Hỏi - đáp về chính sách bảo hiểm xã hội

Hỏi: Điều kiện hưởng lương hưu (thông thường) đối với quân nhân được quy định như thế nào?

Trả lời:

Tại Khoản 1 và Điểm a, Khoản 2, Điều 8, Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân, quy định điều kiện hưởng lương hưu (thông thường) đối với quân nhân khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi;

- Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

- Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền thì không phụ thuộc vào tuổi đời.

- Nam quân nhân có đủ 25 năm trở lên, nữ quân nhân có đủ 20 năm trở lên công tác trong Quân đội, trong đó có ít nhất 5 năm tuổi quân, mà Quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được. Thời gian công tác trong Quân đội bao gồm thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng, kể cả thời gian quân nhân chuyển ngành sau đó do yêu cầu nhiệm vụ được điều động trở lại phục vụ Quân đội.

Hỏi: Điều kiện nghỉ hưu đối với quân nhân chuyên nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời:

Khoản 1, Điều 4, Thông tư số 162/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về điều kiện nghỉ hưu đối với quân nhân chuyên nghiệp như sau:

- Đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân.

- Hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm quy định tại Khoản 2, Điều 17, Luật QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

- Đủ 40 tuổi, có 20 năm đóng BHXH trở lên, trong đó có 15 năm là chiến đấu viên quy định tại Thông tư số 213/2016/TT-BQP ngày 23-12-2016 của Bộ Quốc phòng quy định về chức danh chiến đấu viên trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân mà Quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được.

Hỏi: Luật BHXH năm 2014 có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1-1-2016 đối với người lao động suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%, vậy quân nhân có tăng tuổi so với Luật BHXH năm 2006 không?

Trả lời:

Điều 55, Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động như sau:

1- Người lao động không phải là quân nhân khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Từ ngày 1-1-2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

2- Người lao động là quân nhân khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên.

b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Như vậy, quân nhân khi nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động theo Luật BHXH năm 2014 thì không phải tăng tuổi đời so với Luật BHXH năm 2006.

 PV (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn