Nhạc sĩ Hình Phước Long: Tình yêu Trường Sa vẫn luôn dạt dào trong tâm thức

HQVN -

Không xa đâu Trường Sa ơi/ Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em” - Đã 40 năm trôi qua nhưng những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của ca khúc “Gần lắm Trường Sa” vẫn làm xao xuyến, lay động biết bao trái tim yêu biển, đảo. Đặc biệt, trong các hải trình đến với Trường Sa thân yêu, lời bài hát vang lên giữa biển trời mênh mông của Tổ quốc càng khiến người nghe thêm xúc động, nghẹn ngào...

Nhân dịp Xuân Quý Mão, phóng viên Báo Hải quân Việt Nam đã được nghe nhạc sĩ Hình Phước Long-tác giả của “Gần lắm Trường Sa” chia sẻ về ca khúc làm nên tên tuổi của mình.

Phóng viên (PV): Thưa nhạc sĩ Hình Phước Long, từ khi chưa đặt chân đến vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhạc sĩ đã sáng tác “Gần lắm Trường Sa”. Vậy nguồn cảm xúc từ đâu để nhạc sĩ có thể sáng tác được ca khúc dạt dào, sâu lắng và “rất thực” về Trường Sa đến như vậy ạ?

Niềm vui thường ngày của Nhạc sĩ Hình Phước Long. Ảnh: Đức Giang

Nhạc sĩ Hình Phước Long: Nhạc sĩ Hình Phước Long: “Gần lắm Trường Sa” đúng là ca khúc đầu tiên của tôi sáng tác về đề tài Trường Sa, vào năm 1982. Tôi đã từng nghe nhiều người sáng tác âm nhạc nói rằng: “Tôi chỉ sáng tác khi có cảm xúc thật sự đến với tôi”. Nhưng cảm xúc là cái chợt đến, chợt đi và cảm xúc chỉ đến với người đối diện với sự kiện ấy. Trong lúc đó, khi viết ca khúc “Gần lắm Trường Sa”, tôi chưa một lần đặt chân đến quần đảo Trường Sa, tôi chỉ dựa vào vốn sống, sự trải nghiệm và khả năng của mình để làm nên tác phẩm cho mình là chính.

PV: Nhạc sĩ có thể chia sẻ đôi chút về nghệ thuật âm nhạc của ca khúc và cảm xúc khi “Gần lắm Trường Sa” trở thành một trong những ca khúc truyền thống của bộ đội đảo và nhạc sĩ thì được nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ giữ đảo yêu mến gọi là “Công dân danh dự của Trường Sa”?

Nhạc sĩ Hình Phước Long: Nghệ thuật âm nhạc (lời PV)-Đó là sự lựa chọn riêng của từng tác giả. Khi chọn đề tài bảo vệ Tổ quốc, có người chọn nhịp điệu hùng tráng, ca từ kiên định, lập trường vững vàng… Nhưng tôi lại khác, tôi chọn đề tài tình yêu trong bảo vệ Tổ quốc. Đó là lời thì thầm của một cô gái ở đất liền, gửi tâm tình đến với chàng trai là người yêu, là chiến sĩ của mình, đang ngày đêm nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ quần đảo Trường Sa. Với giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết, với ca từ trong sáng, thuần khiết và yêu thương, với tiết tấu Rumba êm dịu, gợi cảm; “Gần lắm Trường Sa” đã đi sâu vào tình cảm không chỉ với người lính Hải quân, mà còn lan tỏa đến cộng đồng người Việt trên khắp mọi miền đất nước và cả kiều bào ta ở nước ngoài!

Những người yêu bài hát của tôi, rồi họ gọi tôi là “Công dân danh dự của Trường Sa”. Chứ thật lòng, thì tôi không dám nhận… Vì nó cao quý hơn những điều tôi nghĩ. Tôi rất vui vì sự thành công của bài hát “Gần lắm Trường Sa”, bởi nó đã góp phần tích cực vào đời sống âm nhạc của đất nước. Nhưng nếu bạn hỏi tôi có cảm thấy hài lòng hay chưa? Thì tôi trả lời rằng, chưa! Bởi khát khao của người sáng tác còn luôn ở phía trước.

PV: Sau này nhạc sĩ đã được đến với Trường Sa. Nhạc sĩ có thể chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình trong chuyến thăm đó?

Nhạc sĩ Hình Phước Long:  Tôi đi Trường Sa vào đầu tháng 4/1984. Tôi đi cùng đoàn cán bộ tỉnh Phú Khánh (Trước tháng 6/1989, tên tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên được gọi chung là Phú Khánh. Sau đó tỉnh Phú Khánh chia thành 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên-PV). Lúc ấy, anh Võ Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn. Đoàn của Quân chủng Hải quân do Chuẩn Đô đốc Hoàng Hữu Thái, nguyên Phó Tư lệnh Hải quân làm trưởng đoàn. Đây là chuyến đi thị sát đầu tiên của Quân chủng Hải quân và tỉnh Phú Khánh đến với quần đảo. Chuyến đi đã đến tất cả các đảo lớn, nhỏ mà có quân đội ta trú đóng và mỗi đảo, đoàn đều dừng chân nghỉ lại từ 1 đến 3 ngày. Đoàn đã dừng lại để đặt bia chủ quyền tại 2 đảo Thuyền Chài và Đá Tây. Chuyến đi dài đến 28 ngày. Chuyến đi có rất nhiều điều đáng nhớ song với tôi, điều xúc động nhất là nỗi nhớ đất liền của người lính đảo. Nỗi nhớ từ ánh mắt của người lính đảo đã đi vào tiềm thức của tôi lúc nào tôi cũng không rõ nữa… 17 ca khúc tôi viết về Trường Sa thì hầu như bài nào cũng len lén vào nỗi nhớ của người lính. Trong ca khúc: “Nhớ thầm” của tôi có đoạn: “Dù xa nghìn trùng xa thì người lính vẫn nhớ. Hoàng hôn chân trời xa và người lính càng nhớ. Trong tay không cây đàn, thì vỗ báng súng hát. Trong tay không cây đàn vẫn hát nhớ thầm thôi!”...

PV: Sau chuyến ra thăm đảo năm ấy, nhạc sĩ đã có thêm nhiều sáng tác mới về Trường Sa và vinh dự được tặng thưởng những danh hiệu, giải thưởng cao quý, có đúng không ạ?

Nhạc sĩ Hình Phước Long: Đúng rồi! Nhưng trước khi ra thăm Trường Sa vào năm 1984, tôi đã có 2 ca khúc nổi tiếng là “Gần lắm Trường Sa” và “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn”. Ca khúc “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn” của tôi đã đoạt giải Nhì (cuộc thi không có giải Nhất) năm 1983. Đây là cuộc thi lớn nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất. Sau chuyến đi, đến nay tôi đã có 17 ca khúc viết về đề tài Trường Sa. Riêng ca khúc “Vầng trăng nơi đảo xa”, tôi đã nhận được 2 giải thưởng vào năm 1997 đó là, giải Nhất cuộc thi sáng tác về đề tài Trường Sa của Nhà Văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh và giải A của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam...

Huân chương Lao động hạng Ba của tôi được tỉnh Khánh Hòa đề nghị Chủ tịch nước tặng vào năm 2012 từ những tác phẩm của tôi sáng tác về Trường Sa. Còn Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký tặng vào năm 2017, trong Bằng chứng nhận có ghi 5 tác phẩm của tôi, thì trong đó có 3 tác phẩm tôi sáng tác về Trường Sa, đó là: “Vầng trăng nơi đảo xa”, “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn” và “Gần lắm Trường Sa”.

PV: 40 năm với “Gần lắm Trường Sa” và cho đến tận bây giờ, nhạc sĩ vẫn luôn dành tình cảm và cảm hứng sáng tác về Trường Sa, có đúng không thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Hình Phước Long: Tôi nay đã 72 tuổi rồi, sức khỏe đã giảm nhiều so với trước. Đó là quy luật thôi. Tôi không thể nói trước được điều gì. Khi nào cần viết thì viết, không cưỡng cầu được nữa. Còn tình yêu với Trường Sa thì vẫn luôn dào dạt trong tâm thức của tôi. Tôi vẫn luôn nghĩ mình là thế!

PV: Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Hình Phước Long!

Thùy Liên (thực hiện)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn