Nguyên nhân số ca mắc Covid-19 gia tăng?
Số ca mắc Covid-19 mới trong thời gian tới có thể sẽ gia tăng. Tuy nhiên, tất cả các địa phương đều đang ở cấp độ dịch 1 (màu xanh). Số ca nặng, nhập viện có tăng do số ca mắc tăng tương ứng tập trung ở nhóm người có bệnh nền, cao tuổi, tuy nhiên chưa có sự đột biến, do đó nước ta vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch. Đó là nhận định của Cục Quân y - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng khi cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh này.
Omicron là biến thể chủ đạo của các ca mắc mới trên toàn cầu
Từ đầu năm 2023 đến nay, dịch trong nước cơ bản kiểm soát, số ca mắc trong ngày có thời điểm không ghi nhận. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, số ca mắc mới và số ca nhập viện có xu hướng tăng, tính riêng từ ngày 12 đến ngày 18/4, cả nước đã ghi nhận 4.060 ca mắc mới, trung bình có gần 580 ca mắc mới mỗi ngày, là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023. Tại Hà Nội, số người mắc gia tăng so với tháng 1 và tháng 2, nhưng hiện vẫn ở mức thấp so với các dịch bệnh khác trong giai đoạn chuyển mùa. Tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng nhẹ.
Hiện nay, Omicron là biến thể chủ đạo của các ca mắc mới trên toàn cầu, với khoảng hơn 500 chủng khác nhau. WHO đang theo dõi chặt chẽ biến chủng XBB.1.5 và 7 biến chủng khác đang được giám sát, đó là BA.2.57, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16 và XBB.1.9.1.
Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh các biến chủng trên có thể làm tăng tình trạng bệnh nặng, mặc dù trên một số nước có ghi nhận sự gia tăng số ca nhập viện và số ca mắc mới; đồng thời, không có báo cáo về việc tăng số ca nguy kịch (ICU) hoặc tỷ lệ tử vong có liên quan đến bất kỳ biến thể XBB nào. Ở nước ta, Omicron (biến thể BA.1, BA.5) vẫn chiếm phổ biến (92% tính đến cuối năm 2022).
Nguyên nhân dẫn đến số ca mắc Covid-19 gia tăng
Các ca bệnh xuất hiện lẻ tẻ trong cộng đồng do không được sàng lọc đại trà cùng với triệu chứng nhẹ, tâm lý chủ quan, không chủ động thực hiện các biện pháp cách ly trong bối cảnh hiện tại đã mở cửa lại kinh tế, du lịch. Khách du lịch nước ngoài nhập cảnh không phải xét nghiệm, không cách ly khi vào nước ta. Theo Bộ Y tế, trong vài tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 nhập cảnh chiếm gần 50%.
Tâm lý chủ quan của người dân, coi nhẹ việc thực hiện 2K, nhất là tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Thời tiết cuối tháng 3 và đầu tháng 4 tại miền Bắc mưa nắng thất thường, khí hậu nồm ẩm tạo điều kiện cho các loại vi rút đường hô hấp phát triển, trong đó có vi rút SARS-CoV-2.
Ngoài ra, trong tháng 3 và tháng 4/2023, tỷ lệ mắc cúm và sốt xuất huyết khu vực miền Bắc có xu hướng tăng. Những bệnh do vi rút này làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác. Một số cá thể có giảm đáp ứng miễn dịch đặc hiệu với vắc xin (do tuổi già, tiêm chưa đủ mũi, giảm đáp ứng theo thời gian…).
Dự báo tình hình dịch thời tới
Theo các chuyên gia, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau tại nhiều nơi trên thế giới. Biến thể này có đặc tính lây lan nhanh, độc lực không mạnh. Việt Nam là nước được bao phủ vắc xin phòng chống dịch Covid-19 rất cao, với liều cơ bản cho 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên; mũi 3, 4 cũng đạt tỷ lệ cao 80-90%, trẻ từ 5 đến 12 tuổi mũi 1 đạt 90%, mũi 2 là gần 70%. Tuy nhiên có nơi, có địa phương tỷ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt là ở nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Lãnh đạo Bệnh viện Quân y 354 kiểm tra công tác tiêm phòng tại bệnh viện
Số ca mắc Covid-19 mới trong thời gian tới có thể sẽ gia tăng. Tuy nhiên, tất cả các địa phương đều đang ở cấp độ dịch 1 (màu xanh). Số ca nặng, nhập viện có tăng do số ca mắc tăng tương ứng tập trung ở nhóm người có bệnh nền, cao tuổi, tuy nhiên chưa có sự đột biến, do đó nước ta vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch.
Trong Quân đội, dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác vẫn đang được kiểm soát tốt. Tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19 cao hơn so với cộng đồng dân cư bên ngoài, cùng với sự chỉ đạo phòng, chống dịch sâu sát của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, có kinh nghiệm trong ứng phó với các tình huống dịch nên số ca mắc có thể tăng lẻ tẻ ở các đơn vị, triệu chứng nhẹ, thời gian điều trị ngắn, khó phát triển thành chùm ca bệnh hoặc ổ dịch lớn.
Thực hiện nghiêm quy định 2K trong phòng, chống dịch Covid-19
Trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay, Cục Quân y khuyến cáo các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần và Cục Quân y về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, các đơn vị cần thực hiện tốt một số công việc trọng tâm sau đây:
Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm quy định 2K (khẩu trang và khử khuẩn) khi tham gia các sự kiện đông người, khi đi đến những nơi công cộng; tuyên truyền về hiệu quả lợi ích của vắc xin để bộ đội tham gia tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch khi được triển khai. Chủ động rà soát kế hoạch phòng, chống dịch của cơ quan, đơn vị; bổ sung nhân lực, trang thiết bị, hóa chất, test kít, vật tư tiêu hao…; có kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng… sẵn sàng triển khai khi tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thực hiện giám sát chủ động, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên cho các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời.
Những trường hợp mắc Covid-19 tự cách ly, điều trị tại nhà, quân y đơn vị hướng dẫn cụ thể việc tự theo dõi sức khỏe, nhận biết các triệu chứng nặng như sốt cao, khó thở... để thông báo cho quân y đơn vị hoặc đến cơ sở y tế gần nhất khám, điều trị kịp thời. Đối với các trường hợp mắc Covid-19 tại cơ quan, đơn vị: Phải thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế, theo dõi sát, điều trị tích cực, hạn chế tối đa tiến triển nặng, không để lây lan dịch bệnh trong cơ quan, đơn vị…
Các khuyến cáo về tiêm vaccine
Theo khuyến cáo của một số chuyên gia y tế nước ngoài, tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 năm 2023 cho người lớn nếu liều vắc xin Covid-19 cuối cùng (lần nhiễm bệnh đã được xác nhận) cách 6 tháng trở lên. Thứ tự ưu tiên như sau:
- Tất cả người từ 65 tuổi trở lên.
- Người từ 18-64 tuổi mắc các bệnh lý y tế đi kèm làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng hoặc người có các vấn đề về sức khỏe phức tạp.
Các nhóm sau nên cân nhắc tiêm liều nhắc lại vào năm 2023, nếu đã đủ thời gian như trên và dựa trên sự đánh giá lợi ích rủi ro của từng cá nhân: Tất cả người lớn từ 18-64 tuổi không có yếu tố nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng. Trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-17 tuổi mắc các bệnh y tế đi kèm làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng.
Các loại vắc xin đã được cập nhật có khả năng chống lại Omicron, như: Pfizer Original/Omicron BA.4/5, Pfizer Original/Omicron BA.1 hoặc Moderna Original/Omicron BA.1, Moderna Original/Omicron BA.4/5.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Quy chế xét, tặng Giải thưởng sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài Hải quân giai đoạn 2021-2025 - ( 20-09-24 02:00 )
- Sửa đổi Luật Sĩ quan: Hạn tuổi phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là bao nhiêu? - ( 14-09-24 07:00 )
- Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan vào Kỳ họp thứ tám - ( 13-09-24 06:00 )
- Giấy phép lái xe cấp trước 1/1/2025 được cấp, đổi lại thế nào? - ( 03-09-24 12:00 )
- Điểm chuẩn mới nhất các trường quân đội năm 2024 - ( 18-08-24 08:00 )