Ra khơi “đón lộc” đầu năm

HQVN -

Sau những ngày vui Tết, đón xuân bên gia đình, ngư dân ở các làng biển trong cả nước lại rộn ràng chuẩn bị cho những chuyến ra khơi đón “lộc biển” đầu năm. Những chuyến xuất quân đầu xuân của bà con với tràn đầy hy vọng vào một mùa cá bội thu, một năm mới no ấm, bình an.

Từ xa xưa, nghề biển có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã ăn sâu trong đời sống, tiềm thức, tâm linh của người Việt. Trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu này, các làng biển được ví như những pháo đài, còn tàu thuyền và ngư dân chính là những chiến binh luôn hướng ra khơi, vừa đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Bà con luôn quan niệm rằng, chuyến ra khơi đánh bắt vụ đầu năm nếu thuận buồm xuôi gió sẽ giúp cho cả năm luôn may mắn và có nhiều tài lộc. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi thời gian gần đây, nghề biển gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cơn “bão giá” nhiên liệu hoành hành.

Tàu cá ngư dân vươn khơi bám biển đầu năm mới. Ảnh: Tuấn Anh

Để cho những chuyến ra khơi “mở hàng” đầu năm được thuận lợi và đạt kết quả tốt, công tác chuẩn bị về mọi mặt luôn được bà con đặc biệt chú trọng, kỹ càng. Với nhiều làng biển ở miền Trung, nhiều ngư dân đang tất bật sơn sửa tàu thuyền, chuẩn bị ngư lưới cụ cần thiết để bắt đầu vào mùa biển mới sau thời gian dài neo đậu để nghỉ Tết Nguyên đán. Đáng ra, công việc này thường là được làm vào thời điểm cuối năm nhưng những năm gần đây, thói quen này đã được dời thành “năm mới sửa thuyền” để tránh cập rập, thiếu thời gian bởi sau Tết thời gian sẽ thảnh thơi hơn và việc tu sửa sẽ được thực hiện một cách kĩ lưỡng hơn. Việc sửa tàu mới cũng mang theo kì vọng về những điều mới mẻ, tươi đẹp sẽ đến trong năm cho ngư dân.

Khắp các làng biển, các cảng cá trên cả nước đều rộn ràng chuẩn bị cho mùa ra khơi mới. Tiếng máy xay đá, tiếng cười nói, chúc mừng năm mới của bà con  ngư dân dành cho nhau khiến cho không khí của những ngày đầu năm thêm phần vui tươi, phấn khởi. Đầu năm, ngư dân mặc áo mới, ai cũng nói lời lành, ý đẹp, thoảng trong lời chúc tụng nhau đều có những câu “tôm cá đầy ghe”, “thuyền về đầy ắp”, “trúng đậm thắng lớn”. Ai cũng tin tưởng vào một mùa biển bội thu, tôm cá đầy khoang và tiếp tục gìn giữ nghề nghiệp ông cha để lại.

Ở mỗi một vùng biển trên cả nước sẽ có một “đặc sản” riêng. Những chuyến xuất hành đầu năm, bà con ngư dân thường đón “lộc biển” là loại hải sản dễ thu hoạch nhất, phổ biến nhất của vùng biển mình. Nếu như ngư dân vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng thường ra khơi đánh bắt được nhiều cá mòi, cá đục thì ở khu vực Sơn Trà (Đà Nẵng) hay Lagi (Bình Thuận) có truyền thống đầu năm đi thu hoạch ruốc (tép biển). Bà con vùng biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Hội (Nghệ An) lại thường được mùa cá trích đầu năm. Cá trích Nghệ An đã trở thành thương hiệu bởi thịt săn, bùi, ngọt vốn được người dân địa phương và du khách muôn nơi ưa chuộng. Còn ngư trường Bình Định, Phú Yên thì cá ngừ đại dương là thế mạnh, đem lại nguồn thu chủ yếu.

Cá ngừ đại dương cũng là đặc sản nổi tiếng hai tỉnh này, được bán đi khắp nơi cả nước và xuất khẩu sang các nước bạn. Với vùng biển Tây Nam, có rất nhiều loại hải sản nhưng bà con tập trung khai thác nhất vẫn là cá nhám, cá cơm bởi những loại cá này ở đây nhiều vô kể. Những sản vật mà biển cả mang lại trong những chuyến xuất hành đầu năm càng làm cho ngư dân phấn khởi. Bên cạnh đó, luôn có sự đồng hành, hỗ trợ, sát cánh của các cơ quan, ban ngành, lực lượng chức năng đã giúp cho bà con tự tin hơn trong mỗi chuyến ra khơi, an tâm bám biển để lao động, sản xuất.

Cuộc sống đã bình thường trở lại. Khi giá nguyên liệu đã giảm, trên những ngư trường dọc theo chiều dài đất nước, bà con ngư dân nô nức ra khơi, cập bến đầu năm mang theo niềm vui mỗi khi trở về khoang tàu ăm ắp cá, tôm, mực. Những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt rám nắng của những người dân miền biển mang theo ước vọng một năm mưa thuận gió hòa, tàu thuyền ra khơi vào lộng an toàn, thu hoạch hải sản đạt sản lượng cao, kinh tế của gia đình từng bước được vươn lên. Nghề biển của ông cha cứ thế được lưu truyền, gìn giữ cho đến tận mai sau…

Hải Vân

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn