Nhật Bản nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ

Cuối tháng 12/2022, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thông qua khoản chi tiêu quốc phòng trị giá 6.820 tỷ yên (khoảng 51,4 tỷ USD) cho năm tài khóa 2023, bắt đầu từ tháng 4-2023. Ngân sách quốc phòng trên được dự toán trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ.

Theo trang mạng thediplomat.com, dự thảo ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2023 tương đương 1,19% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng 0,23% so với năm tài khóa 2022.

Việc thông qua ngân sách quốc phòng kỷ lục tiếp tục chuỗi 9 năm liên tiếp ngân sách quốc phòng Nhật Bản tăng dưới thời chính phủ của Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Tokyo có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên mức tiêu chuẩn của NATO là 2% GDP vào năm 2027. Theo hãng tin Reuters, đây là kế hoạch quốc phòng lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

"Đó là câu trả lời cho những thách thức an ninh khác nhau mà chúng ta đang phải đối mặt", Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh, đồng thời mô tả Nhật Bản và người dân đang ở một "bước ngoặt trong lịch sử".

Nhật Bản nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ

Tàu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF). Ảnh: mod.go.jp

Dự thảo ngân sách quốc phòng của Nhật Bản bao gồm chi phí liên quan đến việc tái tổ chức lực lượng Mỹ đồn trú nhằm hỗ trợ các hoạt động giảm thiểu tác động đối với cộng đồng địa phương. Dự thảo ngân sách tập trung vào 7 lĩnh vực ưu tiên để “tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản”, bao gồm: Năng lực phòng thủ dự phòng, trong đó có sản xuất hàng loạt tên lửa tầm xa; tích hợp phòng thủ tên lửa và phòng không (IAMD) để chống lại các cuộc tấn công tên lửa của đối phương; năng lực phòng thủ bằng khí tài không người lái; năng lực hoạt động đa lĩnh vực, bao gồm vũ trụ, không gian mạng và điện tử; chỉ huy và kiểm soát cùng các chức năng liên quan đến tình báo; năng lực điều động và triển khai lực lượng và tiếp viện ra tiền tuyến; củng cố khả năng phục hồi và bền vững của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF).

Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ bảo đảm 828,3 tỷ yên cho các khoản chi tiêu liên quan đến đạn dược, cao gấp 3,3 lần so với tài khóa hiện tại, trong đó bao gồm cả 211,3 tỷ yên để mua 500 tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk do Mỹ sản xuất. Tokyo dự kiến mua mẫu Tomahawk Block V mới nhất để trang bị cho các tàu khu trục tích hợp Aegis của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF).

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có kế hoạch chi 2.000 tỷ yên để thúc đẩy các biện pháp liên quan đến duy trì và bảo trì thiết bị, cao gấp 1,8 lần so với tài khóa hiện tại; dành 58,5 tỷ yên để phát triển tên lửa hành trình siêu thanh (HCM) vào đầu những năm 2030. Ngoài ra, 102,3 tỷ yên sẽ được đầu tư để tiếp tục chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo hợp tác với Anh và Italy.

Ngày 9/12 vừa qua, lãnh đạo 3 nước Nhật Bản, Anh và Italy đã công bố Chương trình Không quân chiến đấu toàn cầu (GCAP) mới. GCAP có sự tham gia của dự án Hệ thống không chiến tương lai (còn gọi là Tempest) do Anh dẫn đầu và chương trình máy bay chiến đấu F-X của Nhật Bản. Theo tuyên bố chung về thỏa thuận bước ngoặt này, 3 nước đặt mục tiêu đưa chiến đấu cơ mới đi vào hoạt động năm 2035.

Bộ Quốc phòng cũng sẽ chi 300 triệu yên để thúc đẩy việc hợp tác phát triển tên lửa đối không mới (JNAAM) với Anh trong năm tài khóa 2023, với các hạng mục chuẩn bị liên quan đến thử nghiệm đánh giá hiệu suất của thiết bị cảm biến tên lửa mới. Chương trình JNAAM là dự án trang bị quốc phòng đầu tiên của Tokyo với một đối tác nước ngoài không phải Mỹ.

Bên cạnh các khoản chi trên, Nhật Bản cũng dành ngân sách để mua tên lửa tấn công liên hợp dẫn đường chính xác, phóng từ trên không do công ty Na Uy Kongsberg phát triển; mua tên lửa hành trình tầm xa AGM-158B phóng từ máy bay của nhà thầu Lockheed Martin dành cho mẫu máy bay F-15J nâng cấp; mua 6 trực thăng tuần tra chống tàu ngầm SH-60L, phiên bản nâng cấp của trực thăng hải quân đa năng SH-60K.

JMSDF sẽ chi 5,2 tỷ yên để nâng cấp 2 tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, gồm JS Izumo và JS Kaga, thành các tàu sân bay đủ khả năng vận hành máy bay chiến đấu F-35B của nhà thầu Lockheed Martin. JMSDF cũng đã đặt trước 35,7 tỷ yên để mua 4 tàu tuần tra xa bờ thế hệ tiếp theo (OPV) trong tài khóa tới. “Các tàu tuần tra mới này sẽ có nhiệm vụ cảnh báo và giám sát, dự kiến được vận hành với nhân sự tối thiểu để đối phó với tình trạng thiếu nhân lực tại JMSDF”, thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn