Những người con của bến

HQVN -

Ngay từ khi con tàu Phương Đông I đưa 30 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng khai thông con đường vận tải chiến lược trên biển, tháng 10/1962, Trung ương Cục đã thành lập Đoàn 962 để tiếp nhận vũ khí. Hàng nghìn người con của khắp vùng đồng bằng Nam Bộ đã về đây làm nhiệm vụ tiếp nhận và vận chuyển vũ khí. Chỉ sau một thời gian ngắn, Đoàn 962 đã mở ra bến Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa, liên tục đón cán bộ, VKTB, hàng hóa từ tàu Không số chở vào.

Ẩn mình trong rừng đước, rừng dừa

Suốt những năm 60 của thế kỷ XX, hàng nghìn tấn vũ khí từ tàu Không số vào 4 bến này. Vũ khí đưa vào bao nhiêu, Đoàn 962 tổ chức đón bấy nhiêu và mau chóng vận chuyển đến khắp các mặt trận Nam Bộ cho quân giải phóng có đủ lực để đương đầu với vũ khí hiện đại của Mỹ đang ào ạt đổ vào miền Nam Việt Nam. Trong vòng lưới kiểm soát của địch, máy bay, tàu chiến, bốt đồn, hải quân, hải thuyền ngụy kiểm soát gắt gao như thế, hàng vạn tấn vũ khí vẫn âm thầm vượt qua bao khó khăn, trong cánh tay nối dài của Đoàn tàu Không số. Với lòng quả cảm, óc sáng tạo tuyệt vời, vũ khí lặn ngụp cùng với con người của bến, len lỏi trong rừng đước, rừng dừa vẫn như con thoi đưa đến tay người chiến sĩ.

Đội quân vận chuyển vũ khí luôn phải đối mặt với máy bay, tàu chiến địch, bất chấp gian khổ hy sinh, gồng mình lặn ngụp, âm thầm từng đêm, vận chuyển vũ khí đến nơi an toàn, đầy đủ con số nhận, trao.

Trong suốt 10 năm song hành với Đoàn tàu Không số, Đoàn 962 "cánh tay nối dài" của Đoàn tàu Không số đã đón tất cả 126 chuyến tàu chở vũ khí vào bờ thành công. Tàu Không số vào bến Cà Mau cả thảy 76 chuyến, với trên 7.000 tấn vũ khí. Tàu Không số vào tới bờ, như cá con được vào nằm trong miệng cá mẹ, được cá mẹ che chở, bảo vệ an toàn. Đoàn 962 đã viết nên trang sử vẻ vang, trang huyền thoại thần kỳ về tiếp nhận vận chuyển vũ khí để làm nên chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến công ấy là của những người con dũng cảm của Đoàn 962.

Năm 2011, cả 4 bến: Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre và Bà Rịa được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT Nhân dân.

Thuyền gỗ của Đoàn 962 nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam cập bến Rạch Gốc - Năm Căn (Cà Mau), năm 1963. Ảnh: TL

Phát minh ra "cần cẩu đước"

Trong 61 tấn vũ khí trên Tàu C42 vào được Bến Vàm Lũng đêm 24/10/1965, có 4 quả thủy lôi. Quân khu 9 điện ra Sở chỉ huy Đoàn 125 (Đoàn tàu không số) yêu cầu phải có để Đặc công Rừng Sác thực hiện kế hoạch đánh tàu của Mỹ trên sông Lòng Tàu.

Đêm 24/10/1965, Tàu C42 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng, người con của chính mảnh đất Ngọc Hiển, Năm Căn (tỉnh Cà Mau) chỉ huy đã cho tàu vượt qua “những màn chơi ú tim ngoạn mục” trên Biển Đông để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lần đầu tiên bến Vàm Lũng đón loại vũ khí đặc biệt. Gọi là quả nhưng nó nặng tới 1.075 kg. Anh em thủy thủ tàu Không số gọi nó là thủy lôi ca-bơ, thủy lôi sừng trạm. Còn anh em trên bến không biết rõ, chỉ biết loại vũ khí gì mà tròn trùng trục như hai cái thuyền thúng úp vào nhau. Bến Nam Bộ bờ kênh rạch sình lầy, không một tấc bê tông, không một tấc sắt, không máy móc cẩu tời gì hết, chỉ có đôi bàn tay và ý chí con người mà thôi. Bốn quả thủy lôi nặng quá tầm tay nên vận chuyển từ tàu lên bờ rất khó khăn.

Bác Tư Mao, Trưởng bến đã phát minh ra "cần cẩu đước". Dây nhợ được cột lên các ngọn đước cao to nhất ở quanh tàu. Một đầu dây được cột vào cái "sừng" (chắc là cái sừng này nơi sản xuất người ta làm để bến Cà Mau cột dây dừa. Một đầu dây ròng cột lên ngọn đước, một đầu dây để người cột kéo. Theo tiếng hô bắt nhịp, tất cả các ngọn đước đồng loạt "cúi xuống", đồng loạt "ngẩng lên", hợp sức với những bàn tay con người, nhấc cái khối tròn trùng trục kia lên khỏi thành tàu. Sau đó, thuỷ lôi được đặt lên hệ thống những khúc đước vừa là đường trục, vừa là những con lăn và những bàn tay cuồn cuộn nổi gân gò ghì, đẩy, kéo, nâng nhấc, sẵn sàng bẩy, đẩy, chêm. Người và đước hợp sức như thế để cẩu được bốn quả thủy lôi lên bờ.

Nếu vận dụng đúng vật lý học, máy móc thì ở đây cứ là "chào thua". Vậy mà nhờ phát minh của chú Tư Mao và những người con của bến, 4 quả thủy lôi đã lên được bờ, còn “ngoan ngoãn” về nằm ở kho. Sau đó lại lên thuyền lên ghe, tiếp tục cuộc hành trình ngoạn mục từ Cà Mau lên Trà Vinh, Bến Tre và những chặng cam go để đi đến sông Lòng Tàu. Chính Đại đội trưởng Ngô Văn Tân chuyển bốn quả tròn ấy cũng dùng "cần cẩu đước" nhấc từ kho lên tàu chuyển về Trà Vinh an toàn, mỗi tàu 2 quả, cũng không biết là quả gì.

Khi 4 quả thủy lôi từ Trà Vinh lên Bến Tre lại xảy ra chuyện tày trời. Một chiếc ghe chòng chành, quả thủy lôi rơi tuột xuống lòng lạch, chìm nghỉm dưới đáy. Làm sao vớt được lên bây giờ. Trên cạn còn có cơ cột cẩu vần trượt, còn dưới nước thì thật vô phương. Tưởng bó tay, nhưng "cái khó ló cái khôn", người quen nghề thuyền ghe bật ra sáng kiến. Chiếc ghe được nhận chìm bên cạnh trái thủy lôi, bốn năm người lặn xuống, nghiêng ghe vần quả thủy lôi vào, cùng hợp sức nâng ghe lên, tát nước, thế là ghe từ từ nổi hẳn, an toàn như không có chuyện gì xảy ra, không có chuyện thủy lôi rơi xuống lạch. Lại tiếp tục cuộc vận chuyển. Từ Bến Tre, bốn quả thủy lôi lại được "cẩu" lên ghe, chất xung quanh đầy dừa.

Thủy lôi tiêu diệt tàu chiến Mỹ

Trời nhá nhem, du kích trên bờ lại cứ chĩa súng vào ghe để dọa bắn. Ở vùng sông nước kênh rạch này, thám báo, dân, giải phóng, du kích, thủ trưởng đến lính toàn mặc một màu bà ba xám đen, xuất đầu lộ diện toàn ban đêm. Không được báo trước nên du kích trên bờ nghĩ là hải thuyền địch nên cứ bắn xuống ghe. Phải gào lên, may mà họ nghe thấy mà ngưng bắn. Ghe còn nhỏ hơn sóng cửa biển. Biển gầm gào như muốn nuốt chửng cả ghe lẫn thủy lôi.

Trong kênh rạch còn đỡ lo, ngoài cửa biển từ Cồn Nghêu lên Cần Giờ Rừng Sác thật như “ngàn cân treo sợi tóc”, ghe mà chìm là mất toi. Máy bay trinh sát địch bay lượn trên đầu nhưng trời tối, lại thấy ghe nhỏ nên nó bỏ qua. Bến đón vũ khí, vận chuyển trầy trụa với thủy lôi như thế, vậy mà nó cũng đến được đúng nơi nó cần phát huy công dụng. Đó là vùng "làm ăn" của Đặc công Rừng Sác. Những quả thủy lôi đã được họ tính toán đâu vào đấy. Khi đến sông Lòng Tàu, Đặc công Rừng Sác ra nhận, lắp ráp cài đặt xong, đáy ghe liền được đục lủng, cho ghe và thủy lôi cùng chìm xuống lòng sông nằm im đó chờ!.

Và rồi hai trong 4 quả thủy lôi đó đã đánh chìm chiến hạm Balon Ronghe Victory của Hải quân Mỹ, trong sông Lòng Tàu ngày 23/8/1966. Tàu này có trọng tải 10 nghìn tấn. Nó đang chở 100 xe thiết giáp M113, 3 máy bay phản lực, một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm cho lính Mỹ trong mùa khô. Trước đó hơn một năm, chiến sĩ biệt động Sài Gòn-anh Ba Náo đã cùng 80kg thuốc nổ TNT đánh chìm tàu chiến Mỹ US CARD tại cảng Sài Gòn. Quân và dân ta giỏi như thế đấy. Vũ khí của tàu Không số chuyển vào, bến đón và chuyển đến tay người chiến sĩ đánh trận hiệu quả như thế đấy!

Mã Thiện Đồng

Nhà văn Mã Thiện Đồng từ 2010 đã đi đến từng bến đón vũ khí, gặp các thuyền trưởng tàu Không số, quân dân bến. Chị đã viết bốn cuốn sách về tàu Không số: Ký ức tàu, Đoàn cảm tử quân trên biển, Người chiến sĩ tàu Không số, Những người con của bến.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn