Một số loại thuỷ lôi, bom từ trường Mỹ đã sử dụng để phong tỏa sông, biển miền Bắc nước ta

HQVN -

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã sử dụng rất nhiều loại bom, đạn khác nhau. Trong đó, có 2 lần (vào các năm 1967 và 5/1972 - 1/1973) sử dụng thuỷ lôi và bom từ trường để phong tỏa sông, biển miền Bắc nước ta. Bom từ trường và thuỷ lôi của Mỹ thời gian đó tập trung vào 2 loại chính là: Bom từ trường MK-36 và thuỷ lôi đáy loại MK-52.

 Bom MK-36 DST

Bom từ trường MK-36 (viết tắt tiếng Anh của Mark-36) được Hải quân Mỹ phát triển từ tháng 6/1966, đến tháng 6/1967 thì chính thức mang ra sử dụng để phong toả các cửa sông và sông ở Bắc miền Trung nước ta. MK-36 (Hình 1) là loạt đầu tiên trong chương trình phát triển một họ mìn (lôi) mới của Mỹ có tên gọi Destructor (Kẻ phá hoại) và vì vậy, để phân biệt với thuỷ lôi MK-36 thì loại bom này được thêm chữ DST và trở thành MK-36 DST. Sở dĩ lúc gọi MK-36 DST là bom, lúc gọi là mìn (lôi) là vì lý do, MK-36 DST được chuyển đổi từ một loại bom hàng không 500 Bảng có mã hiệu là “Mark-82” thành mìn (lôi) MK-36 DST; MK-36 DST gồm nhiều đời (Model-Mod), khác nhau bởi ngòi nổ, còn thân bom, khối lượng bom và thuốc nổ thì không thay đổi. Các Mod đó gồm:

 - Mod 0 và Mod 1 có ngòi nổ chậm loại này thả trên sông, cửa biển và do đó gọi là thuỷ lôi (mìn dưới nước). Mỹ thả Mod 0 lần đầu tiên vào tháng 6/1967. Mod 1 thì ngoài khả năng giữ chậm còn có bộ phận gây nổ ngẫu nhiên.

- Mod 2 và 3: Có ngòi phức tạp hơn có thể nổ chậm hoặc nổ ngay loại này dùng để đánh vào các mục tiêu trên mặt đất, do vậy chúng là bom hàng không. Trong đó, Mod 2 có khả năng đặt thời gian tự huỷ còn Mod 3 có ngòi nổ từ trường và thêm khả năng chống phá, gỡ.

- Mod 4, 5, 6, 7 ngòi nổ kết hợp từ trường-rung động, trong đó Mod 7 có khả năng chống phá, gỡ.

Về cấu tạo MK-36 DST gồm thân bom hàng không MK-82 (bao gồm cả thuốc nổ) kết hợp với một bộ kit chuyển đổi MK-75 (Hình 2). Bộ kit chuyển đổi MK-75 gồm: Ngòi nổ MK-32 (gồm Khối nổ truyền MK-33, Khối nổ kích MK-59); Cơ cấu châm lửa MK-42 khi lắp bom sẽ thêm khối pin MK-95 (đây chính là khối pin cảm biến rung động); và, đuôi bom MK-15 hoặc đuôi bom MK-82. Trong đó, nếu lắp đuôi MK-15 thì phi công có thể thả bom ở chế độ giữ chậm hoặc không giữ chậm, còn đuôi MK-82 là đuôi bom hàng không thông thường, khi lắp đuôi này, bom chỉ rơi theo quán tính.

Ngòi nổ từ trường của MK-36 DST về cơ bản gồm có một cảm biến từ trường nhạy (thin-field magnetometer) có khả năng điều chỉnh được ngưỡng cảm nhận. Còn cảm biến rung động thì có tác dụng kích hoạt cảm biến từ trường, nên loại bom/mìn này sẽ không phát nổ chỉ bởi một sự thay đổi về từ trường hoặc rung động riêng rẽ, mà phải kết hợp sự thay đổi từ cả hai trường vật lý này.

Theo số liệu của Hải quân Mỹ thì từ tháng 5/972 đến tháng 1/1973, trong đợt cao điểm phong toả cảng Hải Phòng, họ đã ném đến 11.000 quả bom MK-36 DST để phong toả trên hệ thống các sông và cửa biển đến và đi từ Hải Phòng.

Một số thông tin khác về bom MK-36 DST như sau:

- Khối lượng: 500 Bảng hay 272kg (500 lbs);

- Chiều dài: 2.220mm (87,4 inches);

- Đường kính: 273mm (10,75 inches);

- Phương pháp thả/rải: Thả từ các loại máy bay cường kích hải quân như A-7 hoặc F-4.

Minh Ngọc

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn