Cuộc vận chuyển gạo góp phần tổng công kích thắng lợi

Cuối năm 1953, tôi đang làm đại diện cho Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) và đại diện cho Cục Quân nhu ở chiến trường Liên khu 3 - đồng bằng sông Hồng, chủ yếu là giải quyết vấn đề gạo cho bộ đội thì được cấp trên điều về làm Cục trưởng Cục Quân khí.

Sau Tết Nguyên đán ở Việt Bắc, tôi vừa mới bắt tay vào việc thì anh Trần Hữu Dực (nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp) gọi báo cho tôi biết: Anh Văn (Võ Nguyên Giáp) có ý định điều tôi ra mặt trận và nhắc tôi sang gặp anh Nguyễn Chí Thanh (nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) nhận nhiệm vụ mới. Gặp tôi, anh Thanh cũng chỉ nói gọn một câu: "Anh Văn cần anh lên ngay mặt trận Điện Biên". Liền sau đó, tôi lên đường, cùng đi có anh Trần Lương và anh Kinh Chi.

Lên đến Điện Biên, tôi vào đại bản doanh của anh Văn. Gặp anh, tôi hỏi:

- Báo cáo, có việc gì mà anh điều tôi lên gấp như vậy? Tôi mới về Cục Quân khí và mới họp triển khai công tác xong!

- Có một hội nghị, anh cần đi dự họp ngay và sau đó tôi sẽ trao đổi với anh về công việc cần làm!

Cuộc họp mà anh Văn nói chủ yếu bàn về việc vận chuyển gạo phục vụ cho chiến dịch, nhất là cho đợt tổng công kích. Tôi được biết dân công hỏa tuyến từ Việt Bắc, Khu 3, Khu 4... tiến ra mặt trận hàng nghìn, hàng vạn người. Nhưng do đường sá xa xôi, lại vận chuyển chủ yếu bằng gùi, gánh, thồ... nên khi chuyển đến nơi thì bản thân người chuyển đã ăn gần hết gạo. Tổng kết về việc vận tải bằng sức người gánh bộ trong Chiến dịch Tây Bắc trước đây thì kinh nghiệm được rút ra là muốn đưa gạo từ Thanh Hóa lên Nghĩa Lộ, thì cứ 1kg gạo đến đích phải mất 24kg ăn dọc đường. Vậy ở Chiến dịch Điện Biên này để có 25.000 tấn gạo, phải huy động gấp 24 lần, tức khoảng 600.000 tấn. Mà muốn có 600.000 tấn gạo phải thu được và tổ chức xay giã hơn 900.000 tấn thóc. Giả định, nếu có thu được cũng không thể vận chuyển lên kịp, vì đường đi bộ quá xa.

Cuộc vận chuyển gạo góp phần tổng công kích thắng lợi

Đoàn dân công gánh gạo phục vụ chiến dịch. Ảnh tư liệu

Để giải bài toán hóc búa ấy, Bộ Chính trị và Chính phủ ta đã có các giải pháp rất khoa học. Đó là động viên nhân dân hai tỉnh Lai Châu và Sơn La ra sức tiết kiệm để đóng góp lượng gạo tại chỗ, giảm số gạo phải đưa từ hậu phương lên. Với lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã đóng góp một lượng gạo rất lớn 7.360 tấn, đạt khoảng 27% lượng gạo cần huy động và gần 50% lượng gạo sử dụng tại mặt trận.

Kết quả đó thật vượt cả ước mơ. Cùng lúc các bạn Lào lại ủng hộ 310 tấn gạo thu được của địch sau Chiến thắng Thượng Lào. Các bạn Trung Quốc viện trợ 1.700 tấn gạo.

Họp xong tôi trở về đại bản doanh, được anh Văn giao nhiệm vụ. Chúng ta có 1.700 tấn gạo ở Ba Nậm Cúm giáp biên giới Việt - Trung. Với mấy trăm dân công mà đến nay mới chuyển về kho Ba Tần được vài trăm tấn. Yêu cầu anh tổ chức làm sao chuyển nhanh được số gạo đó về kho Ba Tần và từ Ba Tần về thị xã Lai Châu được khoảng 1.000 tấn trước ngày 30/4.

Tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chỉ trình bày khó khăn là chưa quen địa hình, địa vật ở Tây Bắc. Anh Văn cho xe đưa tôi sang gặp anh Bằng Giang (nguyên Tư lệnh Liên khu Tây Bắc). Anh Bằng Giang và hai cán bộ công binh cùng tôi đi khảo sát thực địa, cả đường thủy và đường bộ, nơi nào có thác thì dừng lại xem xét, đánh dấu và cho công binh phá ngay để các bè mảng chở gạo về xuôi thuận lợi.

Cuộc vận chuyển gạo góp phần tổng công kích thắng lợi

Những đoàn xe đạp thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Qua khảo sát, chúng tôi được biết, sở dĩ vừa qua vận chuyển gạo ở tuyến này chậm là do công tác tổ chức. Mỗi mảng nứa 4 người mà chỉ chở được 50kg gạo và thời gian xuôi hết gần một ngày. Khi trở lại đi bộ lại hết gần một ngày nữa. Vậy mà tôi thử đi bộ, cũng đoạn đường này chỉ hết có 4 giờ.

Sau khi phá các thác khó và tổ chức chở thử thành công, tôi đề ra chỉ tiêu: Mỗi mảng nứa chỉ cần một người và phải chở từ 250kg trở lên. Mảng nào chở hơn chỉ tiêu sẽ được thưởng bằng vải, thuốc lào hoặc tiền. Dân công nào chở xong số gạo trên sẽ được cho về quê sớm để sản xuất.

Không khí thi đua sôi nổi hẳn lên, từng đoàn các mảng nối đuôi nhau nườm nượp xuôi dòng. Nhờ vậy mà số gạo ở Ba Nậm Cúm và ở kho Ba Tần chuyển về thị xã Lai Châu được trên 1.000 tấn và trước thời hạn nửa tháng so với yêu cầu của anh Văn. Việc vận chuyển số gạo trên vượt mức cả số lượng và thời gian đã góp phần quyết định trong đợt tổng công kích Chiến dịch Điện Biên lịch sử toàn thắng... 

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn