Tàu, thuyền buồm Việt Nam và vai trò của tàu buồm ngày nay (Phần 2)

Xem xét ở góc độ tàu thuyền, buồm với tư cách phương tiện tác chiến trên môi trường sông nước trong lịch sử Việt Nam thì truyền thống thông thạo thủy chiến là biểu hiện thực tế truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” của người Việt. Truyền thống đó bắt nguồn từ chính cuộc sống hàng ngày gắn bó với sông nước ngay khi tổ tiên ta định cư trên dải đất duyên hải Đông Dương. Với những phát minh, sáng kiến đi trước thời đại về kỹ thuật đóng tàu, thuyền buồm cùng kỹ năng đi biển thành thạo, tổ tiên ta đã sử dụng tàu, thuyền buồm vô cùng hiệu quả trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược.

Chiến thắng vang dội đầu tiên của tổ tiên người Việt được lịch sử thế giới ghi nhận (trong Bách khoa toàn thư Britannica), mở ra truyền thống Bạch Đằng là chiến thắng của quân dân ta đánh đuổi quân Nam Hán bằng lực lượng thủy quân trang bị ghe-thuyền buồm dưới sự lãnh đạo, chỉ huy kiệt xuất của Ngô Quyền. Đến năm 981, cũng trên khúc sông đó, lịch sử được lặp lại bằng chiến thắng quyết định của thủy quân Đại Cồ Việt dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn, đánh bại quân Tống, tiêu diệt tại trận tên chủ tướng giặc Hầu Nhân Bảo.

Mô hình thuyền Định Quốc-một loại chiến thuyền của thủy quân Tây Sơn trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung, Bình Định

Vào tháng 11, 12 năm 1075, thực hiện chiến lược “Tiên phát chế nhân”, quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt đã tổ chức một lực lượng binh thuyền lớn, vận chuyển khoảng 50 nghìn quân vượt biển giữa thời tiết gió mùa Đông Bắc, tiến công đánh chiếm cảng Khâm, Liêm trong thời gian ngắn. Khả năng điều chuyển số lượng quân tương đương một cụm lực lượng viễn chinh hải quân đánh bộ Mỹ (MEF) hiện đại ngày nay của đoàn thuyền chiến Lý Thường Kiệt là vô cùng ấn tượng.  Điều này chứng tỏ lực lượng thủy quân ta thời đó rất hùng mạnh, với hàng trăm, hàng nghìn chiến thuyền trang bị buồm có khả năng vượt biển vào loại tốt nhất thời bấy giờ.

Trong hoàn cảnh chuyển giao quyền lực phong kiến giữa triều Lý và triều Trần, năm 1228 Hoàng tử Lý Long Tường buộc phải rời bỏ quê hương. Điều đáng chú ý là, ông đã tổ chức một hạm đội thuyền buồm đủ để đưa khoảng 6.000 thân quyến gia thuộc vượt biển đến tận Cao Ly (Triều Tiên). Với đích đến xa xôi, lại vượt biển trong thời tiết bất lợi (gặp 2 trận bão lớn), đoàn thuyền vẫn đến nơi an toàn. Điều đó minh chứng khả năng mạnh mẽ của những hạm đội thuyền buồm Đại Việt đầu thời Trần, cũng như khả năng điêu luyện trong điều khiển tàu, thuyền buồm của quân dân ta thời đó.

Đến thời nhà Trần, vó ngựa bách chiến bách thắng của quân Mông Nguyên đã bị khuất phục hoàn toàn trong 3 lần đọ sức với quân dân Đại Việt. Hốt Tất Liệt quyết ăn thua đủ với ta bằng phương án mới là sử dụng thêm một lực lượng lớn thủy binh trong lần xâm lược thứ ba. Nhưng Trần Quốc Tuấn đã thống lĩnh thủy quân thời Trần tiêu diệt hoàn toàn cánh quân đường biển của Ô Mã Nhi. Trận Bạch Đằng 1288 xứng đáng được xếp là trận đánh tiêu diệt vĩ đại nhất mọi thời đại mà tàu, thuyền buồm tham gia với tư cách là phương tiện tác chiến hải quân.

Những cải cách về thủy quân dưới thời Hồ Quý Ly (1400-1407) mang tính cách mạng. Trong đó, nổi bật là kỹ thuật đóng tàu buồm đinh thép, trang bị đại bác cỡ lớn, điều mà phải đến thế kỷ 17-18 phương Tây mới thực hiện được. Đáng tiếc, tính vượt trước thời đại của những cải cách đó lại chưa được phát huy.

Khi các chúa phong kiến sau thời Hậu Lê tranh giành quyền lực, gây ra cảnh nội chiến, đó là lúc phương Tây bắt đầu nhòm ngó nước ta. Trong đó, trận tập kích binh đoàn tàu chiến Hà Lan của hạm đội chúa Nguyễn Phúc Lan-Nguyễn Phúc Tần ngoài cửa biển Thuận An năm 1643 là trận đánh vang dội của các tàu, thuyền buồm Việt Nam chống lại tàu buồm phương Tây. Tuy nhiên, đó chỉ là chiến thắng đơn lẻ trong một chuỗi những thất bại sau này do tư duy không theo kịp thời đại của những nhà lãnh đạo phong kiến thời Nguyễn.

Người mang tư duy có thể khiến kẻ thù nể sợ một “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” là Nguyễn Huệ lại sinh ra vào thời đại cáo chung của chế độ phong kiến. Tuy vậy, ông đã đi vào lịch sử tàu, thuyền buồm thế giới bằng trận đánh hủy diệt có một không hai mang tên Rạch Gầm-Xoài Mút năm 1785. Hạm đội chiến thuyền buồm của thủy quân Tây Sơn bấy giờ mạnh nhất toàn khu vực, người phương Tây nhìn thấy cũng phải kinh ngạc dè chừng.

Tuy nhiên, những kẻ mang trọng trách lại “cõng rắn cắn gà nhà”, trở thành giặc nội xâm với tư duy vị kỉ hẹp hòi, bảo thủ trì trệ đã phá nát đất nước nói chung và hạm đội chiến thuyền buồm vang danh ngày trước nói riêng. Khi tiếng pháo hạm của thực dân Pháp xâm lược nổ ngoài cửa vịnh Đà Nẵng năm 1858, thì cũng là lúc kết thúc vai trò “phương tiện tác chiến hải quân” của tàu, thuyền buồm Việt Nam trong lịch sử.

Thanh Hải (còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn