Nặng nghĩa với biển khơi

HQVN -

Chúng tôi gặp anh Dương Văn Tập (phường Phong Hải, TX. Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) khi tàu cá của anh chuẩn bị rời bến vươn khơi. Mọi công việc chuẩn bị cho chuyến đi lần này đều đã hoàn tất.

Ngồi trên con tàu khang trang vừa được sơn sửa còn thơm mùi sơn mới, anh Tập kể: Nghề ngư dân là truyền thống của gia đình. Từ ông bà, bố mẹ rồi đến anh và cả con anh nữa đã là 4 đời gắn bó với biển quê hương. Ngày xưa, tàu nhỏ, gia đình anh chỉ làm nghề chài lưới trên dòng sông Chanh chảy qua TX.Quảng Yên. Sau này, gia đình gom góp đóng những con tàu lớn hơn, có điều kiện đánh bắt khắp Vịnh Bắc Bộ.

Ngày bé, anh nghe các ngư dân khác kể, ở ngoài khơi biển ta có rất nhiều cá tôm; tàu lớn đi đến vùng Hoàng Sa, Trường Sa khoang tàu luôn đầy ắp tôm cá. Mong ước được vẫy vùng ở vùng biển đó đã nhen nhóm trong tâm trí và trở thành khát khao của anh từ ngày ấy.

Khi trưởng thành, anh Tập vẫn đánh bắt trong vùng Vịnh Bắc Bộ. Qua nhiều đời tàu, đến năm 2013, anh vẫn gắn bó với chiếc tàu 320 CV. Năm 2014, khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, được sự động viên, quan tâm của lãnh đạo địa phương, anh mạnh dạn vay gần 17 tỷ đồng để đầu tư tàu cá 870 CV để vươn khơi. Năm 2015, nhận con tàu mới, niềm vui nhân lên không kể xiết bởi anh đã hiện thực được khát khao ngày bé, được vươn khơi đến Hoàng Sa, Trường Sa.

Anh nhớ như in ngày đầu tiên đến Hoàng Sa, những con sóng đập vào thuyền rồi tung bọt trắng xóa. Chuyến đi ấy cho anh nhiều trải nghiệm giữa vùng biển vừa lạ lẫm vừa quen thuộc. Hơn tất cả có lẽ là niềm hạnh phúc chinh phục vùng biển quê hương, ở đó không chỉ có tôm cá, có ngư trường trù phú, mà còn cả trách nhiệm, niềm tự hào với Tổ quốc.

“Ngoài lương thực, nước ngọt, dầu, đá lạnh… mỗi chuyến đi tôi đều chuẩn bị lá cờ Tổ quốc để treo trên tàu. Đây là tín hiệu để các ngư dân Việt nhận ra nhau và yên tâm đánh bắt. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, chỉ cần nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay cũng cảm thấy ấm lòng, lòng tự tôn dân tộc cứ thôi thúc và hừng hực trong lồng ngực”-anh Tập nói mà chúng tôi cảm nhận rõ giọng của anh đang nghẹn ngào.

Theo anh Tập đi biển, ngoài 6 thủy thủ còn có 2 người con trai. Cậu lớn dạn dĩ nắng gió năm nay 26 tuổi, cậu út vừa tròn 20. Cậu út tên Dương Văn Quang thích mày mò máy móc, điều khiển các thiết bị trên tàu. Anh Tập tự hào khoe: “Bọn trẻ bây giờ học các loại máy móc như máy dò quyét, liên lạc… nhanh. Có các con đi theo, công việc của tôi nhàn hơn hẳn, chỉ việc ngồi chỉ đạo”. Biết bố động viên mình, Quang khiêm tốn: “Em còn phải học hỏi nhiều lắm vì đi tàu không chỉ điều khiển tàu hành trình. Chiếc tàu này gần 17 tỷ đồng, nợ nhiều, đánh bắt đợt này không thuận lợi nên cũng khó khăn lắm chị ạ”.

Những người trẻ luôn có mơ ước của riêng mình. Quang kể cho tôi về lần đầu được theo bố đi đánh bắt ở Hoàng Sa, một không gian rộng lớn hơn rất nhiều so với Vịnh Bắc Bộ và cả con sông Chanh ngày bé của em. “Ra biển lớn mới thấy mình nhỏ bé. Em thích những lúc nhìn thấy cá heo chạy theo thuyền hay những đêm nằm trên khoang tàu chờ mực, nhìn trăng sáng vằng vặc mới thấy biển quê mình yên bình và đẹp lạ. Em ước sau này cũng có một chiếc tàu to như vậy. Em sẽ phấn đấu trở thành một ngư dân lão luyện, tìm được vùng biển nhiều cá, mực để lần nào về bờ khoang cũng đầy ắp”.

Nghe con tâm sự, ngồi bên, anh Tập chỉ cười. Tuổi trẻ có nhiều khát vọng, ngày trẻ anh cũng vậy. Thấy ánh mắt con trai cũng giống như mình ngày xưa khiến anh càng thêm hạnh phúc và tự hào. Ấy là niềm hạnh phúc, tự hào của một ngư dân nặng nghĩa với biển khơi.

Hoàng Quỳnh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn