Tình cảm sâu sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bộ đội Hải quân

HQVN -

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm, chỉ đạo xây dựng, phát triển và theo dõi từng bước trưởng thành các hoạt động chiến đấu của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Sự quan tâm xây dựng lực lượng và chỉ đạo tác chiến của Đại tướng đối với Quân chủng vừa thể hiện tư duy chiến lược độc đáo vừa thể hiện tình cảm vô cùng sâu sắc của vị Tổng Tư lệnh dành cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân.

Ngay sau ngày giải phóng Điện Biên Phủ, chấp hành Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo nhanh chóng xây dựng lực lượng tàu thuyền Hải quân để bảo vệ vùng ven biển nước ta. Ngày 24/8/1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh đã trực tiếp dự lễ thành lập 2 thuỷ đội Sông Lô và Bạch Đằng, đây là lực lượng tàu thuyền đầu tiên của Hải quân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lễ ra mắt Thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng (năm 1955). Ảnh: TL

Tại lễ thành lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển lời thăm hỏi ân cần của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cán bộ, giáo viên, chiến sĩ, công nhân viên Cục Phòng thủ bờ bể và cán bộ, thủy thủ hai thủy đội. Đại tướng khen ngợi các cơ quan cục, trường, xưởng đã nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo được lớp cán bộ, chiến sĩ thủy quân đầu tiên; đồng thời tổ chức đóng thuyền, lắp máy hoàn thành kế hoạch hạ thủy 20 ca nô chiến đấu, kịp thời hoạt động trên biển.

Đại tướng đã nhắc nhở: “Bờ biển nước ta dài và rộng, trên bờ có đông dân cư, có các trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng, dưới biển có nhiều tài nguyên quý giá. Kẻ địch đang lén lút phá hoại. Các đồng chí từ con em của nhân dân mà ra nên phải ra sức phát huy truyền thống của Quân đội Nhân dân anh hùng, hãy dũng cảm khắc phục khó khăn để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ bờ biển của Tổ quốc, bảo vệ công cuộc lao động hoà bình của nhân dân ta”. 

Đại tướng quan sát bộ đội Hải quân luyện tập sẵn sàng chiến đấu (năm 1964). Ảnh: TL

Từ ngày thành lập Đoàn tàu Không số (23/10/1961), mỗi chuyến đi của các con tàu, mỗi bến đỗ khi tàu vào đều được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan tâm, chỉ đạo sát sao, cụ thể và sáng suốt. Đêm 31/10/1964, khi tàu chở hàng vào Bình Định, hàng được bốc dỡ an toàn nhưng để giữ được bí mật, cán bộ, thủy thủ phải hủy tàu. Khi nghe báo cáo, Đại tướng đã chỉ thị không sử dụng bến Lộ Giao nữa, đồng thời cho theo dõi động thái của địch ở khu vực này xem chúng có phát hiện được ý đồ của ta không và tìm cách đưa hàng vào bến mới ở Phú Yên. Cùng thời gian này, Đại tướng đồng ý cho Hải quân triển khai phương án đưa tàu vào Vũng Rô, mở thêm một bến mới quan trọng chi viện cho chiến trường Khu 5.

Đầu năm 1970, nhân dịp Tết Canh Tuất, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và chúc Tết. Đại tướng biểu dương khen ngợi những thành tích, chiến công mà Đoàn đã giành được và căn dặn cán bộ, chiến sĩ ra sức rèn luyện, đề cao cảnh giác, tuyệt đối phải giữ được bí mật con đường, thường xuyên rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến công tác và theo dõi nắm tình hình địch để tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra vùng biển, đảo Hạ Long cùng Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát dịp Tết Nguyên đán năm 1970. Ảnh: Tư liệu. Ảnh: TL

Với Đặc công Hải quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn theo dõi, động viên và chỉ đạo kịp thời. Chính Đại tướng đã trao cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đoàn 126 Đặc công Hải quân. Thiếu tướng Mai Năng, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công, Đoàn trưởng Đoàn 126, sinh thời ông đã được gặp và thực hiện nhiệm vụ khi Đại tướng giao nhiệm vụ cho Đoàn. Tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa, ông là Đoàn trưởng, nhận được chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hải quân phải tập trung mọi khả năng, mọi biện pháp đánh chiếm và giải phóng các đảo do quân ngụy Sài Gòn đang đóng giữ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào được xâm chiếm các nơi đó. Khi đặc công hành quân vào Đà Nẵng, đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh Hải quân truyền đạt chỉ thị của Đại tướng, đồng thời giao nhiệm vụ cho Đoàn 126 giải phóng Trường Sa.

Đại tá Trương Tải, nguyên Thuyền trưởng Tàu 113, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Hải quân là người trực tiếp điều khiển tàu chở Đại tướng đi nghiên cứu vùng biển Đông Bắc. Đây là niềm vinh dự lớn đối với ông. Đại tá Trương Tải cho biết: Vào một ngày đầu mùa Hè năm 1972 tại Quân cảng Hạ Long, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân đã có chuyến thăm và nghiên cứu vùng biển Đông Bắc trên Tàu 113. Ngay sau khi xuống tàu, Đại tướng đã đi đến từng vị trí thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ rồi tìm hiểu khó khăn, vất vả khi học tập, ăn ở trên tàu... Đại tướng và đoàn công tác đến căn cứ cảng Vạn Hoa, khu vực đảo Trần, Thanh Lân… Mỗi nơi đến, Đại tướng đều chỉ ra giá trị phòng thủ cũng như tiềm năng, thế mạnh về biển, đảo…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Đoàn An điều dưỡng 22 Hạ Long, Cục Chính trị Hải quân. Ảnh: TL

Năm 1992, Đại tướng cùng gia đình có chuyến nghỉ dưỡng tại Đoàn 22, Cục Chính trị Hải quân. Lúc đó, Chuẩn Đô đốc Trần Khoái, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Hải quân đã vinh dự được gặp và trò chuyện với Đại tướng. Bức ảnh chụp lưu niệm với gia đình Đại tướng luôn được gia đình Chuẩn Đô đốc Trần Khoái giữ gìn như một “kỷ vật”.

Những lời căn dặn, chỉ đạo và tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bộ đội Hải quân luôn được thế hệ cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ khắc ghi và thực hiện trong chiến đấu cũng như sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.

Vũ Hưởng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn