Nông thôn mới Hải Phòng 10 năm bứt phá

HQVN -

Nông thôn Hải Phòng là nơi khởi đầu khoán mới trong nông nghiệp. 10 năm gần đây bức tranh nông thôn mới tiếp tục được vẽ thêm những nét đẹp bằng tư duy đổi mới, sáng tạo, những cách nghĩ, cách làm táo bạo và riêng có của người Hải Phòng. Từ huyện đảo Cát Hải cho tới các miền quê Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Lão, An Dương đều bừng sáng với dáng vẻ hiện đại, văn minh và đậm đà bản sắc văn hóa.

Năm 2009, Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới với 19 tiêu chí hết sức khắt khe. Dù là thành phố loại I cấp quốc gia thì đây cũng là thách thức không nhỏ với Hải Phòng bởi nông thôn Hải Phòng chiếm diện tích, qui mô dân số lớn; vốn ngân sách hạn hẹp, ruộng đất manh mún; các hợp tác xã chưa thu hút được dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Thành ủy Hải Phòng xác định, để xây dựng nông thôn mới phải có cách làm đổi mới, sáng tạo; phải huy động được sức dân, nguồn lực trong dân; tất cả vì con người, lấy con người làm trung tâm là chủ thể của sự phát triển.

Thành phố ưu tiên ngân sách, nhân dân tin tưởng chung tay

Xác định an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu để thu hẹp khoảng cách, tạo sự cân bằng giữa nông thôn và thành thị; là mục tiêu chiến lược của phát triển bền vững, ngân sách Trung ương và Thành phố luôn dành ưu tiên cho xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2011-2019, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình đạt gần 47 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn từ ngân sách địa phương đạt trên 25.700 tỷ, chiếm 55%. Ngân sách Thành phố hỗ trợ trực tiếp cho xã để xây dựng đạt chuẩn tăng từ 15-20 tỷ đồng/xã (giai đoạn 2011-2015) lên thành 25 tỷ/xã ở năm 2019. Đây là mức hỗ trợ vượt bậc, gấp nhiều lần so với mặt bằng chung cả nước.

Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco giúp nâng cao đời sống nông dân và phát triển kinh tế huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng

Từ cách làm gần dân, sát dân, đặt mình vào vị trí của người dân, lãnh đạo Hải Phòng đã đưa ra quyết sách sáng tạo, chưa có tiền lệ khi triển khai cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn. Theo đó, ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% kinh phí mua xi măng làm đường giao thông, đường nội đồng, đường nội bộ nghĩa trang. Nhân dân đóng góp vật tư, nhân công, mặt bằng; tự xây dựng, kiểm tra và giám sát trong quá trình thực hiện. Nhờ vậy, đến nay, Hải Phòng đã xây dựng, nâng cấp 3.715 km đường giao thông thôn, xóm, cụm dân cư. Qua đó, nhân dân càng thêm phấn khởi, tin tưởng và chung sức thực hiện Chương trình. Người người, nhà nhà sẵn sàng hiến đất, hiến ngày công để làm đường. Bà Lê Thị Hương, thôn 4, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên kể: Gia đình chúng tôi đóng góp trên 1 tỷ đồng. Bây giờ nhìn đường làng, ngõ xóm phát triển, sạch đẹp tôi chẳng hề thấy tiếc mà còn động viên con cháu đóng góp nhiều hơn để xây dựng quê hương giàu đẹp thêm.

Từ thực tiễn triển khai, Hải Phòng đã đúc kết được bài học quan trọng trong hoạch định chủ trương, chính sách đó là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra phải gắn với dân thụ hưởng mới có thể thành công.

Phát triển sản xuất, nâng cao đời sống toàn diện cho người dân

Về Vĩnh Bảo những ngày này có thể thấy không chỉ diện mạo nông thôn đổi mới mà tư duy của người nông dân cũng thay đổi khi được tiếp cập với cách làm nông nghiệp hiện đại. Trên diện tích 200 ha những dãy nhà kính tiêu chuẩn quốc tế của Nông trường VinEco đã đi vào sản xuất ổn định nhiều năm qua, ông Vũ Đức Phố, Bí thư Đảng ủy xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo cho biết: Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sản xuất tại Tân Liên đã được hệ thống siêu thị Vinmart của tập đoàn Vingroup thu mua. Điều đó là cơ sở để mở hướng phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề được triển khai quyết liệt. Toàn Thành phố quy hoạch được 20.340 ha sản xuất tập trung. Thành phố áp dụng một số cơ chế chính sách mới thu hút 27 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với vốn đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Cùng với phát triển kinh tế, việc xây dựng hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân được Thành phố chú trọng. Các nhà máy nước ở nông thôn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp giúp 99,2% người dân khu vực này được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Công tác vệ sinh môi trường chuyển biến tích cực với hơn 1 nghìn tổ, đội thu gom, vận chuyển rác. Phong trào xây dựng thôn, gia đình văn hóa được duy trì và nâng cao. Ý thức cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm được khơi dậy…

Nhìn lại 10 năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hải Phòng đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào. Thành phố có 97 xã hoàn thành xã nông thôn mới; đáng chú ý 3/7 huyện gồm: An Dương, Cát Hải, Kiến Thụy có 100% số xã đạt chuẩn, trong đó huyện Cát Hải hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Các địa phương cũng tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với 6 tiêu chí và 16 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Đình Chuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố chia sẻ: Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, Hải Phòng tiếp tục tập trung các giải pháp thực hiện chương trình theo chiều rộng và chiều sâu gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khẳng định vai trò chủ thể của người dân, hướng tới đổi mới toàn diện khu vực nông thôn, nông nghiệp và nông dân.

Bài, ảnh: Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn