều có các trung tâm tiếp nhận thông tin khi có các tàu hoạt động không phù hợp với COLREGs/CUES. Một nửa số đoàn Hải quân tham gia có đường dây nóng với Hải quân các nước láng giềng khác. Tất cả các quốc gia tham gia đều có cơ quan tiếp nhận kháng nghị về vi phạm tiềm ẩn thông qua nhiều cơ quan (Bộ Giao thông Vận tải, Cảng vụ hàng hải) và các khiếu nại đó sẽ được chuyển đến cho cơ quan pháp luật liên quan.

Hầu hết các quốc gia đều có cơ chế thành lập các Đội (nhóm) điều tra đặc biệt để điều tra khi có các tai nạn hàng hải xảy ra.

Không phải tất cả các quốc gia tham gia đều có các hoạt động song phương nhằm tập trung vào vấn đề an toàn hàng hải nhưng nhiều quốc gia cũng đã có các cơ chế để thảo luận về an toàn hàng hải và sự cố trên biển.

Hội thảo về tăng cường An toàn Hàng hải ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2017 là cơ hội tốt để Hải quân các nước chia sẻ thông tin liên quan đến việc thực hiện các qui định về an toàn hàng hải trên biển, đặc biệt là các quy định trong  COLREG và CUES; xây dựng lòng tin giữa các quốc gia thực hiện an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Tin, ảnh: Võ Sĩ Hiển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn