Ngành công tác cán bộ Quân đội-75 năm xây dựng, chiến đâu và trưởng thành (28/2/1947-28/2/2022): Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)

HQ Online -

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954), đất nước ta bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến hành xây dựng CNXH; miền Nam bị đặt dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và chế độ tay sai, tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ.

Từ đây cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh gian khổ. Thời kỳ này Cục Cán bộ, Bộ Tổng Tham mưu được thành lập theo Quyết định số 13/QĐA ngày 15/3/1956 của Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ giúp Tổng Tham mưu trưởng quản lý đội ngũ cán bộ quân sự, chuyên môn, hậu cần toàn quân. Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị được thành lập theo Quyết định số 24/QĐA ngày 28/4/1956 của Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ giúp Tổng cục Chính trị quản lý đội ngũ cán bộ chính trị toàn quân.

Ngày 23/4/1957, để quản lý thống nhất cán bộ trong Quân đội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 172/TTg thành lập Tổng cục Cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng, trên cơ sở sáp nhập Cục Cán bộ Tổng cục Chính trị và Cục Cán bộ Bộ Tổng Tham mưu. Đến năm 1959 Thủ tướng Chính phủ quyết định rút gọn thành Cục Cán bộ trực thuộc Tổng cục Chính trị.

Tổ chức biên chế của Cục Cán bộ thời kỳ này lúc ít nhất là 4 phòng, 1 ban và khi nhiều nhất (1973) là 7 phòng, 1 ban, 1 trường nghiệp vụ với 142 cán bộ, nhân viên, được tổ chức thành các phòng: Nghiên cứu kế hoạch tổng hợp, Nhân sự, Đào tạo bồi dưỡng, Chính sách bảo dưỡng, Hồ sơ, Hành chính, Phòng theo dõi cán bộ ở chiến trường miền Nam và mặt trận Lào.

Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị cán bộ chính trị toàn quân 6 tháng đầu năm 2020. Ảnh: Trọng Hải

Trong hoàn cảnh vừa xây dựng, vừa chiến đấu rất khẩn trương, liên tục, ác liệt, gian khổ và dài ngày trên các chiến trường miền Bắc, miền Nam và Lào (1965-1975), việc xây dựng đội ngũ cán bộ và tiến hành công tác cán bộ gặp rất nhiều khó khăn.

Quán triệt đường lối của Đảng trong công tác cán bộ, Cục Cán bộ đã đề xuất Tổng cục Chính trị tham mưu với Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ sát thực tiễn chiến đấu. Các chiến trường, các quân binh chủng, cả đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ đúng năng lực sở trường, đúng người, đúng việc.

Vì vậy, đội ngũ cán bộ đã phát triển nhanh về số lượng và trưởng thành về nhiều mặt, cơ bản đảm bảo đủ số lượng, chất lượng ngày càng nâng cao và cơ cấu hợp lý, đáp ứng được yêu cầu chiến đấu, xây dựng và phát triển các quân, binh chủng, các lực lượng trên chiến trường, cả tiền tuyến và hậu phương, cả đơn vị và cơ quan... góp phần cùng toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng vĩ đại trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH. 

Giai đoạn 1954-1964

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; quân và dân ta trên cả 2 miền Nam, Bắc chuẩn bị bước vào một cuộc chiến đấu mới trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt. Miền Bắc được sống trong hòa bình, bước vào cải tạo và xây dựng CNXH. Quân đội thực hiện kế hoạch từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, SSCĐ bảo vệ miền Bắc, tăng cường phát triển lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.

Căn cứ vào tình hình cách mạng và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, chuẩn bị chi viện cho chiến trường miền Nam, Cục Cán bộ đã đề xuất Tổng cục Chính trị, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, sắc lệnh, chính sách, chế độ, các kế hoạch 5 năm, 1 năm... về công tác cán bộ; trong đó có Luật Quy định về chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (4/1958); làm thủ tục phong, thăng quân hàm sĩ quan lần đầu (1958) và hằng năm cho hàng vạn cán bộ.

Trong quá trình kiện toàn đội ngũ cán bộ đã chuyển 34.335 cán bộ ra các cơ quan dân chính đảng để tham gia xây dựng đất nước. Đội ngũ cán bộ Quân đội từ binh chủng hợp thành (bộ binh) là chủ yếu, dần dần hình thành các quân chủng, binh chủng; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là cán bộ chỉ huy các quân, binh chủng và cán bộ chuyên môn kỹ thuật.

Cục Cán bộ giúp Tổng cục Chính trị tham mưu với Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, tổ chức thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng nhanh cán bộ khung và giáo viên cho các nhà trường mới được thành lập (gồm 15 trường quân chính, trung cao; 8 trường sĩ quan); đào tạo 41.335 cán bộ; tuyển chọn, bồi dưỡng văn hoá và ngoại ngữ, cử 5.130 cán bộ đi học nước ngoài; chú trọng bồi dưỡng văn hoá nâng cao kiến thức để tiếp thu khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại.

Sau 8 năm xây dựng, đã tập trung giải quyết cơ bản đủ số lượng cán bộ theo tổ chức biên chế mới (đến cuối năm 1964 tỷ lệ cán bộ chiếm 15,7% tổng quân số), chất lượng, cơ cấu ngày càng phát triển (50% cán bộ quân, binh chủng và kỹ thuật, 94,4% là đảng viên, 67,9% được qua trường với 29% đào tạo cơ bản). Đội ngũ sĩ quan dự bị bắt đầu được xây dựng với trên 3 vạn (chủ yếu là cán bộ xuất ngũ). Thí điểm huấn luyện, đào tạo 1.200 sinh viên tốt nghiệp đại học thành sĩ quan dự bị.  

Giai đoạn 1965-1975

Trong hoàn cảnh đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, tổ chức lực lượng vũ trang trong cả nước phát triển mạnh, công tác cán bộ vừa phải tập trung phát triển lực lượng đáp ứng yêu cầu chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, nhất là các quân binh chủng kỹ thuật hiện đại, vừa phải tăng cường lực lượng đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng cho chiến trường miền Nam và chiến trường phối hợp Lào, Cam-pu-chia.

Cục Cán bộ và cơ quan cán bộ các đơn vị toàn quân đã tham mưu cho cấp ủy các cấp tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị. Công tác cán bộ đã kịp thời chuyển hướng đáp ứng nhanh yêu cầu thời chiến, chuyển hướng đào tạo, bồi dưỡng từ dài hạn sang ngắn hạn là chính và mở rộng hệ thống nhà trường. Về cơ bản xếp đủ cán bộ khung và giáo viên cho 43 trường (gồm 4 trường trung cao, 22 trường sơ cấp, 1 trường văn hoá, 16 trường quân chính quân khu, binh đoàn, sư đoàn). Đào  tạo được 185.000 cán bộ các loại đáp ứng trên 30% nhu cầu; tiếp tục cử cán bộ đi học nước ngoài, chủ yếu là cán bộ chỉ huy thuộc quân chủng, binh chủng, cán bộ nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, cán bộ giảng dạy ở các nhà trường.

Để kịp thời chi viện bổ sung cho cuộc kháng chiến ở miền Nam và các chiến trường phối hợp, Cục Cán bộ đã đề xuất nhiều giải pháp tập trung giải quyết đủ số lượng cán bộ, trong đó báo cáo đề xuất với Đảng, Nhà nước động viên hơn 5.000 sĩ quan dự bị và điều động hơn 4.900 cán bộ dân sự vào phục vụ Quân đội. Nhờ đó kịp thời kiện toàn xây dựng các quân chủng, binh chủng, phát triển lực lượng đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc và chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ tăng cường lực lượng cho giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

 Đoàn công tác Cục Cán bộ làm việc tại Vùng 5 Hải quân (năm 2019). Ảnh: Duy Khương

Cùng với việc động viên bổ sung đủ số lượng cán bộ cho các hướng chiến trường, công tác cán bộ đã chú trọng xây dựng lực lượng dự trữ cán bộ để tiến hành luân chuyển cán bộ đi B và sẵn sàng đáp ứng tiêu hao, phát triển trong chiến đấu, nhất là khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhất (1970-1974). Cục Cán bộ đã tham mưu, tổ chức thực hiện, đưa được nhiều cán bộ có thành tích trong chiến đấu ở chiến trường miền Nam và con cán bộ miền Nam ra Bắc để đào tạo, bồi dưỡng và làm nguồn dự trữ chiến lược cho giai đoạn tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam. Về số lượng đến 30/5/1975 khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tổng số cán bộ gấp 4,5 lần so với năm 1954, gấp 3,7 lần so với năm 1964. Chất lượng cán bộ được nâng cao, hầu hết đều được rèn luyện trong chiến đấu, 92,8% đảng viên, 52,2% được đào tạo, bồi dưỡng tại trường.

Cục Cán bộ đã nghiên cứu tham mưu đề xuất với cấp trên, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, hậu phương gia đình cán bộ. Bên cạnh việc tổ chức chăm sóc, bồi dưỡng sức khoẻ cho cán bộ trước khi đi chiến đấu ở các chiến trường và tổ chức các đoàn thu dung, an điều dưỡng khi cán bộ ở chiến trường ra, đã quan tâm đến việc quản lý gia đình cán bộ đi B, đăng ký làm thủ tục cho 140.000 thương binh, liệt sĩ. Tổng hợp danh sách cán bộ B, C được phong, thăng quân hàm từ các chiến trường để đăng ký và làm thủ tục thông báo cho các cơ quan quân sự địa phương cấp phát lương cho các gia đình. Hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị đảm bảo việc làm, tổ chức sơ tán con cán bộ trong chiến tranh, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp cả hậu phương và tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, Cục Cán bộ cùng với cơ quan cán bộ các cấp đã làm tốt công tác đăng ký, quản lý hồ sơ cán bộ; phục vụ tốt công tác nghiên cứu, nhân sự, chính sách cán bộ, đồng thời giúp cho việc xem xét giải quyết các chế độ chính sách sau chiến tranh thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Về xây dựng cơ quan nghiệp vụ công tác cán bộ, Cục Cán bộ không những hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị chuyên môn, mà còn kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, xây dựng chế độ, nền nếp, mối quan hệ hiệp đồng với các cơ quan chức năng.

Với ý chí quyết tâm tất cả vì nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đội ngũ cán bộ, nhân viên và chiến sĩ của Cục Cán bộ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, làm việc khẩn trương, liên tục, không quản ngày đêm, giờ nghỉ, ngày nghỉ. Cục đã liên tục tổ chức nhiều đợt cán bộ của cơ quan đi phái viên đến các chiến trường khó khăn gian khổ, ác liệt nhất, nhiều đồng chí trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu là thương bệnh binh và lập được chiến công xuất sắc, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại.

Cục Cán bộ đã thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành nghiệp vụ công tác cán bộ, đảm bảo đủ số lượng theo tổ chức biên chế, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Trong đó, từ năm 1972-1975 đã tổ chức Trường Nghiệp vụ công tác cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng dài hạn 1 năm về công tác cán bộ cho 300 cán bộ là trưởng, phó phòng, ban cán bộ và trợ lý cán bộ các đơn vị.

HQVN (Còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn