Tự tích trữ xăng dầu bị xử lý như thế nào?

HQ Online -

Trong thời gian gần đây, giá xăng dầu trong nước tăng cao nên một số người dân có hành vi mua xăng dầu về tích trữ để sử dụng dần. Vậy hành vi tích trữ xăng dầu dù không nhằm mục đích kinh doanh của một số người dân như trên có vi phạm quy định của pháp luật hay không?

Ảnh minh họa

Xăng dầu là mặt hàng dễ cháy, nổ nên việc tích trữ mặt hàng này phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hành vi tích trữ xăng dầu không đảm bảo các điều kiện an toàn gây ra cháy nổ, thiệt hại đến người và tài sản thì có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 13 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung 2013) thì hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, hành vi tự tích trữ xăng dầu là hành vi trái quy định của pháp luật.

Về hình thức xử lý hành chính

Theo khoản 4 Điều 32 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: “Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ”.

Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm trên thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự

Hành vi tàng trữ xăng dầu nếu là nguyên nhân gây cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tùy theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người phạm tội có thể bị xử phạt với mức hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị xử phạt hình phạt bổ sung như: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, việc một số người dân tự tích trữ xăng dầu là hành vi trái pháp luật, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và xã hội. Mọi người dân cần nắm rõ quy định của pháp luật để không vi phạm. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, mọi người cần báo cho các cơ quan chức năng biết và xử lý kịp thời.

Mai Thao

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn