Biển, đảo quê hương giữa đại ngàn Tây Nguyên

HQVN -

Có lẽ trong suốt cuộc đời mình, già làng A Khoa ở thôn Đăk Plang, xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum không thể nào quên được một sự kiện lớn mà già chưa bao giờ nghĩ tới.

Đó là vào tháng 5-2014, già vinh dự được tham gia đoàn công tác của tỉnh ra thăm huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trước chuyến đi cả tuần lễ, trong người già cứ bồn chồn, rạo rực, không thể nào ngủ được. Cả một đời gắn bó với buôn làng, với nương rẫy, với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, chưa bao giờ đi xa, giờ được đi trên con tàu lớn để ra với biển, với đảo xa nên tâm trạng của già nôn nao khó tả.

Được đặt chân lên đảo, già làng A Khoa không khỏi lạ lẫm. Điều mà già cảm nhận được rõ nhất là những người lính nơi đây thật giỏi. Mặc dù không có đất rẫy bạt ngàn tươi tốt như ở Tây Nguyên nhưng các chú bộ đội ở đây đã biết cách chắt chiu từng nắm đất, từng giọt nước để trồng rau xanh, để nuôi được nhiều gà, vịt, heo béo tròn. Vậy nên, khi từ Trường Sa trở về, thấy nhiều hộ dân trong xã có diện tích vườn, ao cá đã được đầu tư trước kia nhưng lại bỏ hoang, già bàn với cán bộ thôn đến nhà dân kể chuyện cuộc sống gian khó ở Trường Sa và vận động mọi người nên cải tạo lại diện tích trên đưa vào sản xuất. Già còn xung phong trồng giống lúa mới trên 5 sào ruộng và khai thác 1,5 ha bời lời đúng chu kỳ cây trồng. Không để đất trống, già đã động viên vợ cùng các chị em phụ nữ ở thôn thí điểm trồng rau xanh theo phương pháp mới cho năng suất cao.

Còn với thầy cô giáo và các em học sinh Trường THCS Đăk Rờ Ve, huyện Kon Rẫy thì ngược lại, Trường Sa không phải quá xa xôi mà rất gần gũi. Gần ở đây không phải về mặt địa lý mà gần vì ngay trong trái tim của các thầy cô, các em học sinh. Biển, đảo quê hương vẫn luôn hiển hiện từng ngày qua các bài giảng tích hợp, qua bản đồ, qua các bài hát về chủ đề biển, đảo. Biển, đảo còn hiện lên thật sinh động giúp cho các em cảm nhận rõ hơn, đầy đủ hơn dáng dấp quê hương qua mô hình “Cột mốc Trường Sa” được đặt ngay trong khuôn viên của trường. Đây là hình ảnh trực quan thể hiện cho tình yêu của thầy và trò nhà trường dành cho một phần máu thịt của Tổ quốc giữa khơi xa. Mô hình này là thông điệp muốn nói lên rằng, dù ở tận Tây Nguyên nhưng trong trái tim của mỗi thầy, trò nhà trường, biển, đảo và những người lính kiên trung đang ngày đêm canh giữ vẫn luôn ở bên.

Già làng A Khoa, thầy, cô giáo và các em học sinh Trường THCS Đăk Rờ Ve… đó chỉ là hai trong số rất nhiều hình ảnh, nhiều câu chuyện nói lên tình yêu biển, đảo sâu nặng của cán bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum dành cho Trường Sa, cho biển, đảo quê hương Việt Nam.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Kon Tum đã có nhiều hoạt động phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực để đưa cuộc sống của bà con gần hơn với biển, đảo Việt Nam. Tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, triển lãm, giáo dục và đào tạo, tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, các chương trình văn nghệ về biển đảo, tổ chức đoàn đi thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, tích cực tham gia nhiều cuộc vận động để hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương như những ngọn lửa cứ thế được mỗi người dân Kon Tum nâng niu, lưu giữ, thắp lên bằng nhiều cách khác nhau. Trên mỗi buôn làng hay từng công sở, ngọn lửa đó vẫn luôn rực sáng giữa mênh mông đại ngàn Tây Nguyên.

Châu Giang

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn